Chứng khoán Mỹ thất vọng với cảnh báo của Thống đốc Fed

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều mất điểm trong phiên 16/1 khi Thống đốc Christopher Waller cảnh báo Fed có thể nới lỏng chính sách tiền tệ chậm hơn dự báo của thị trường.
Chứng khoán Mỹ thất vọng với cảnh báo của Thống đốc Fed
Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đi xuống trong phiên ngày 16/1. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch đầu tiên trong tuần này, chỉ số Dow Jones sụt 231,86 điểm (tương đương 0,62%) xuống còn 37.361,12 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,37% về mức 4.765,98 điểm, còn Nasdaq Composite hạ 0,19% xuống 14.944,35 điểm.

Thị trường đóng cửa vào ngày 15/1 nghỉ lễ Martin Luther King Jr.

Cổ phiếu Boeing gây áp lực giảm nhiều nhất lên chỉ số Dow Jones khi lao dốc tới 7,9%. Hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh sau khi bị ngân hàng Wells Fargo giảm khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu này, trong bối cảnh dòng máy bay 737 Max 9 của hãng gặp một loạt vấn đề.

Bên cạnh đó, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ chịu áp lực giảm điểm do lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 11 điểm cơ bản, lên mức 4,064%, cao nhất kể từ giữa tháng 12.

Lợi suất tăng mạnh sau tuyên bố mới nhất của ông Christopher Waller, một Thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) rằng ngân hàng Trung ương Mỹ có thể sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ chậm hơn so với những gì mà thị trường tài chính đang kỳ vọng.

Theo ông Waller, dù lạm phát ở Mỹ đang giảm về gần mục tiêu 2% của Fed, ngân hàng trung ương này không nên vội vã hạ lãi suất cho tới khi xác định rõ được rằng mức lạm phát thấp hơn có thể duy trì bền vững.

“Miễn là lạm phát không tăng trở lại hay duy trì ở mức cao, tôi tin rằng Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ có thể hạ phạm vi mục tiêu của lãi suất quỹ liên bang trong năm nay” - Thống đốc Waller phát biểu tại viện Brookings hôm 16/1.

“Dường như thị trường Phố Wall đang dao động về việc Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 3 tới. Nhà đầu tư ngày càng hạ thấp kỳ vọng vào khả năng Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ” - CEO Chuck Carlson của công ty Horizon Investment Services nhận định với hãng tin Reuters.

Hiện tại, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 65,2% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3, theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME. Trước phiên giao dịch ngày thứ Ba, tỷ lệ đặt cược cho khả năng như vậy là khoảng 80%.

Mùa báo cáo tài chính quý 4/2023 ở Phố Wall đã khởi động từ tuần trước và tăng tốc trong tuần này. Giới phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận bình quân hàng năm của các công ty thuộc nhóm chỉ số S&P 500 đạt khoảng 4,4%, giảm so với mức dự báo 11% đưa ra ở đầu tháng 10 năm ngoái.

Một số ngân hàng lớn đã công bố kết quả kinh doanh trong phiên ngày 16/1. Goldman Sachs báo cáo lợi nhuận và doanh thu khả quan hơn kỳ vọng trong khi Morgan Stanley công bố doanh thu vượt trội trong quý 4. Cổ phiếu của Goldman Sachs tăng 0,7%, trong khi Morgan Stanley giảm hơn 4%.

Hiện đã có khoảng 30 công ty thành viên trong S&P 500 công bố báo cáo tài chính quý 4, trong đó có 78% đưa ra lợi nhuận vượt kỳ vọng, theo dữ liệu từ FactSet.

Chiến lược gia Tom Hainlin của công ty quản lý tài sản US Bank as‌set Management nhận định với đài CNBC: “Cho đến nay, có vẻ như người tiêu dùng đang trụ vững. Nhìn chung, báo cáo của các ngân hàng cho thấy chi tiêu tiêu dùng vẫn ổn. Số dư thẻ tín dụng và số tài khoản đều tăng”.

Giới đầu tư cổ phiếu cũng đang chờ đợi dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 12/2023 công bố vào ngày 17/1, vốn có thể làm dấy lên lo ngại về suy thoái và lo ngại về tăng trưởng kinh tế nếu chi tiêu tiêu dùng của Mỹ giảm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật