Trước nhiều lo ngại, cường quốc quân sự thứ năm thế giới tăng cường sức mạnh

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng chục xe tăng và hàng trăm binh sĩ đã tham gia diễn tập bắn đạn thật ngày thứ Hai (6/12) trên đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản. Nơi đây là cơ sở quân sự chính của một quốc gia có lẽ là cường quốc quân sự ít được biết đến nhất thế giới.
Trước nhiều lo ngại, cường quốc quân sự thứ năm thế giới tăng cường sức mạnh
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản diễn tập ngày 6/12. Ảnh: AP.

Sự kiện này, hiếm khi báo chí nước ngoài có cơ hội chứng kiến, diễn ra gần như cùng thời điểm Trung Quốc và Nga có nhiều động thái quân sự leo thang xung quanh lãnh thổ Nhật Bản.

Cuộc tập trận này sẽ tiếp tục trong 9 ngày và huy động khoảng 1.300 binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất. Hoạt động lần này đã cho thấy một điều thường bị bỏ sót. Nhật Bản, mặc dù có một hiến pháp hòa bình sau thất bại trong Thế chiến 2, có một quân đội khiến nhiều quốc gia phải e ngại.

Lo ngại các sức mạnh láng giềng

Trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa đang rình rập ở Đông Bắc Á, các nhà lãnh đạo cứng rắn của Nhật Bản còn muốn sức mạnh quân sự gia tăng hơn nữa. Chuyên gia quốc phòng Heigo Sato tại viện Nghiên cứu Thế giới thuộc Đại học Takushoku ở Tokyo cho biết: "Nhật Bản phải đối mặt với những rủi ro khác nhau đến từ nhiều khía cạnh khác nhau".

Trong số những rủi ro đó là: Triều Tiên sẵn sàng thử tên lửa công suất lớn và các loại vũ khí khác, các hành động khiêu khích của các tàu đánh cá và tàu tuần duyên Trung Quốc có vũ trang cũng như việc Nga triển khai tên lửa và lực lượng hải quân.

Một trong những tên lửa của Triều Tiên đã bay qua Hokkaido, rơi xuống Thái Bình Dương vào năm 2017. Vào tháng 9 năm nay, một tên lửa khác đã rơi trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ngoài khơi Tây Bắc Nhật Bản.

Về phía Trung Quốc, nước này đang liên tục gia tăng hoạt động hải quân, bao gồm một tàu sân bay đã nhiều lần xuất hiện ở ngoài khơi các bờ biển phía nam của Nhật Bản. Hiện tại, Trung Quốc và Nga cũng đang tăng cường hợp tác quân sự để tìm cách chống lại các liên minh khu vực do Mỹ dẫn đầu. Vào tháng 10, một hạm đội gồm 5 tàu chiến của Trung Quốc và Nga đã đi vòng quanh Nhật Bản trong hành trình băng qua Thái Bình Dương để đến Biển Hoa Đông. Tháng trước, các máy bay chiến đấu của hai nước này đã cùng nhau bay gần không phận Nhật Bản, khiến các máy bay chiến đấu của Nhật Bản hết sức cảnh giác. Trong năm tài chính 2020, các máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã hơn 700 lần phải cảnh giác theo dõi hoạt động của máy bay chiến đấu Trung Quốc và Nga, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Quân đội Nga gần đây cũng đã triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion gần các đảo tranh chấp với Nhật Bản.

Những người ủng hộ cơ chế quân sự mới nói rằng việc tăng cường lực lượng quân sự là đúng lúc và rất quan trọng đối với liên minh giữa Nhật Bản và Mỹ. Theo hiệp ước an ninh song phương, Nhật Bản cho phép khoảng 50.000 binh sĩ Mỹ trú đóng, chủ yếu ở phía nam đảo Okinawa. Lực lượng này cùng với các đơn vị quân đội Nhật Bản ở Hokkaido có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với sự hiện diện của Washington ở Thái Bình Dương.

Nhật Bản có hơn 900 máy bay chiến đấu, 48 tàu khu trục, bao gồm 8 hệ thống chống tên lửa Aegis và 20 tàu ngầm. Con số này vượt xa Anh, Đức và Italy. Nhật Bản cũng đang mua 147 tiêm kích F-35, trong đó có 42 chiếc F-35B – con số đưa Nhật Bản trở thành quốc gia bên ngoài sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình lớn nhất của Mỹ.

Trong thời kỳ cầm quyền hơn 8 năm của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã mở rộng đáng kể vai trò quân sự và ngân sách của mình. Ông Abe cũng đã điều chỉnh hiến pháp, cho phép Nhật Bản có hành động bảo vệ Mỹ và các quốc gia đối tác khác. Nước này đã nhanh chóng tăng cường vai trò quân sự của mình trong liên minh với Washington, đồng thời mua nhiều vũ khí và thiết bị đắt tiền của Mỹ, bao gồm cả máy bay chiến đấu và tên lửa đánh chặn.

Nhật Bản thường duy trì giới hạn ngân sách quốc phòng ở mức 1% GDP, mặc dù trong những năm gần đây, nước này phải đối mặt với nhiều lời kêu gọi gia tăng chi tiêu từ Washington. Ông Kishida cho biết ông sẵn sàng tăng gấp đôi giới hạn lên mức tiêu chuẩn của NATO là 2%.

Vấp phải nhiều tranh cãi trong nước

Tuy nhiên, đối với một quốc gia vẫn bị nhiều nước láng giềng dè chừng vì những hành động quân sự trong quá khứ và khi chủ nghĩa hòa bình trong nước đang lên cao, thì bất kỳ hoạt động tăng cường quân sự nào cũng gây tranh cãi.

Nhật Bản thường tập trung vào khả năng phòng thủ và cẩn thận tránh sử dụng từ "quân sự". Nhưng để bảo vệ các lợi ích lãnh thổ trước một Trung Quốc, Triều Tiên và Nga ngày càng cứng rắn, các quan chức Nhật đang thúc đẩy người dân gạt bỏ sự lo ngại quá khứ để ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng.

Hiện tại, chính quyền nước này đang chi hàng chục tỷ USD mỗi năm để xây dựng một kho vũ khí với gần 1.000 máy bay chiến đấu và hàng chục tàu khu trục và tàu ngầm. Với sức mạnh này, lực lượng của Nhật Bản có thể sánh ngang với Anh và Pháp, và không có dấu hiệu chậm lại trong việc theo đuổi những trang thiết bị và vũ khí tốt nhất mà tiền có thể mua được.

Trước những động thái này, phe chỉ trích, cả các nước láng giềng và người dân trong nước, đều thúc giục Tokyo học hỏi từ quá khứ và hạn chế tăng cường quân sự. Ngoài ra còn có sự cảnh giác đối với vũ khí hạt nhân. Nhật Bản là quốc gia duy nhất bị bom nguyên tử thả xuống trong chiến tranh và hiện không có sức mạnh răn đe hạt nhân để đối phó với các cuộc tấn công hạt nhân trong trường hợp xảy ra xung đột.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gần đây cho biết sẽ xem xét "tất cả các lựa chọn", trong đó có việc phát triển năng lực tấn công phủ đầu để "tăng cường sức mạnh quốc phòng của Nhật Bản". Đây là vấn đề gây chia rẽ dư luận nước này và nhiều đối thủ của ông Kishida cho rằng điều này vi phạm hiến pháp.

Ngày nay, Nhật Bản được xếp hạng thứ năm trên toàn cầu về sức mạnh quân sự tổng thể sau Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, và ngân sách quốc phòng của nước này đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng 140 quốc gia năm 2021 do trang web Global Firepower đánh giá.

Tờ Tokyo Shimbun cho biết: "Mặc dù chính sách quốc phòng cần phải ứng phó linh hoạt với những thay đổi của môi trường an ninh quốc gia, nhưng ngân sách quốc phòng tăng vọt có thể khiến các nước láng giềng hiểu lầm rằng Nhật Bản đang trở thành cường quốc quân sự và đẩy nhanh một cuộc chạy đua vũ trang".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật