Bộ Giáo dục cần vào cuộc làm rõ các trường ĐH có hợp tác với “học viện tự xưng”?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu công ty đó thiếu năng lực đi đào tạo sẽ dễ tạo ra một “sản phẩm lỗi“ trong giáo dục. Đã là sản phẩm lỗi, vừa không có giá trị sử dụng lại có thể để lại hệ lụy
Bộ Giáo dục cần vào cuộc làm rõ các trường ĐH có hợp tác với “học viện tự xưng”?
Trên các website của ITPLus cụm danh xưng “Học viện công nghệ thông tin ITPlus“ cũng được dùng thường xuyên và không quên nhắc đến các trường đại học mà đơn vị này nhận là hợp tác. Ảnh chụ

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải loạt bài viết liên quan đến phản ánh của độc giả về một đơn vị tự xưng tên gọi “Học viện công nghệ thông tin ItPlus” hay thường gọi là “ITPlus Academy” đang có nhiều hoạt động tuyển sinh rầm rộ nhưng thực chất đây lại là một công ty tư nhân.

Theo đó, trong các bài viết chúng tôi đã đề cập đến việc, công ty cổ phần đào tạo công nghệ ITPlus tự nhận mình là “nhà trường”, gọi các người học ở đây là “sinh viên”. Ngoài ra, giám đốc công ty này còn nhiều lần giới thiệu trên trên các kênh truyền thông và tự nhận mình là “giám đốc học viện”.

Bên cạnh đó, theo lời nhân viên tư vấn tuyển sinh của ITPlus cho biết, quá trình đào tạo các học viên khi trúng tuyển vào đây đều do công ty này thực hiện, toàn bộ các học viên trúng tuyển sẽ được đào tạo tại các cơ sở của công ty này mở ra, không cần phải học thêm ở bất kỳ nơi nào khác ngoài các cơ sở này.

Đặc biệt, trên trang web có địa chỉ: http://jobs.itplus-academy.edu.vn khi giới thiệu về tổ chức này đã ghi như sau: “Học viện Công nghệ Thông tin ITPlus được thành lập từ năm 2011 với nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đào tạo nhân lực chất lượng cao thuộc các lĩnh vực: Lập trình ứng dụng và Thiết kế đồ họa – Truyền thông đa phương tiện.

Dựa vào nhu cầu thực tế của các tập đoàn công nghệ thông tin, Học viện Công nghệ Thông tin ITPlus hợp tác với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương triển khai nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu” [1].

Qua sự việc này, dư luận cũng tỏ ra lo ngại về việc, hiện nay số lượng các công ty tư nhân mở ra và tự nhận mình mình là nhà trường, gắn với những cái mác rất “kêu” như “trường đại học/ học viện” để tuyển sinh là không hề nhỏ. Đặc biệt, với "mác" các trường đại học được các công ty này giới thiệu là hợp tác khiến người học lầm tưởng tin vào uy tín của các trường đại học được nêu. Vậy, ai sẽ là người dám đứng ra cam kết chất lượng đào tạo tại các cơ sở này là đảm bảo?.

Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cơ quan quản lý vẫn để cho các “học viện tự xưng” này ngang nhiên hoạt động, các cơ sở giáo dục chính thống vẫn chấp nhận “nhắm mắt” để hợp tác, nếu xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của các cơ sở giáo dục chính thống thì ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm?.

Mẫu Chứng chỉ từng được cấp của đơn vị này. Ảnh: Trung Dũng

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Trong việc này chúng ta cần xem xét kỹ đến việc là công ty đó đang đào tạo cái gì và đào tạo ai?. Bởi lẽ, về mặt pháp lý, muốn tổ chức tuyển sinh, đào tạo học sinh trình độ phổ thông hoặc đào tạo sinh viên của một ngành nghề nào đó ở bậc đại học hay trình độ cao hơn thì chỉ có các cơ sở giáo dục chính thống mới đủ thẩm quyền và chức năng để làm được những việc đó.

Nếu một công ty tư nhân đứng ra tổ chức tuyển sinh, đào tạo những trình độ như vậy và dùng các danh xưng giống như nhà trường hoặc một cơ sở giáo dục được cấp phép để dẫn đến tình trạng gây hiểu nhầm cho phụ huynh và học sinh là không đúng Pháp Luật.

Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: T.L

Với một công ty tư nhân, họ có thể mở ra các lớp đào tạo để nâng cao năng lực, tay nghề cho chính những nhân viên trong nội bộ công ty đó thì không ai cấm. Còn với giáo dục, nó là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không thể nào để cho một công ty thích mở trường này, lớp kia hay đưa tên gọi của công ty mình gắn với danh xưng là “học viện” này, “trường đại học” kia một cách tùy tiện được. Tất cả nó buộc phải tuân thủ theo các quy định của Pháp Luật.

Theo cách dễ hiểu đó là, những doanh nghiệp chưa được cơ quan quản lý cấp phép mở trường, nhưng vẫn tự xưng mình là nhà trường để thuận tiện cho việc tuyển sinh các học viên từ bên ngoài là không được.

Bởi lẽ, với các cơ sở giáo dục chính thống, họ được trang bị đầy đủ phương tiện, quy mô, bài giảng và thiết bị dạy học. Những cái đó nằm trong quy định, quy chế được nhà nước cho phép thì mới được vận hành”.

Ảnh: Việt Dũng

Nêu quan điểm về việc, có rất nhiều công ty ty nhân đang gắn mác là “học viện/ trường đại học” để tuyển sinh của các trong thời gian qua, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng: “Theo tôi, khi các công ty họ dùng đúng pháp nhân của mình để thực hiện việc tuyển sinh và đào tạo, nếu thành công thì chính là họ đang tự củng cố uy tín và thương hiệu cho bản thân mình.

Nhưng nếu họ cứ cố tình để gắn cái mác “học viện/ trường đại học” để cho “oai” và thuận tiện khi thực hiện công tác tuyển sinh thì có khác gì họ đang âm thầm “lừa dối” phụ huynh, học sinh. Ngoài ra, cách làm như vậy của họ đang ngày càng khiến cho tên tuổi thật của công ty đó thêm “lu mờ”, chưa kể đến các phiền phức về mặt pháp lý.

Ngoài ra, khi công ty đó chưa có thẩm quyền đào tạo và thiếu năng lực đào tạo thì rất dễ tạo ra các sản phẩm lỗi trong giáo dục, điều này là cực kỳ nguy hiểm. Đã là một sản phẩm lỗi, không chỉ không có giá trị sử dụng mà nó có thể gây ra những hệ lụy về sau. Chưa kể, nó còn là tác nhân trực tiếp gây ra sự lãng phí tiền của, công sức của người dân. Nếu chuyện này cứ xảy ra và tiếp diễn liên tục thì ai là người đứng ra chịu trách nhiệm cho những cái lãng phí đó?.

Nếu các cơ quan quản lý vẫn để cho tình trạng này dễ dàng phát triển thì sẽ rất khó trong việc kiểm soát chất lượng đào tạo. Nếu một cơ sở giáo dục khi thực hiện liên kết, hợp tác lại giao khoán hết toàn bộ quá trình đào tạo cho công ty tư nhân tự "giải quyết" thì việc thẩm định chất lượng quá trình đào tạo ấy chúng ta sẽ kiểm soát bằng cách nào. Ví dụ, trong lúc đào tạo công ty ấy vô tình hoặc cố ý thực hiện việc truyền bá các tư tưởng sai trái về đường lối, chính sách của nhà nước thì ai phát hiện ra được, ai chấn chỉnh kịp được.

Đó cũng chính là cái cốt lõi mà từ trước tới nay nhà nước mình chỉ giao trách nhiệm và phân công nhiệm vụ đào tạo con người cho các nhà trường và các cơ sở giáo dục chính thống đủ thẩm quyền, chức năng.

Theo tôi, những công ty không có chức năng giáo dục và đào tạo thì nhà nước và các cơ quan quản lý giáo dục nên cấm và có những đợt rà soát để kiểm tra về năng lực và giấy phép hoạt động của các công ty đó".

Nhiều ý kiến các chuyên gia cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ các trường đại học có hợp tác với "học viện tự xưng" trên không để trả lại uy tín cho các trường, nếu có thì việc hợp tác này cụ thể ra sao, có đúng các quy định của Pháp Luật? Các cơ sở giáo dục đại học hợp tác với "học viện tự xưng này" theo quy định nào, nếu sai thì phải xử lý cả các trường đại học. Bởi đó là hành vi tiếp tay lừa dối người học.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật