Chủ tịch Vietravel: 16 ngân hàng cam kết hỗ trợ, chỉ 4 làm nghiêm túc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đây là nhận định của Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ tại đối thoại về gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp vượt dịch Covid-19.
Chủ tịch Vietravel: 16 ngân hàng cam kết hỗ trợ, chỉ 4 làm nghiêm túc
Chủ tịch Vietravel cho rằng các ngân hàng thương mại cần hỗ trợ mạnh tay hơn để các doanh nghiệp sinh tồn trong dịch Covid-19. Ảnh: Y Kiện.

Tại tọa đàm, Chủ tịch của Vietravel - ông Nguyễn Quốc Kỳ - đã so sánh doanh nghiệp với "trâu đi cày". "Khi nó ốm thì người phải cho ăn cỏ, người bảo cho đắp chăn nhưng không ai làm cỏ. Ai cũng sợ trách nhiệm, sợ vất vả, kết quả thì con trâu chết mà bốn ông vẫn chưa bàn xong", doanh nhân này chia sẻ.

Ông Kỳ cho rằng câu chuyện của doanh nghiệp cũng là chuyện của ngân hàng. "Các anh kinh doanh tiền, doanh nghiệp vay để đi cày thì cũng để trả lãi ngân hàng. Sản phẩm của ngân hàng là tiền, doanh nghiệp vay để tạo ra sản phẩm của mình, có chuyện thì chúng ta phải xúm vào cùng giải quyết", lãnh đạo Vietravel nhận định.

Ông Kỳ đồng ý rằng cần phải giải quyết vấn đề khoanh nợ, nhưng cần tính tới hoàn cảnh doanh thu không có vì dịch bệnh thì doanh nghiệp không thể trả lãi.

Ngân hàng cần vào cuộc mạnh tay hơn

"Doanh nghiệp cũng giống vậy thôi, dòng tiền là oxy cho doanh nghiệp. Chúng ta cứ bàn lấy đâu ra oxy, cho bao nhiêu là đủ nhưng tôi nói thật là lắp cho doanh nghiệp cái máy thở đã rồi tính tiếp", doanh nhân này nói.

"Đến bây giờ, 16 ngân hàng cam kết thì chỉ 4 ngân hàng thực hiện nghiêm túc thôi. Bởi vì trong bối cảnh này, lường trước khó khăn nên các ngân hàng đều bảo vệ quyền lợi của họ. Các ngân hàng thương mại làm rất chậm việc giảm lãi so với 4 ngân hàng nhà nước.

Ngân hàng đã được giữ nguồn oxy rồi thì phải chấp nhận chia sẻ để vượt qua đại dịch", chủ tịch Vietravel đề xuất.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cùng các chuyên gia kinh tế cũng bàn luận về việc cân nhắc những tác động của gói hỗ trợ tín dụng giúp doanh nghiệp phục hồi sau khủng hoảng năm 2008 để kiến nghị một gói hoàn thiện hơn.

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, viện trưởng viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, chia sẻ Việt Nam từng làm gói hỗ trợ lãi suất năm 2009, tài trợ tương đối mạnh tay vì suy giảm rất mạnh sau khủng hoảng 2008. Mức tài trợ khi đó khoảng 4-5% lãi suất, riêng gói tài trợ lãi suất lên tới khoảng 19.000 tỷ đồng.

"Hồi đó chúng ta làm còn khá chủ quan, các chốt về vĩ mô và vi mô không đặt ra ngay từ đầu, nên cuối cùng có thể nói gói đó lợi cũng có nhưng không nhiều, hại thì rất lớn. Nó đẩy hệ thống ngân hàng vào tình trạng nguy hiểm, hậu quả đến bây giờ vẫn chưa xử lý xong. Lạm phát tăng cao", TS Nghĩa nhận định.

Với kinh nghiệm rút ra từ gói hỗ trợ năm 2009 và gói hỗ trợ mà các nước đang triển khai để kích cầu kinh tế, TS Nghĩa đề xuất dùng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương tạo ra hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất, chỉ cần ở mức 1%.

"Kết hợp với một gói hỗ trợ khoảng 2-3% sẽ tạo ra xung lực tổng cộng 4%. Tuy nhiên, phải có biện pháp vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước cùng hỗ trợ từ ngân sách để tạo hiệu ứng giảm lãi suất rõ rệt với doanh nghiệp", viện trưởng viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh phân tích.

Phải làm lớn để tạo hiệu quả rõ rệt

TS Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cũng cho rằng gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 đã không thành công toàn diện dù đạt được một số mục tiêu.

Về hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch, TS Tuấn Anh chia sẻ ngành ngân hàng cũng đã vào cuộc rất nhiều, rất sớm. "Chúng ta đã cơ cấu nợ cho khoảng 520.000 tỷ đồng, tính lũy kế thực hiện từ khi phát sinh dịch. Dư nợ đến hiện tại đã cơ cấu 227.000 tỷ cho khoảng 215.000 khách hàng", TS Tuấn Anh chia sẻ.

Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng đề cập tới việc các ngân hàng đã hạ lãi suất lũy kế từ khi có dịch đến nay đạt trên 26.000 tỷ đồng, từ đợt dịch thứ nhất đến đợt dịch thứ 3 đã hạ 16.000 tỷ đồng từ lợi nhuận các ngân hàng thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp.

Về gói hỗ trợ mà Chủ tịch Quốc hội gợi ý, TS Tuấn Anh cho rằng cần tính toán tới 2 mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Không đảm bảo được 2 mục tiêu này thì các chính sách được đưa ra có thể sẽ không tích cực, thậm chí còn phản ứng ngược, gây tác hại lớn cho nền kinh tế.

Gói hỗ trợ lãi suất mới cần rút kinh nghiệm của gói năm 2009 nhưng vẫn cần quy mô lớn để tạo hiệu ứng rõ rệt để vực dậy các doanh nghiệp. Ảnh: Việt Linh.

Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia đã nêu ra vấn đề cần một gói hỗ trợ thực sự mạnh tay để tạo ra tác động rõ rệt, huy động nguồn lực từ phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng trung ương. Các chuyên gia cũng cho rằng cần có cơ chế để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng hỗ trợ trong bối cảnh những điều kiện như không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo là tương đối ngặt nghèo.

Theo thống kê tại tọa đàm, khu vực sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm tăng trưởng thấp ở mức 5,5% (chỉ bằng khoảng 50% tốc độ tăng bình quân 5 năm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện). Sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm có 11/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, trong đó TP.HCM giảm khoảng 7%.

Đáng chú ý, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ cuối tháng tư đến nay) ảnh hưởng rất nặng nề, làm cho tốc độ tăng trưởng tháng 7 giảm 0,3%, tháng 8/2021 giảm sâu nhất 7,8%. Trong tháng 8, có tới 30/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, trong đó có 6 địa phương giảm trên 30%.

Khu vực dịch vụ là khu vực chịu tác động nặng nề nhất từ dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 8 tháng đầu năm giảm 4,7% (tốc độ tăng bình quân 5 năm trước dịch Covid-19 là tăng 11,0%/năm).

Trong đó bán lẻ hàng hóa giảm 1,4% (bình 5 năm trước dịch tăng 11,3%/năm), dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 20% (bình quân 5 năm trước dịch tăng 11,3%/năm", du lịch lữ hành giảm 61,8% (bình quân 5 năm trước dịch tăng 9,8%) và vận tải hàng hóa giảm 3,7% và vận tải hành khách giảm 18,8%.

Tọa đàm diễn ra ngày 26/9 với sự tham gia của lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện ngân hàng nhà nước, các hiệp hội và các chuyên gia kinh tế. Tọa đàm được tổ chức nhằm phân tích lợi ích, rủi ro của gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp sinh tồn dịch Covid-19 và lựa chọn cách tiếp cận.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật