Ngư dân Ninh Thuận thu hàng chục triệu đồng mỗi chuyến đánh bắt cá cơm

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tùy theo kích cỡ cá cơm to hay nhỏ mỗi giỏ cá tươi được thương lái thu mua với dao động từ 250.000-320.000 đồng, một tàu cá có thể thu nhập hàng chục triệu đồng sau một đêm khai thác.
Ngư dân Ninh Thuận thu hàng chục triệu đồng mỗi chuyến đánh bắt cá cơm
Ngư dân xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) trúng mùa cá cơm. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Những ngày qua, nhờ thời tiết và ngư trường khai thác thuận lợi, nhiều tàu thuyền của ngư dân tỉnh Ninh Thuận cập cảng với khoang thuyền đầy ắp cá cơm cùng với giá bán ổn định khiến bà con rất phấn khởi.

Niềm vui trúng mùa cá cơm đã tiếp thêm động lực để ngư dân vươn khơi, bám biển.

Từ sáng sớm cảng cá Mỹ Tân (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) đã nhộn nhịp người, xe ra vào khẩn trương vận chuyển những giỏ cá cơm tươi rói từ tàu lên bờ để bán cho được giá.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, ngư dân địa phương cho biết mùa này biển bắt đầu rộ cá cơm, tàu đi từ chiều tối hôm trước đánh suốt đêm qua ở vùng biển cách bờ khoảng 20 hải lý, trúng luồng cá cơm khai thác được 100 giỏ, tính ra khoảng 2 tấn cá cho thu nhập gần 30 triệu đồng, còn hai chuyến biển trước chuyến nào đi cũng được từ 70-80 giỏ cá.

Cách đó không xa, chị Phạm Thị Kim Tâm (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) đứng theo dõi người làm vận chuyển từng giỏ cá cơm từ tàu tập kết lên bờ bán cho thương lái.

Chị Tâm chia sẻ năm nay cá cơm xuất hiện nhiều hơn so với mọi năm, chỉ cần đi biển một đêm cách bờ từ 20-30 hải lý mỗi tàu thuyền có thể đánh bắt được từ 60-300 giỏ cá, mỗi giỏ cá nặng từ từ 17-20kg, nếu gặp trúng luồng cá thì có thể khai thác được nhiều hơn.

Ngư dân ở đây cho biết tùy theo kích cỡ cá cơm to hay nhỏ mỗi giỏ cá tươi được thương lái thu mua với dao động từ 250.000-320.000 đồng. Với mức giá này, một tàu cá có thể thu nhập hàng chục triệu đồng sau một đêm khai thác.

Theo bà con, năm nay cá cơm xuất hiện sớm và tương đối nhiều hơn các năm trước. Cá được bán ngay tại chỗ để các cơ sở chế biến nước mắm hoặc chế biến cá cơm khô xuất khẩu. Vụ khai thác cá cơm kéo dài từ nay cho đến hết tháng 8 dương lịch.

Hiện nay, sản lượng cá cơm khai thác trung bình hàng năm 20.000-22.000 tấn và cá cơm nguyên liệu để sản xuất nước mắm đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu, sản lượng nước mắm chỉ đạt trên dưới 20 triệu lít/năm.

Ngoài trúng cá cơm, bà con ngư dân còn khai thác được nhiều loại hải sản khác như cá ngân, cá ngừ sọc dưa, cá đổng, cá chù, mực, tôm...

Những tuần qua, ngư trường từ Ninh Thuận đến Kiên Giang thời tiết thuận lợi, xuất hiện nhiều đàn cá nổi trữ lượng lớn, toàn tỉnh Ninh Thuận có khoảng 85% tàu cá hoạt động khai thác thủy sản bằng nhiều nghề.

Bên cạnh đó, vào khoảng tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, ngư dân Ninh Thuận còn đón mùa cá dìa.

Cá dìa là đặc sản của vùng biển Ninh Thuận, không chỉ người dân địa phương ưa chuộng mà cả khách du lịch đều biết đến giá trị thương phẩm của loài cá này bởi chất lượng thịt cá thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, được chế biến thành nhiều món hấp dẫn như cá dìa nướng muối ớt, cá dìa nấu lá me non, cá dìa nấu lá giang, cá dìa hấp nấm.

Phần lớn sản phẩm hải sản khai thác chủ yếu tiêu thụ tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh. Sản lượng khai thác tăng, giá bán ổn định và giá dầu "hạ nhiệt" khiến bà con ngư dân rất vui mừng, phấn khởi vươn khơi, bám biển.

Nghề đánh bắt cá dìa giống tuy mang lại nguồn thu nhập cao nhưng chỉ duy trì được một khoảng thời gian ngắn, khoảng từ cuối tháng 4 đến tháng 7 dương lịch là hết.

Mặt khác, hiện nay, đối với hoạt động khai thác cá dìa giống cũng như các loài thủy sản ngoài tự nhiên, địa phương đang vận động, tuyên truyền bà con chấp hành nghiêm Luật Thủy sản, nâng cao ý thức khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường ven biển để duy trì nguồn lợi thủy sản bền vững.

Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Ninh Thuận khai thác được gần 22.000 tấn hải sản các loại, đạt 17,29% kế hoạch năm.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, vụ cá Nam thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Để vụ cá Nam đạt sản lượng cao, đơn vị đã thông báo đến các địa phương huy động tối đa đội tàu thuyền sản xuất vụ cá Nam, tổ chức liên kết khai thác trên biển theo các tổ đội đoàn kết để tăng năng suất đánh bắt, giảm chi phí sản xuất.

Đồng thời, cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy sản và thị trường tiêu thụ để bà con ngư dân chủ động lập kế hoạch tổ chức sản xuất đạt hiệu quả.

Song song với đó, khu vực hậu cần nghề cá ở các địa phương ven biển của Ninh Thuận cũng đang tích cực chuẩn bị xăng, dầu, lương thực, đá lạnh, nhu yếu phẩm và các dịch vụ khuân vác, vận chuyển cá để đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng cao trong mùa vụ khai thác quan trọng nhất của năm 2023./

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật