Tổng vốn hóa trên thị trường chứng khoán tương đương 56,4% GDP

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ trong hơn ba tháng, VN-Index tăng gần 20%, từ 1.040 điểm lên 1.240 điểm, tổng vốn hóa trên thị trường chứng khoán tương đương 56,4% GDP vào cuối năm 2023.
Tổng vốn hóa trên thị trường chứng khoán tương đương 56,4% GDP
Vùng giá 1.245 điểm cũng là mức đỉnh của VN-Index năm 2023. Ảnh minh họa

Tính đến hết năm 2023, tổng vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt hơn 240 tỷ USD, tương đương 56,4% GDP, riêng sàn HoSE là 186 tỷ USD.

Năm 2023 là một năm nhiều biến động với thị trường chứng khoán. VN-Index vượt lên trong tháng đầu tiên của năm, đóng cửa trên ngưỡng 1.100 điểm nhưng lùi về gần 1.000 điểm chỉ một tháng sau đó. Thị trường trầm lắng cho tới đầu tháng 5, trước khi bước vào nhịp tăng mạnh nhất của năm.

Theo thống kê, chỉ trong hơn ba tháng, VN-Index tăng gần 20%, từ vùng 1.040 điểm lên 1.240 điểm. Cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ, bất động sản là những cái tên đáng chú ý nhất. Tuy nhiên, vùng giá 1.245 điểm cũng là mức đỉnh của VN-Index năm 2023.

Trong khi đó, chỉ số của sàn HoSE giữ vùng giá này cho tới đầu tháng 9 trước khi lao dốc. Áp lực bán ra tăng nhanh trước những diễn biến trái chiều từ thị trường quốc tế, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất. VN-Index đổ đèo về gần ngưỡng 1.000 điểm chỉ trong gần hai tháng, xóa hết thành quả từ đầu năm. Thanh khoản trong giai đoạn này cũng giảm sâu, về quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng trên HoSE.

VN-Index dần phục hồi trở lại vào hai tháng cuối năm, thị trường về quanh ngưỡng 1.100 điểm và đi ngang ở vùng này. Chốt phiên 29/12, chỉ số của HoSE đóng cửa ở mức 1.129,93 điểm, tăng hơn 12% so với đầu năm. Tổng vốn hóa thị trường đến hết năm 2023 đạt hơn 240 tỷ USD, tương đương 56,4% GDP.

Trên HoSE, đến cuối năm 2023 có 394 mã cổ phiếu, 14 mã chứng chỉ quỹ ETF, 4 mã chứng chỉ quỹ đóng và 229 mã CW đang niêm yết. Tổng khối lượng và giá trị chứng khoán niêm yết lần lượt đạt 154,9 tỷ chứng khoán và hơn 1,53 triệu tỷ đồng, tăng 7,7% về khối lượng và 7% về giá trị so với năm 2022.

Trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu sẽ đạt 100% GDP năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030. Con số này gần gấp đôi so với quy mô vốn hóa hiện tại.

Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP vào năm 2030.

Nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật