Di tích trên thềm sông: Địa điểm Thác Khuy và Nà Đứa

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Địa điểm Thác Khuy và Nà Đứa thuộc xã Xuân Tiến, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang (xã này từ năm 2002 nằm trong lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, đã giải thể) là một địa điểm khảo cổ tiền sử thuộc loại hình thềm sông, thềm bậc 1 của sông Gâm, nơi đây phát hiện nhiều công cụ chế tác từ đá cuội; giống như các địa điểm thuộc loại hình thềm sông khác ở đây cũng được xác định là địa điểm cư trú của cư dân thuộc văn hóa Hòa Bình.
Di tích trên thềm sông: Địa điểm Thác Khuy và Nà Đứa
Công cụ đồ đá cũ, tìm thấy năm 1990 ở xã Ngọc Hội (huyện Chiêm Hóa) có niên đại cách đây khoảng 10.000 năm.

Địa điểm Thác Khuy

Thác Khuy thuộc bản Nà Phắt nằm giáp ranh giữa bản Nà Đứa và bản Nà Phắt, cách Bắc Giòn 1 khoảng 2,5km về phía bắc. Địa điểm này cũng thuộc loại hình thềm sông, phân bố ở thềm bậc I bên bờ trái của sông Gâm, cao 7 - 10m so với mặt nước sông. Cũng như Khuổi Bốc, Bắc Giòn 1 và Bắc Giòn 2, ở đây có nhiều đoạn thềm bị sụt lở, tạo thành những taluy xuất lộ mặt cắt của bậc thềm. Tình trạng địa tầng ở đây cũng giống Bắc Giòn 1.

Hầu hết những di vật đá đều được tìm thấy trong tầng cuội kết. Ngoài đồ đá, không có bất cứ tài liệu khảo cổ nào khác.

Tại Thác Khuy, đã phát hiện được 8 công cụ chế tác từ đá cuội lấy từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, gồm: 1 công cụ mũi nhọn, 3 công cụ chặt thô, 1 rìu ngắn kiểu Hòa Bình, 1 công cụ mảnh cuội lớn, 1 tiêu bản mảnh tước.

Di vật mảnh tước ở Thác Khuy là loại mảnh tước thế thứ. Trên mặt lưng và mặt bụng mảnh tước còn lưu giữ nhiều vết ghè tách chằng chéo nhau. Sự có mặt của mảnh tước ở địa điểm này cho thấy, công cụ được chế tác tại chỗ.

Có thể cho rằng Thác Khuy là một địa điểm khảo cổ Tiền sử thuộc loại hình thềm sông, thềm bậc I của sông Gâm. Những đặc điểm di tích và di vật ở Thác Khuy cũng tương tự như các địa điểm nói trên, là địa điểm cư trú của cư dân thuộc văn hóa Hòa Bình.

Địa điểm Nà Đứa

Thuộc bản Nà Đứa, cách hang Nà Đứa khoảng 200m về phía nam; cũng thuộc loại hình thềm sông, phân bố ở thềm bậc I bên bờ trái của sông Gâm cao 10 - 15m so với mặt nước sông. Đây là một khúc cong khá lớn của dòng sông, lòng sông mở rộng gần 150m, ở giữa sông có cù lao lớn được tạo thành bởi bãi cuội nguyên liệu khổng lồ. Cũng giống như Khuổi Bốc, Bắc Giòn 1 và Bắc Giòn 2, trên đoạn sông này cũng có hiện tượng xói lở mạnh bên bờ sông phía bản Nà Đứa. Toàn bộ di vật sưu lượm được đều tìm thấy trong tầng cuội kết. Trên bề mặt thềm cũng không có di vật đá.

Đã phát hiện được 6 công cụ đá tại dải cuội kết bậc thềm. Toàn bộ được chế tác từ đá cuội lấy từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, gồm: 2 công cụ chặt thô, 1 công cụ hình bầu dục kiểu Hòa Bình, 3 tiêu bản mảnh tước.

Công cụ hình bầu dục thường được chế tác từ những hòn cuội mỏng có hình dáng không ổn định. Phần rìa lưỡi thường được ghè lan rộng trên bề mặt cuội và mở rộng diện được ghè ở nhiều rìa cạnh của công cụ. Cả 2 công cụ chặt thô ở Nà Đứa có rìa lưỡi được tu chỉnh lần hai. Chúng có đặc điểm gần gũi với những công cụ cùng loại ở Bắc Giòn 1.

Hai công cụ mảnh được chế tác từ những mảnh tước có kích thước lớn. Thường thì những mảnh đá này đã có một rìa cạnh sắc, người xưa chỉ cần ghè tu chỉnh lại đôi chút ở phần riềm cuội để làm tăng thêm độ sắc của rìa lưỡi. Chúng có những đặc điểm tương tự những công cụ cùng loại ở Thác Khuy và Bắc Giòn 1. Cũng giống như các địa điểm thuộc loại hình thềm sông khác ở xã Xuân Tiến, đây là địa điểm cư trú của cư dân thuộc văn hóa Hòa Bình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật