Những hạn chế của màn hình Apple Pro Display XDR

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong lúc tìm hiểu mua con màn hình Pro Display XDR, mình thấy được bài bên dưới của PetaPixel nói về những nhược điểm của màn hình này, viết lại để anh em xem và nếu ai có ý định mua Pro Display XDR thì có thể tham khảo.
Những hạn chế của màn hình Apple Pro Display XDR
Ảnh minh họa

 Mình thì dùng màn hình này không phải cho các mục đích đồ họa chuyên nghiệp nên sẽ không thể thấy được hết những nhược điểm như cách mà PetaPixel nhìn nhận.

Nhắc lại chút về cấu hình của màn hình Pro Display XDR

  • Độ phân giải 6K
  • Tái hiện màu 10-bit
  • Độ sáng 1600 nit (tối đa), 1000 nit (duy trì trong thời gian dài)
  • Hỗ trợ HDR10, profile màu HLG, Dolby Vision
  • Phủ 100% màu DCI-P3
  • Có 576 local dimming zone
  • Sử dụng 1 sợi cáp USB-C Thunderbolt 3 duy nhất để kết nối với máy tính, và có thêm 3 cổng USB-C nhưng không có Thunderbolt

Đây chỉ là màn hình LCD, không phải màn hình OLED


Màn hình Apple Pro Display XDR chỉ là màn hình LCD và sử dụng đèn nền LED, không phải màn hình OLED. Và Pro Display XDR cũng chưa phải là màn hình mini LED luôn. Máy vẫn sử dụng đèn nền LED thông thường. Hiện nay iPad Pro của Apple đã dùng màn hình mini LED, nhưng khi Pro Display XDR ra mắt năm 2019 thì Apple chưa dùng công nghệ này.Thật ra Apple cũng có cân nhắc dùng OLED khi dùng Pro Display XDR, nhưng sau đó họ quyết định chuyển sang dùng LCD “vì độ đều màu cao hơn, mức độ tản nhiệt tốt trong thời gian dài, và độ sáng cao hơn, cũng như góc nhìn xiêng rộng hơn. LCD cũng không bị hiện tượng burn-in”. Phần này được Apple ghi trong whitepaper của họ, bạn có thể đọc nếu thích. Theo PetaPixel thì đa số việc này đều chính xác, trừ việc OLED bây giờ có góc nhìn tốt hơn cả LCD, ngay cả khi đã dùng tấm nền IPS. 

Hiện tại những màn hình máy tính dùng OLED có thể chạm mức 1000 nit độ sáng, trong khi Pro Display XDR là 1600 nit với 39% diện tích màn hình tại mỗi thời điểm. Còn nếu đo độ sáng duy trì thì 1000 nit cho toàn bộ diện tích hiển thị trong thời gian “vô hạn”.

Lúc ra mắt, Apple so sánh Pro Display XDR của họ với giá $4999 với những màn hình tham chiếu $30.000 4K. Điều này đúng ở thời điểm mới ra mắt, nhưng giờ đây tầm giá của Pro Display XDR còn có Dell UP3221Q giá $5000 và Asus ProArt PA32UCX $4500. Dù hai đối thủ này chỉ có độ phân giải 4K, không lên được tới 6K như sản phẩm của Apple, nhưng chúng lại dùng mini LED và có số vùng local dimming nhiều hơn đáng kể.

Cũng cần nói thêm rằng màn hình Pro Display XDR, Dell UP3221Q hay Asus PA32UCX nhắm đến đối tượng người dùng chuyên nghiệp, những người có thể bỏ ra vài nghìn đến chục nghìn đô để sở hữu một cái màn hình phục vụ cho công việc của họ. Còn với đa số anh em chúng ta, một cái màn hình bình thường tầm 20 triệu đổ xuống, thậm chí từ 10 triệu đổ xuống là đã đủ ngon, có cả USB-C, có cả 4K, và độ chính xác, độ sáng cũng đủ dùng cho đa số nhu cầu bình thường rồi.

Hiện tượng blooming

Trong hình trên, ở bên phải là màn hình Apple Pro Display XDR, còn bên trái là Dell UP3221Q. Cả hai đều sử dụng hình ảnh xuất ra từ một chiếc Mac Mini M1. Nhìn vào là bạn có thể thấy màn hình Dell có kết quả blooming (quần sáng bao quanh vệt màu trắng) nhỏ hơn so với Pro Display XDR.

PetaPixel nói thêm rằng nhìn bằng mắt thường thì sẽ không thấy rõ sự khác biệt như hình, nhưng hiện tượng này vẫn còn ở đó, và đây là cách dễ để bạn có thể hiểu về blooming.

Chiếc Dell UP3221Q sử dụng màn hình mini LED có 2000 local dimming zone, với độ phân giải 4K thì mỗi vùng sẽ chịu trách nhiệm thắp sáng cho khu vực 64x64 pixel.

Còn màn hình Pro Display XDR sử dụng 576 local dimming zone, và nếu quy về độ phân giải 4K thì mỗi zone sẽ thắp sáng cho khu vực 120x120, còn ở độ phân giải 6K con số này sẽ là 188x188 pixel.

Apple có nhiều giải pháp để giúp giảm hiện tượng blooming, ví dụ như có một tấm tản sáng, một tấm chuyển hóa màu, và một mảng các thấu kính nhỏ nằm giữa tấm LCD và lớp đèn LED nền. Nhưng vẫn không bằng được mini LED.

“Ở tình huống sử dụng đời thường, hiệu ứng này sẽ tệ gấp đôi so với màn hình Dell mini LED, cùng giá $5000 đã bao gồm chân đế. Liệu nó có ảnh hưởng đến việc chỉnh sửa, xem nội dung bình thường hay không? Không, hiện tượng này chỉ dễ thấy trong tình huống cụ thể này. Nhưng đây vẫn là thứ bạn cần lưu ý khi mà bây giờ Apple đã có đối thủ đến từ Dell, Asus”.

Thiết kế đẹp nhưng chẳng có nút nào


Thiết kế của màn hình Pro Display XDR rất đẹp, rất tinh giản, và giả định bạn thích cái mặt sau lỗ lỗ thì không có nhiều thứ để chê ở màn hình này. Tuy nhiên, Pro Display XDR không hề có bất kì nút nào như màn hình bình thường. Không có nút nguồn, không có nút để vào menu chuyển cổng, không có gì cả. Tất cả mọi việc điều khiển sẽ được thực hiện từ mục cài đặt hệ thống của macOS. Với các máy tính Mac chạy Windows thông qua Bootcamp, bạn cũng có đầy đủ tính năng để chỉnh thông qua driver bootcamp, nhưng nếu bạn dùng PC thuần túy thì không cách gì để chỉnh thông số cả. Đến cả việc đơn giản như chỉnh độ sáng màn hình cũng không có một nút nào nhanh chóng để điều khiển.

Và trên màn hình này cũng chỉ có cổng USB-C, không có cổng USB-A, không có khe đọc thẻ nhớ gì hết. Hiện tại mình đang dùng chuột Logitech M331, và phải dùng 1 cái adapter A to C để gắn receiver cho con chuột.

Không dành cho người dùng Windows


Thứ nhất là bạn đã không có nút để chỉnh thông số màn hình như đã nói ở trên, thứ hai là Apple sử dụng một bộ “timing controller” tùy biến cho cổng Thunderbolt 3 trên màn hình Pro Display XDR. Con chip này có một thuật toán riêng của Apple để điều chỉnh hình ảnh 600 lần / giây, cao hơn 10 lần so với tần số quét của màn hình, nó cũng có nhiệm vụ điều chỉnh ánh sáng, màu sắc cho phù hợp.

Và thứ 3, cổng Thunderbolt 3 này sử dụng đến 2 đường kết nối DisplayPort thông qua 1 sợi cáp duy nhất để xuất hình ảnh độ phân giải 6K, nên khi cắm vào các máy tính Windows thì máy tính chỉ dùng được 1 đường DisplayPort duy nhất, không thể xuất hình ảnh độ phân giải cao nhất như khi bạn dùng Mac. Điều tương tự cũng từng diễn ra với màn hình LG UltraFine 5K.

Tóm lại, Pro Display XDR chỉ dành cho máy Mac mà thôi, máy Win thì không dùng được, máy Win thì anh em có lựa chọn màn hình của Dell, Asus thay thế.

Nếu bạn tính dùng màn hình Pro Display XDR cho những việc chuyên về hình ảnh và cần độ chính xác màu cao, bạn nhớ xem whitepaper của Apple, họ có giải thích về cách chế độ khác nhau, họ đã cân chỉnh màu sắc từ nhà máy tùy theo loại nội dung như Video HDR, chụp ảnh, Internet và web…

Cuối cùng, Pro Display XDR vẫn chưa thể bằng các màn hình tham chiếu


Lấy ví dụ với cái màn hình tham chiếu $43.000 của Sony mà Apple từng lấy ra so sánh, kênh HDTV Test nhận thấy rằng Apple đang quảng cáo lố hơn những gì thực tế có thể thấy. Họ test thử thì thấy rằng Pro Display XDR vẫn chưa thể tái tác màu đúng như màn hình tham chiếu của Sony, và nhiều tình huống sẽ thấy màu đen không đen như hàng Sony. Nói chung là hàng $43.000 có cái giá của nó, màn hình $5000 của Apple vẫn chưa thể bì lại. Được cái thiết kế đẹp thôi. Mình có đính kèm video đó ở đây để anh em xem. Như mình mua con Pro Display XDR cũng chỉ đơn giản vì thiết kế quá đẹp, vì độ phân giải 6K, vì nó hỗ trợ tốt cho Mac, còn các việc của mình thì không có việc nào cần độ chính xác màu cao hay những yêu cầu khắt khe cả. Mình đang dùng 4K 27" LG, thì thấy rằng chữ và các thứ hiện lên màn hình không được nét như khi dùng 32" 6K, vốn là mức tối ưu cho Mac. Còn nếu dùng 27" mà muốn tối ưu cho Mac thì bạn phải dùng độ phân giải 5K mới được.

Tóm lại là Apple bán đồ rất đắt và để đạt được cái tối ưu thì cũng phải chi nhiều tiền hơn. Nhưng $5000 là rất cao, và đa số anh em không cần phải chi nhiều tiền đến thế cho một cái màn hình. 4K 27" tuy nói là không tối ưu cho Mac, nhưng xài vẫn khỏe re, không có gì phải lo lắng nhiều.

Mình có từng nói về việc dùng độ phân giải không tối ưu thì có thể bị giảm hiệu năng với macOS. Mời anh em xem qua nhé. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật