Thuyền trưởng tàu ngầm Kilo Hà Nội

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau 9 năm gắn bó với tàu ngầm HQ-182 Hà Nội, Nguyễn Trọng Khôi được giao nhiệm vụ thuyền trưởng.
Thuyền trưởng tàu ngầm Kilo Hà Nội
Thiếu tá Nguyễn Trọng Khôi, thuyền trưởng tàu ngầm HQ-182 Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Giữa tháng 5, thiếu tá Nguyễn Trọng Khôi đại diện cho lữ đoàn tàu ngầm 189, Quân chủng Hải quân ra Hà Nội dự chương trình giao lưu điển hình tiên tiến toàn quốc. Nở nụ cười hiền trên gương mặt rắn rỏi nhuốm màu gió biển, Khôi chia sẻ, nhật ký đời lính của anh đều là những trang nhiều niềm vui; dù đó là ngày huấn luyện cường độ cao, hay khi xa nhà biền biệt thực hiện nhiệm vụ trong lòng Biển Đông.

36 tuổi với 18 năm tham gia quân ngũ, Khôi có hai ngày trọng đại là hôm làm "lễ nhập môn", chính thức trở thành thuỷ thủ tàu ngầm Kilo 636, và ngày tham gia diễn tập bắn tên lửa đối hải từ tàu ngầm HQ-182 Hà Nội năm 2017.

Nghi lễ nhập môn được lữ đoàn 189 học hỏi từ Nga, quê hương của sáu chiếc tàu ngầm Kilo 636 mà Việt Nam đang sở hữu. Tất cả thuỷ thủ lần đầu tiên xuống tàu đều phải uống nước Biển Đông lấy từ độ sâu 50 m. Khi tàu ngầm lặn xuống đúng vị trí, bộ đội sẽ lấy nước biển vào thông qua van, chia đủ "khẩu phần" cho mỗi thành viên một cốc.

"Nước biển rất mặn và khó uống nhưng tôi và anh em đều làm một hơi hết sạch. Chúng tôi làm nhiệm vụ trong lòng đại dương nên nghi thức này mang theo niềm tin, uống nước biển lần đầu đi biển rồi sẽ không bao giờ phải uống lại lần thứ hai", Khôi nói.

Ngày trọng đại thứ hai của thiếu tá Khôi là hôm 2/6/2017, lúc 9h, anh cùng đồng đội trong kíp thủy thủ tàu HQ-182 tập trung cao độ, vào đúng vị trí diễn tập bắn tên lửa đối hải. Sau tiếng "bụp", tên lửa rời ống phóng, vọt lên từ lòng biển trúng mục tiêu giả định. Khôi sung sướng ôm chầm lấy đồng đội. Lúc đó Trung tá Vũ Văn Minh, thuyền trưởng vốn là người rất điềm tĩnh cũng nhảy lên, vỗ tay reo hò. 

Để diễn tập thành công, Khôi và những người lính tàu ngầm của lữ đoàn 189 phải trải qua sáu tháng ròng rã nghiên cứu cách bắn và hàng trăm lần bắn thử nghiệm thất bại trong trung tâm mô phỏng. Nhận nhiệm vụ bắn diễn tập đầu năm 2017, không có sự hỗ trợ của chuyên gia Nga trong khi tất cả thủy thủ chưa từng bắn thử là một thách thức lớn đối với Khôi và đồng đội.

"Khi học ở Nga, chúng tôi được tham quan, thực hành thành thạo các động tác bắn trên máy tập, rồi viết bài nghiệm thu, mô tả lại quá trình bắn. Nhưng không ai được trực tiếp bắn tên lửa thật", Khôi nói.

Vì vậy, tất cả tài liệu của Nga và Việt Nam được những người lính biển mang ra nghiên cứu, mổ xẻ. Những buổi bắn thử nghiệm cũng được thực hiện bất kể ngày hay đêm. Không giống như tàu tên lửa có thể thấy động cơ phóng đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng, trong tàu ngầm, thủy thủ phải tính toán thời gian, vị trí, góc phóng chuẩn xác để tên lửa đến trúng mục tiêu. 

"Trong tác chiến tàu ngầm, thuỷ thủ không được phép sai sót dù chỉ một chút, vì trong lòng đại dương chúng tôi không có cơ hội để sửa sai. Chỉ một sai sót, tàu sẽ gặp nạn, thảm họa sẽ xảy ra", Khôi nói.

Tàu ngầm HQ-182 Hà Nội làm nhiệm vụ huấn luyện trên Biển Đông. Ảnh: Quang Tiến

Sinh ra trong một gia đình có bố, mẹ, cậu đều là sĩ quan Hải quân, chàng trai quê Tiên Lữ (Hưng Yên) từ bé đã nuôi ước mơ mang trên mình bộ quân phục màu xanh trắng, tượng trưng cho nước biển, mây trời.

Thi đỗ Học viện Hải quân rồi học chuyên ngành Hàng hải, sau khi tốt nghiệp năm 2008, Nguyễn Trọng Khôi được biên chế vào đoàn M96 Hải quân - đơn vị tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam. Hai năm sau, Khôi cùng nhiều thành viên đoàn M96 vượt qua vòng khám tuyển khắt khe, được triệu tập ra Hà Nội học lớp "bồi dưỡng kiến thức tàu P".

"Đó là đợt tuyển chọn kíp thủy thủ đầu tiên để sang Nga học cách sử dụng tàu ngầm Kilo 636 mà Việt Nam đặt mua. Cứ nghĩ tới việc được làm chủ tàu ngầm, có mặt trong lòng đại dương, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc là chúng tôi đã đếm từng ngày khi chờ được lên đường". Khôi tâm sự.

19 tháng ở Nga, Khôi và các đồng đội ngày đêm chong đèn bên những trang sách. Họ hiểu rằng mình đang thực hiện sứ mệnh tiếp nhận kiến thức, làm chủ vũ khí để bảo vệ tàu, bảo vệ chủ quyền đất nước và tính mạng bản thân.

Những kiến thức đó được Khôi truyền đạt lại chi tiết, tỉ mỉ cho đồng đội khi trở về nước. Tài liệu tiếng Nga theo chân anh về cũng được chuyển ngữ để lính tàu ngầm có thể đọc và tiếp thu trọn vẹn.

"Là kíp tàu đi trước, mở đường, thuỷ thủ tàu HQ-182 Hà Nội đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sau những bữa ăn dưới hầm máy nồng nặc mùi dầu, những ngày huấn luyện quên cả cơm trưa và nhiều đêm thức trắng để khắc phục sự cố, chúng tôi đã khai thác, làm chủ được vũ khí", Khôi nói.

Chỉ sau sáu tháng huấn luyện, cả kíp tàu được chuyên gia Nga đánh giá "đủ điều kiện độc lập khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật" và kết thúc huấn luyện chuyển giao. Tàu HQ-182 Hà Nội được đưa vào đội hình chiến đấu của Quân chủng Hải quân sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch.

Trong 7 năm, cán bộ, thủy thủ tàu hoàn thành xuất sắc hàng chục chuyến đi biển với hàng trăm ngày hoạt động, hành trình hàng chục nghìn hải lý ở các độ sâu khác nhau, trên tất cả các vùng biển của Việt Nam. 

Tàu được Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng tặng Bằng khen; 5 năm liền được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu "đơn vị Quyết thắng", "đơn vị huấn luyện giỏi" và "giữ tốt dùng bền".

Tàu ngầm HQ-182 Hà Nội là chiếc Kilo đầu tiên Việt Nam tiếp nhận từ Nga. Ngày 31/12/2013, tàu vận tải hạng nặng Rolldock Sea chở theo tàu ngầm HQ-182 Hà Nội về đến quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Chiếc cuối cùng trong lô 6 chiếc tàu ngầm Việt Nam mua của Nga được chuyên chở về vịnh Cam Ranh sáng 20/1/2017, mang phiên hiệu HQ-187 Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Sáu con tàu đều thuộc biên chế của Lữ đoàn tàu ngầm 189 (Vùng 4 Hải quân); lần lượt mang tên các thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Đội hình tàu ngầm Kilo đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hoá vũ khí, khí tài quân sự, nâng cao sức chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật