Mẹ đảm Sơn La chia sẻ bí quyết làm vườn sân thượng bội thu, đẹp như tranh

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sân thượng 50m2 trĩu rau xanh, bầu mướp lúc lỉu tại căn nhà phố 4 tầng của chị Thanh Quý khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ, tấm tắc khen ngợi.
Mẹ đảm Sơn La chia sẻ bí quyết làm vườn sân thượng bội thu, đẹp như tranh
Thành quả sau một buổi thu hoạch của chị Quý.

Tính đến tháng 10/2021, chị Nguyễn Thị Thanh Quý (39 tuổi, Sơn La) đã trở thành "nông dân sân thượng" được tròn 3 năm.

Suốt 3 năm qua, bữa cơm gia đình của chị Quý luôn sử dụng rau củ tự tay ươm trồng, thu hoạch. Bữa cơm bởi thế trở nên ngon miệng, an tâm hơn. "Ông xã mình luôn từ cơ quan về nhà ăn trưa cùng vợ con trong khi cơ quan xa nhà 12 km. Không chỉ có đủ rau xanh cho gia đình, mình còn thu hoạch để tặng người thân, bạn bè, hàng xóm. Cũng từ ngày trở thành nông dân sân thượng, mình có thêm nhiều bạn mới chung sở thích ở khắp ba miền Tổ quốc", chị hạnh phúc chia sẻ.

Toàn bộ khu vườn 50m2 do một tay chị Quý thiết kế, quy hoạch. Khu vườn được chia thành 3 khu vực để: trồng cây leo giàn, trồng rau ăn lá và trồng củ/quả. Mỗi khu vực đều được thiết kế hệ thống bồn, chậu, giàn cho phù hợp nhu cầu phát triển từng loại rau.

Chị Quý chia sẻ, từ nhỏ, chị đã phụ giúp cha mẹ làm vườn. Ngôi nhà của cha mẹ chị nằm gần con suối nhỏ, hai bên bờ là những cánh đồng chuyên canh trồng rau, quanh năm xanh mướt. Khi lớn lên, chị đi học ở Hà Nội nhiều năm rồi trở về quê nhà công tác. Áp lực công việc khiến chị luôn ấp ủ ước mơ có một khu vườn nhỏ để thư giãn, hoài niệm về những năm tháng tuổi thơ.

Bên cạnh đó, chị Quý cũng mong muốn có thể chủ động về nguồn thực phẩm sạch, an toàn, rõ ràng nguồn gốc cho gia đình. "Khu vườn có nhiều ý nghĩa với gia đình mình lắm. Vườn là nơi để mình giải tỏa bớt áp lực cuộc sống, cung cấp rau sạch, an toàn, là không gian để cả gia đình vừa làm nông nghiệp vừa giải trí sau giờ tan học, tan sở. Khu vườn cũng là giải pháp giúp làm giảm bức xạ nhiệt nóng vào mùa hè cho ngôi nhà", chị Quý chia sẻ.

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm làm vườn sân thượng, chưa hiểu hết đặc tính của từng loại cây nên chị Quý gặp không ít thất bại. Có lần chị tiếc nuối nhổ bỏ hết cả chục chậu rau, có lần thì vớt vát thu hoạch được chút ít nhưng rau ăn không mềm, không ngon.

Người mẹ Sơn La vẫn không nản lòng. Hầu hết các buổi tối sau giờ chăm sóc gia đình và ngày cuối tuần, chị đều cần mẫn lên sân thượng làm đất, ủ phân, ươm cây, soi đèn bắt sâu…

Theo chia sẻ của "nông dân sân thượng" Thanh Quý, trước khi thực hiện khu vườn sân thượng, việc quan trọng nhất là phải thiết kế hoặc gia cố, xử lý để sàn chịu lực tốt, chống thấm. Trong trường hợp gia đình không làm chống thấm sàn thì phải lắp đặt thêm kệ, giá đỡ để kê chậu trồng cây lên cao.

Gia đình chị Quý thực hiện hai hệ thống chậu, bồn trồng cây: một loại xây trực tiếp trên sàn, một loại là chậu gỗ. Theo chị, mỗi loại có những ưu điểm, công dụng riêng.

Loại bồn xây trực tiếp trên sàn có độ bền, chứa được nhiều đất nên thích hợp trồng các loại rau, cây dài ngày, cây ăn quả như chanh, cóc, khế, bầu, bí…

Gia đình chị xây dựng các bồn có kích thước 2mx0,5mx0,5m và 0,6mx0,6mx0,6m.

Khoảng ⅔ khu vườn được sử dụng chậu gỗ tự nhiên. Mẫu chậu do chị Quý tự thiết kế, tính toán kích thước rồi gửi xưởng gỗ gần nhà đóng. Loại chậu này có tính thẩm mỹ cao, gần gũi với tự nhiên, không lo các yếu tố gây hại tuy nhiên chi phí cao so với loại chậu nhựa phổ thông và dùng 3 - 5 năm sẽ phải thay thế.

Chị Quý tự thiết kế mẫu chậu gỗ rồi gửi xưởng đóng.

Hệ thống giàn, chị Quý cũng tính toán kỹ để phù hợp với các loại cây trồng khác nhau. Chị lắp đặt một giàn lớn khoảng 12m2, cao 2m thích hợp để trồng bầu, bí, mướp; một giàn inox 7m2 để trồng cà chua, mướp đắng; một giàn gỗ đóng cố định cùng các chậu gỗ để trồng dưa chuột, cà chua…

Giàn bầu, bí sai trĩu trên sân thượng.

Diện tích sân thượng không lớn nhưng nhờ thiết kế hợp lý hệ thống giàn, chậu mà khu vườn của chị Quý vừa tiện lợi, tối ưu diện tích vừa đẹp mắt.

Theo chị Quý, giá thể trồng rau cần đặc biệt chú ý đến độ tơi xốp (bổ sung chất làm tơi xốp đất như trấu hun hoặc xơ dừa), dinh dưỡng (bổ sung các loại phân hữu cơ). Chị thường trộn giá thể theo tỉ lệ: khoảng 60% đất thịt (lấy ở vườn), 20% trấu hun dở, còn lại là phân bò hoai mục và phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh/Quế Lâm (các loại phân này tiện mua ở địa phương nơi mình sinh sống), ít vỏ trứng đập nhỏ, Trichoderma…

Theo chị, đất trộn như vậy cơ bản đã đủ nhu cầu dinh dưỡng cho các loại rau ăn lá ngắn ngày như xà lách, cải cúc, cải canh, … Trong quá trình trồng, chị chỉ cần tưới nước sạch và 1 tới 2 lần phân ủ từ rác thải nhà bếp pha loãng là đủ.

Các loại rau ăn lá, củ, quả dài ngày hơn (cà chua, bầu, bí, su hào, bắp cải, súp lơ, …) cần nhiều dinh dưỡng để cây ra hoa, đậu quả nên ngoài thành phần đất trộn như trên, chị Quý bón lót bổ sung một số loại phân hữu cơ khác như bã phân rác nhà bếp ủ, chuối chín hoặc vỏ trứng, vỏ tôm, lòng cá nước ngọt có rắc men vi sinh. Sau 7-10 ngày, chị xới đều đất quanh gốc và tưới bổ sung dinh dưỡng bằng phân rác pha loãng, phân trùn quế hoặc rắc bổ sung phân bò quanh gốc cây.

Sau mỗi vụ thu hoạch chị đều xới tơi đất, tỉ mỉ nhặt hết cỏ rễ, rắc vôi bột, để đất nghỉ 2 - 5 ngày rồi lại trộn thêm trấu hun, phân hữu cơ trước khi trồng tiếp vụ mới.

Vì quy mô vườn không quá lớn, đồng thời muốn được lao động chân tay sau mỗi ngày làm việc văn phòng nên chị Quý không lắp hệ thống tưới tự động. Mùa đông, chị thường tưới vườn 1 ngày/lần, khi trời lạnh âm u thì 2 ngày/lần. Mùa hè chị đều đặn tưới sáng sớm và chiều mát. "Với các loại cây như cà chua, bầu bí, mình tránh tưới lên lá vì dễ gây nấm bệnh khi lá ướt. Mình cũng không tưới rau buổi tối", chị chia sẻ.

Do không có nhiều thời gian nên để phòng sâu bệnh, chị trồng thưa cây, xen canh giữa rau không có sâu bệnh với rau hay sâu bệnh (ví dụ xà lách với su hào/bắp cải; hành với rau cải…), trồng đúng mùa vụ, đủ ánh nắng 6-8h/ngày, chọn hạt giống tốt. "Một số loại rau họ cải nhiều sâu xanh thì có thể quây lưới sau trồng khoảng 1 tháng, khi cây lớn, cứng cáp có thể bỏ lưới quây cho cây phát triển tốt hơn. Mỗi ngày lên vườn tưới rau cần để ý tình trạng sâu bệnh để bắt sâu nếu có. Cây nào rệp nhiều thì nhổ bỏ luôn tránh lây lan sang cây khác", chị nói.

Khoảng 2 năm trở lại đây, chị Quý biết tới các hội nhóm trồng rau sân thượng trên mạng xã hội. Dù công việc bận bịu, người mẹ đảm đang này vẫn dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm trồng rau sạch sân thượng tới mọi người.

"Thời điểm mới bắt đầu, mình chưa biết tới các hội nhóm trồng rau sân thượng trên mạng xã hội, nên không thể hỏi kinh nghiệm nhiều người đi trước. Mình cứ vừa làm vừa học từng chút một, mất khá nhiều thời gian. Vì vậy mình hy vọng có thể chia sẻ những điều mình biết tới các gia đình khác", chị Quý chia sẻ.

Khu vườn sai trĩu của chị Quý nổi bật dưới ánh nắng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật