Bít “lỗ hổng” ý thức trong phòng chống sốt xuất huyết

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một bộ phận không nhỏ người dân và cả chính quyền địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, chưa thực sự quyết liệt trong phòng chống sốt xuất huyết.
Bít “lỗ hổng” ý thức trong phòng chống sốt xuất huyết
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Đình Đãn ở xã Thống Kênh (Gia Lộc) thường xuyên phun thuốc diệt muỗi, loăng quăng

Từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Đình Đãn ở xã Thống Kênh (Gia Lộc) đã 2 lần phun thuốc diệt muỗi trong khuôn viên gia đình và rãnh thoát nước xung quanh nhà. Ông chủ động phát quang bờ bụi, chặt tỉa cây cối trong vườn, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết để hạn chế nơi trú ngụ, sinh sản của muỗi. “Tôi thấy loăng quăng ở rãnh thoát nước rất nhiều nên phải phun thuốc diệt trừ ngay. Mùa này nếu không làm thế thì rất lắm muỗi. Nhà tôi có nhiều trẻ con, hơn thế xem ti vi thấy có nhiều người mắc sốt xuất huyết rất nguy hiểm nên không thể chủ quan”.

Nhưng không phải người dân nào cũng có ý thức phòng chống sốt xuất huyết như ông Đãn. Trong thôn ông, một số gia đình vẫn để cây cối mọc um tùm trong vườn nhà, rãnh thoát nước chưa được khơi thông, dụng cụ chứa nước không cần thiết chưa được lật úp… là điều kiện để cho muỗi đẻ trứng, sinh sôi. Cuối năm ngoái, ông N.V.H. ở Nam Sách bị sốt xuất huyết. Ông thừa nhận gia đình chưa quan tâm diệt muỗi, loăng quăng. Rãnh thoát nước quanh nhà thường xuyên ứ đọng, quan sát bằng mắt thường thấy có nhiều loăng quăng. Tối đến, trong nhà ông thường có nhiều muỗi hoạt động.

Muỗi Anophen (có màu nâu sẫm và đen, hoạt động từ khi mặt trời lặn) là tác nhân gây bệnh sốt rét. Muỗi vằn (có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng hoạt động mạnh vào ban ngày) gây bệnh sốt xuất huyết. Từ năm 2019 đến nay, Hải Dương không ghi nhận bệnh nhân mắc sốt rét. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thì năm nào cũng có. Tại nước ta, sốt xuất huyết được liệt kê vào danh mục những loại bệnh thường gặp và nguy hiểm vì nguy cơ bùng dịch cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine tiêm phòng. Năm nào cả nước cũng có bệnh nhân t‌ử von‌g vì bệnh này.


Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát chỉ số véc tơ muỗi tại một gia đình ở TP Hải Dương (ảnh do cơ sở cung cấp)

Tại Hải Dương, bệnh sốt xuất huyết từng bùng phát thành dịch vào năm 2017 song chưa ghi nhận có bệnh nhân t‌ử von‌g. Từ đầu năm đến nay, trong tỉnh xuất hiện nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ ngày 1.1 đến 21.4, toàn tỉnh ghi nhận 18 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 17 ca so với cùng kỳ năm trước. Bác sĩ Đào Văn Thành, Phó Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã giám sát tại nhiều ổ dịch cũ và những ổ dịch mới gần đây cho thấy chỉ số véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết đều vượt ngưỡng cảnh báo”.

Cũng theo ông Thành, qua quá trình giám sát cho thấy, ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân trong phòng chống sốt xuất huyết còn hạn chế. Chính quyền nhiều nơi chưa quan tâm, chưa đưa công tác phòng chống sốt xuất huyết thành việc làm thường xuyên, liên tục. Không nhiều địa phương phát động tổ chức chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng thành nhiều đợt trong năm, phần lớn chỉ tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thành là chính, thiếu hoạt động cụ thể... Đây là những “lỗ hổng” trong phòng chống sốt xuất huyết, cần sớm khắc phục.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cảnh báo trong thời gian tới rất có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều ổ dịch sốt xuất huyết, thậm chí trở thành dịch lây lan rộng trong cộng đồng. Bất kỳ ai cũng có thể mắc sốt xuất huyết. Đây là loại bệnh diễn tiến rất khó lường. Những người mắc bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như suy tim, suy thận, sốc do mất máu, xuất huyết não, tràn dịch màng phổi, hôn mê, sinh non ở phụ nữ mang thai… thậm chí là t‌ử von‌g.

Để phòng chống hiệu quả dịch sốt xuất huyết, chính quyền các địa phương không nên coi việc này là trách nhiệm của riêng ngành y tế mà cần xác định là trách nhiệm của cả cộng đồng. Cần tổ chức chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng trong toàn dân theo định kỳ hằng tháng hoặc hằng quý. Thôn, khu dân cư, cơ quan nào chưa làm tốt việc này thì phê bình, xem xét đưa vào đánh giá, phân loại thi đua hằng năm. Phát huy tinh thần xung kích của đoàn viên thanh niên trong việc “đi từng nhà” tuyên truyền, hỗ trợ người dân diệt muỗi, loăng quăng. Người dân cần thường xuyên giữa cho nhà cửa, khuôn viên sạch sẽ, thoáng đãng, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, định kỳ phun thuốc diệt muỗi... 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật