Phải tạo chuyển biến mạnh mẽ về “tam nông”

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giải quyết tốt những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt được mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Phải tạo chuyển biến mạnh mẽ về “tam nông”
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng

Ngày 19/1, Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26 (Ban chỉ đạo) và Văn Phòng Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Góp ý kiến báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị.

Thế mạnh, dự địa lớn của nền kinh tế

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào những nội dung chủ yếu như: Đánh giá tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết về những thành công và hạn chế, nguyên nhân trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đã đề ra.

Đặt ra những quan điểm, mục tiêu, giải pháp nào phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới cho từng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xác định về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh

Thay mặt Ban chỉ đạo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết Ban Chỉ đạo đã hoàn thành dự thảo lần thứ 4 báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết và đã gửi xin ý kiến các tỉnh, thành phố, các Ban, Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Theo đó, nhiều chỉ tiêu trong Nghị quyết 26 đề ra đến năm 2020 đạt và vượt như: Thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,5 lần so với năm 2008 (mục tiêu là trên 2,5 lần); Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 62,4% (mục tiêu là khoảng 50%), đến năm 2021 đã đạt 68,2%; Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn bình quân giảm 1,21%/năm (mục tiêu là giảm 1 - 1,5%/năm).

Bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp có xu hướng giảm, sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ; chất lượng, hiệu quả và tính bền vững chưa cao; ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp... 

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Minh Tấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa qua vẫn tồn trại tình trạng thiếu nguồn lực cho phát triển tam nông, cơ chế chính sách còn hạn chế như đất đai, tín dụng làm cho người dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận. “Hiệu lực, hiệu quả của cơ chế chính sách tam nông phải bàn một cách nghiêm túc vì nhiều chính sách chưa mang lại hiệu quả hay hiệu quả còn thấp” – ông Tấn nói.

Dẫn số liệu cho thấy năng suất nông nghiệp của Việt Nam còn thấp, ông Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị cần có chiến lược phát triển cây trồng vật nuôi trong tương lai, đồng thời bổ sung giải pháp nhầm nâng cao chất lượng nông sản, đa dạng sản phẩm, mở rộng rộng thị trường bền vững, giải bài toán “được mùa, mất giá” cho bà con nông dân. Đặc biệt cần đầu tư hệ thống nhà máy chế biến nông sản và logistic.

Trong khi đó ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một trong lĩnh vực đặc biệt ưu tiên nên luôn hướng dòng vốn vào lĩnh vực này. Tín dụng giai đoạn 2008 -2020 tăng 18,6%, trong khi mức tăng chung của cả nước chỉ 16%. Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục hướng dòng vốn vào nông nghiệp, nông thôn duy trì tỉ lệ khoảng 25-30% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tập trung vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn…

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp, nông thôn là thế mạnh, dự địa lớn của nền kinh tế Việt Nam, nhất là du lịch xanh. Ông đề nghị bổ sung chỉ tiêu tăng cường xuất khẩu nông sản, với mức cụ thể là kim ngạch xuất khẩu nông sản là 80 tỉ USD vào năm 2030. Chỉ tiêu này là có cơ sở đạt được vì bình quân những năm qua tăng 3,3 tỉ USD/năm. Về giải pháp lâu dài, ông Cường kiến nghị cần bám sát cam kết của Việt Nam tại COP26, với mức phát thải bằng không vào năm 2050.

Giải quyết tốt vấn đề tam nông là yếu tố quan trọng

Ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư cho biết đến thời điểm này đã chín muồi để tổng kết và ban hành 1 nghị quyết mới của Ban chấp hành trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết mới phải đạt yêu cầu tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Giải quyết tốt những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt được mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Bởi dù các lĩnh vực khác có phát triển mạnh mẽ tới đâu, gây ra bất ổn trong nông dân, gây ra sự không an tâm của người tham gia vào kinh tế nông nghiệp thì sẽ ảnh hưởng rất lớn.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý nguyên tắc ra nghị quyết mới phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực này trên cơ sở cái gì đã làm hay thì tiếp tục phát huy, đồng thời có giải pháp giải quyết các vấn đề mới, khắc phục tối đa các hạn chế yếu kém, đặc biệt là thể chế về đất đai.

“Người nông dân an tâm và có thể làm giàu trên đất mà Nhà nước đã giao hoặc tạo điều kiện thực hiện điều mà bấy lâu nay chúng ta vẫn mơ ước là ly nông nhưng không ly hương. Thu hút được đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải chờ đợi để giải cứu”- Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Ban chỉ đạo tiếp thu chắt lọc kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị quyết để phấn đấu đến tháng 3 trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tiếp tục hoàn thiện đến tháng 5 trình Trung ương

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật