Vụ tuyển dụng thừa hơn 500 giáo viên ở Đắk Lắk: Giáo viên khởi kiện ra tòa

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Liên quan đến vụ tuyển dụng thừa hơn 500 giáo viên, dẫn đến phải chấm dứt hợp đồng hàng loạt tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), một số giáo viên cho biết đang khởi kiện đòi quyền lợi và danh dự.
Vụ tuyển dụng thừa hơn 500 giáo viên ở Đắk Lắk: Giáo viên khởi kiện ra tòa
Anh Nguyễn Ánh Dương là giáo viên dạy môn Hóa học, khi mất việc đã về học thêm nghề cơ khí để “kiếm cơm“. Ảnh: Duy Hậu.

Ngày 6/12, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết sẽ đại diện cho UBND huyện tham gia phiên tòa "Tranh chấp hợp đồng lao động". Phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 20/12 tới. Nguyên đơn là một nhóm 5 giáo viên và bị đơn là Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (xã Krông Búk, huyện Krông Pắk).

Giáo viên về trồng mì, làm nghề cơ khí... 

Như Báo đã phản ánh, liên tiếp qua 2 nhiệm kỳ (từ năm 2011 đế năm 2020), các lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk đã ồ ạt chỉ đạo ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên, dẫn đến dư thừa gần 600 giáo viên. Vụ việc vẫn đang để lại nhiều hậu quả. 

Sáng 6/12, trao đổi với PV Báo , bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết, đối với số giáo viên dôi dư trước đây, huyện đều đã chấm dứt hợp đồng.

Chị H’Dim Niê Kdăm, giáo viên dạy Tin học, sau khi bị mất việc đã về làm rẫy. Ảnh: Duy Hậu.

Việc chấm dứt hợp đồng thực hiện đúng theo quy định của Pháp Luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo viên, phía nhà trường làm chưa đúng quy trình nên dẫn đến việc khiếu kiện.

X

"Tùy theo sự quyết định của tòa án, UBND huyện sẽ có hướng giải quyết vụ việc tiếp theo. Chúng tôi sẽ làm đúng theo quy định của Pháp Luật để đảm bảo quyền lợi của các giáo viên"- bà Trinh nói.

Về phần các giáo viên, anh Nguyễn Ánh Dương (người đại diện trong nhóm 5 người làm đơn khởi kiện trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai), cho biết: "Sau khi bị chấm dứt hợp đồng, chúng tôi tứ tán khắp nơi, làm đủ công việc để mưu sinh. Người đi vác hàng thuê, người đi cuốc mướn, người làm nghề cơ khí… cuộc sống rất khó khăn".

Không có ruộng rẫy nên sau khi mất việc, anh Nguyễn Tuấn Anh, giáo viên dạy Tin học về vác hàng thuê. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cũng theo anh Dương, từ năm 2013- 2015, từ chỉ đạo của UBND huyện Krông Pắk, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai đã ký hợp đồng lao động với anh và 4 người nữa. Trong đó, 4 người có bằng đại học, 1 người có bằng Cao đẳng. Về chuyên ngành có 2 người dạy Hóa học và 3 người dạy Tin học.

Theo hợp đồng, các giáo viên được trả lương theo đúng hệ số. Thế nhưng trên thực tế, nhiều giáo viên không được nhận đủ lương. "Tôi may mắn được nhận đủ lương, những giáo viên khác có người thậm chí có tháng không được trả lương. Trong khi đó, họ vẫn được bố trí giảng dạy"- anh Dương cho biết.

Theo hồ sơ, sau khi được ký hợp đồng vào giảng dạy tại trường, cả 5 giáo viên nói trên đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, không vi phạm kỷ luật gì. Tuy nhiên, từ tháng 6/2016 đến tháng 2/2017, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai không bố trí lịch dạy cho nhóm giáo viên nói trên. Lý do nhà trường đưa ra là không có tiền để trả lương.

Từ một giáo viên dạy hóa, chị Trịnh Thị Bích Hạnh đi giữ trẻ ở trường mầm non tư thục. Nhưng do dịch bệnh, chị Hạnh mất việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mặc dù các giáo viên yêu cầu giải quyết vụ việc nhưng phía nhà trường không trả lời gì. "Chúng tôi đều hợp đồng không xác định thời hạn. Tuy nhiên, phía nhà trường không bố trí việc làm, không trả lương và cũng không ra quyết định chấm dứt hợp đồng"- anh Dương cho biết.

Hòa giải không thành 

Cũng theo anh Dương, sau khi mất việc làm, nhóm của anh gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt thời gian gần đây do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cuộc sống của họ càng vất vả hơn.

"Thầy Tuấn Anh và vợ là cô Bích Hạnh (hai người trong nhóm chúng tôi) hiện không có việc làm ổn định. Từ một sinh viên đại học, thầy Tuấn Anh về làm bốc vác. Ai thuê gì làm nấy để kiếm tiền mưu sinh. Thậm chí đến lúc vợ sinh con, anh phải chạy vạy để mượn tiền lo cho vợ"- anh Dương cho biết.

Cũng theo anh Dương, không chỉ 5 giáo viên trong nhóm của anh mà hàng trăm giáo viên khác cũng đang hết sức vất vả mưu sinh. Bản thân anh, là một sinh viên sư phạm chuyên ngành Hóa học giờ đây phải tự học thêm nghề cơ khí để kiếm cơm. Một số người thậm chí phải đi cuốc đất, làm rẫy thuê cho người ta để kiếm sống.

Anh Dương cho biết, liên quan đến vụ kiện, TAND huyện đã tổ chức hòa giải nhưng không thành. Biên bản hòa giải hôm 17/11/2021 thể hiện, buổi hòa giải vắng đại diện nhà trường. Đại diện UBND huyện Krông Pắk cho biết, trước đó năm 2018, khi các giáo viên có đơn khiếu nại, UBND huyện đã hai lần mời hòa giải nhưng phía nhà trường không tham gia.

Anh Dương cho biết, hiện nhóm của anh đang yêu cầu phía nhà trường bồi thường hợp đồng. Tổng mức bồi thường cho các khoản đối với mỗi người là gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, anh Dương còn yêu cầu Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai nhận mình trở lại làm việc. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật