Nghề làm đũa cau

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người dân xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê làm đũa từ gốc cây cau nàng rưng, cho thu nhập mỗi tháng 6-8 triệu đồng.
Nghề làm đũa cau
Cây cau nàng rưng được cưa ra làm nhiều đoạn dài 25-30 cm để chẻ đũa thô. Ảnh: Đức Hùng

Chiều 5/12, bên căn nhà gỗ cấp bốn cách ga Phúc Trạch khoảng 20 m, anh Đoàn Vương Hải, 42 tuổi, trú thôn 1 (xã Phúc Trạch) cùng vợ Nguyễn Thị Thu, 40 tuổi, cần mẫn ngồi bên chiếc máy bào sản xuất đũa cau nàng rưng. Đây là nghề truyền thống của làng, được vợ chồng anh duy trì hàng chục năm nay.

Xem Video: Người dân xã Phúc Trạch làm đũa từ cây cau nàng rưng

Nguyên liệu chính để làm là cây cau rừng, còn gọi là cau nàng rưng, mọc tại các vùng đồi núi ở huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang. Cây 20-30 năm tuổi, cao khoảng 7 m, đường kính thân 5-7 cm. Người dân vào rừng chặt cây, lấy khoảng 2 m dưới phần gốc đem bó lại đưa về nhà vót đũa. Một số hộ không có điều kiện đi rừng thì mua lại cau để làm, giá 80.000-120.000 đồng một gốc.

Người thợ cưa gốc cau ra thành nhiều đoạn dài khoảng 25-30 cm, tiếp đó dùng dao chẻ phần ruột bên trong để tạo đũa thô. Trước kia, người thợ thường dùng dao sắc để vót đũa thô, song vài năm gần đây họ đã chuyển sang dùng bào sắt. "Đưa từng chiếc đũa lên bào đẩy đi đẩy lại hai lượt, sản phẩm sẽ trở nên mịn và trơn. Hơn 2 phút, tôi bào xong một chiếc đũa", anh Hải nói, cho hay khâu bào đũa quyết định thẩm mỹ của sản phẩm. Do vậy, công đoạn này đòi hỏi người thợ phải chăm chú trong từng đường bào; nếu làm quá nhanh, chiếc đũa có thể bị hỏng hoặc mất cân đối.

Người dân xã Phúc Trạch dùng lá chuối hột cắt nhỏ để trong rổ tre, sau đó lấy đũa vừa được bào mịn đặt trong rổ, đeo găng tay chà đi chà lại tạo độ bóng. Thợ làm đũa chia sẻ, lá chuối cau có độ bền, dùng để đánh bóng được lâu. Các loại lá chuối khác cũng có thể sử dụng, song rất giòn và nhanh phải thay.

Anh Hải và vợ ngồi bào đũa. Ảnh: Đức Hùng

Đũa đánh bóng xong được đem ra phơi nắng chống mốc, khoảng 2-3 nắng là đạt, song không được phơi quá lâu, đũa sẽ bị cong vênh. Vào mùa đông, lúc trời mưa nhiều và ít ánh nắng, người dân làng nghề sẽ dùng bếp than đặt đũa lên trên để sấy khô.

Đũa thành phẩm được bó thành từng chục chiếc tùy theo nhu cầu khách hàng. Một gốc cau nàng rưng dài khoảng 2 m tạo được 50-60 đôi đũa, bán giá từ 4.000-5.000 đồng một đôi, tùy chất lượng mẫu mã.

"Mỗi ngày vợ chồng tôi làm được khoảng 150 đôi đũa cau. Đây là nghề phụ bên cạnh công việc chính buôn bán. Hàng ngày nếu chăm chỉ cũng kiếm được hơn 200.000 đồng sau khi trừ các chi phí", anh Hải cho hay.

Thị trường hiện nay có nhiều loại đũa làm bằng nhựa, gỗ, cây tre, cây dừa, song sản phẩm của xã Phúc Trạch luôn tạo được ấn tượng riêng. Đũa cau nàng rưng có độ cứng và bền, thớ mịn, đường vân bắt mắt, sử dụng được lâu.

Gần Tết, nhiều người dân xã Phúc Trạch làm việc luôn tay vì khách hàng trong và ngoài tỉnh liên tục đặt hàng từ 100 đến 200 đôi để dùng và làm quà biếu. Họ bật đèn điện làm xuyên đêm mới kịp giao hàng. Dịp này một số gia đình làm đũa thu 1-2 triệu đồng mỗi ngày.

Một bó đũa gồm 50 đôi, được người dân buộc chặt bằng dây thun. Ảnh: Đức Hùng

Bà Nguyễn Thị Liên, trú xã Phúc Trạch, cho biết làm đũa cau được là nghề phụ lúc nông nhàn, song cho thu nhập tương đối ổn định. Gia đình nào đông người, chăm chỉ làm, mỗi tháng cho thu nhập 6-8 triệu đồng.

"Nhà tôi hơn 15 năm nay duy trì nghề. Thu nhập từ bán đũa có thể giúp trang trải nhiều khoản trong cuộc sống, nuôi các con ăn học", bà Liên nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, nghề làm đũa cau nàng rưng có từ 20 năm trước, hiện khoảng 20 gia đình ở thôn 1 và 3 duy trì.

"Thời điểm này người làm nghề gặp đôi chút khó khăn do nguyên liệu khan hiếm. Trước đây cây cau nàng rưng trên địa bàn huyện Hương Khê nhiều, song nay ít dần. Để có cau, người dân phải sang địa bàn khác tìm hoặc đặt mua từ đối tác nên mất khá nhiều chi phí", ông Nghĩa cho hay.

Hiện, xã Phúc trạch đang xây dựng thương hiệu đũa cau nàng rưng, sắp tới sẽ gửi hồ sơ để được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận sản phẩm Ocop - Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn "mỗi xã một sản phẩm".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật