Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: ‘Tiền rơi vào nhà nghèo thì không sao’

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Nếu làm không đúng đối tượng mà tiền rơi vào nhà nghèo thì không sao, nhưng để rơi vào nhà tổ trưởng, nhà bí thư chi bộ... tai tiếng cả đời“, ông Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: ‘Tiền rơi vào nhà nghèo thì không sao’
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH chỉ đạo không được chi trả tiền hỗ trợ sai đối tượng. Ảnh: Hải Nam.

Ngày 5/6, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) có buổi làm việc nhằm kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết và Quyết định của Thủ tướng về Quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nói rằng khó khăn lớn nhất của các địa phương hiện nay chính là công tác chi trả tiền hỗ trợ cho nhóm lao động tự do. Hà Nội cùng với TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ là một trong những địa bàn tập trung số lao động tự do đông nhất. Vì vậy các địa phương này giải quyết được nhóm này thì coi như cả nước giải quyết xong việc hỗ trợ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Hà Nội tập trung cao, khẩn trương triển khai chi trả cho nhóm lao động tự do. "Khi người ta cần, người ta đói, chưa có công ăn việc làm ổn định phải hỗ trợ ngay. Tiền hỗ trợ chỉ có 1 triệu mà để lâu quá thì chẳng còn ý nghĩa nữa", Bộ trưởng Dung, nói.

Người đứng đầu ngành LĐTB&XH cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị của Hà Nội không được chủ quan. Bởi, chỉ cần các địa phương buông lỏng trong thời điểm này là có thể nảy sinh vấn đề.

"Người dân Hà Nội dân trí cao, thông tin nhanh và đầy đủ. Nếu như làm chưa đúng đối tượng, rơi vào nhà dân mà người ta nghèo thì không sao, nhưng đừng để vào nhà quan, vào nhà tổ trưởng, nhà bí thư chi bộ… Chỉ một sai sót nhỏ thôi nhưng tai tiếng cả đời”, ông Dung phân tích.

Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội, đến ngày 20/5 thành phố đã chi trả cho 385.500 người, với kinh phí là hơn 474 tỷ đồng. Hiện, còn 167 người chưa nhận hỗ trợ do vắng mặt tại nơi cư trú.

Trong giai đoạn 2, Hà Nội thực hiện triển khai hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác, chủ yếu là người lao động bị chấm dứt hợp đồng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ và người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho người lao động.

Tuy nhiên, ông Dân cho rằng việc rà soát, xác minh đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn do không có hệ thống theo dõi thống nhất, chủ yếu là rà soát bằng phương pháp thủ công nên độ chính xác không cao.

UBND cấp xã, phường, thị trấn rất khó khăn trong việc xác định mức thu nhập của người lao động có thấp hơn mức chuẩn cận nghèo để đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ hay không. Ngoài ra, lao động ngoại tỉnh làm việc tại Hà Nội tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không lương còn thiếu thông tin, dữ liệu để so sánh và đối chiếu.

"Nếu cẩn trọng quá sẽ không hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng; nếu vội vàng có thể bị trục lợi chính sách", ông Dân trình bày và kiến nghị Bộ LĐTB&XH cùng các bộ, ngành chức năng nghiên cứu giải pháp tháo gỡ những vướng mắc nêu trên và trả lời bằng văn bản để các địa phương dễ dàng thực thi.  

Xem Video: 600.000 lao động mất việc ở TP.HCM sẽ được hỗ trợ 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật