Hàng nghìn người kẹt ở cửa ngõ miền Tây khi về quê: không thể quay lại vì đã hết tiền đóng trọ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thất nghiệp nhiều tháng, không còn tiền đóng nhà trọ, không thể cầm cự được hơn được nữa, nhiều người dân đã quyết định về quê khi TP.HCM nới lỏng giãn cách. Thế nhưng đối với họ, đường về nhà không hề dễ dàng khi họ không thể qua chốt kiểm soát ở cửa ngõ, được yêu cầu quay trở lại nơi cư trú. Thế nhưng họ biết quay về đâu khi đã trả nhà trọ và cũng không còn đồng nào để có thể thuê một chỗ ở.
Hàng nghìn người kẹt ở cửa ngõ miền Tây khi về quê: không thể quay lại vì đã hết tiền đóng trọ
Ảnh minh họa

Không còn cầm cự được lâu hơn, tối 30/9, sau khi TP.HCM gỡ bỏ nhiều chốt kiểm soát dịch, hàng nghìn người đi xe máy, chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh chạy về hướng miền Tây. Khi đến quốc lộ 1, đoạn huyện Bình Chánh giáp tỉnh Long An, họ bị lực lượng chức năng chặn lại, yêu cầu quay về nơi cư trú. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ở lại khu vực này chờ được qua chốt để về quê.

Hàng nghìn người kẹt ở cửa ngõ miền Tây khi quyết định rời thành phố về quê - Ảnh: Zing

Quyết định về quê vì đã quá khó khăn, chị Huỳnh Thị Kim Vàng trên đường về Sóc Trăng thì bị chặn lại. Chị cho biết sẽ ở lại cho đến khi nào được qua chốt vì nhà trọ đã trả. “Thất nghiệp hơn 4 tháng nay, công ty hỗ trợ được gần 2 triệu. Sau khi TP mở cửa, công ty cho quay lại làm việc 3 tại chỗ nhưng tôi còn đứa con gái nhỏ mới 2 tuổi, không thể thực hiện được biện pháp 3 tại chỗ nên phải về quê”, chị Vàng chia sẻ.

Xem Video: Đường về miền Tây kẹt cứng tối 30/9

Trong khi đó, vợ chồng anh Trần Quang Dự (24 tuổi) chở gần 100 kg hành lý về quê. Anh cho biết lên TP.HCM sống được 5 tháng, nhưng chỉ đi làm được 2 tháng thì bị thất nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh. “Hôm nay, tôi đã trả phòng trọ để về quê. Về quê có gì ăn đó”, anh Dự nói.

Vì đã trả phòng trọ, nhiều người vẫn trông đợi được giải quyết cho qua chốt về quê - Ảnh: Zing 

Anh Phùng Thanh Sang (quê Hậu Giang) cho biết cùng vợ lên TP.HCM được 5 tháng để mưu sinh. Tuy nhiên, mới làm được một tháng thì dịch ập đến. "Ba tháng rồi không ai cho tôi gì cả. Tiền trọ hàng tháng thì chủ chỉ giảm 500.000 đồng. Giờ chịu hết nổi nên vợ chồng trả nhà trọ để về quê", anh Sang nói và cho biết mong muốn lớn nhất là được về nhà để chăm sóc mẹ già. Khi quyết định khăn gói rời TP.HCM, vợ chồng anh Sang biết sẽ gặp nhiều chốt chặn và sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, cặp vợ chồng này vẫn quyết đi.

Nhiều người mệt mỏi vì chờ đợi quá lâu mà không được qua chốt, họ tấp vào lề đường nghỉ ngơi chờ thông tin từ chính quyền địa phương. "Phần lớn người dân đã trả nhà trọ nên giờ cũng không còn nơi để về", chị Thủy (quê An Giang) chia sẻ.

Không được cho qua chốt về quê, nhiều người không biết đi đâu khi đã trả phòng trọ - Ảnh: Zing

Lúc 22h cùng ngày, người dân vẫn tập trung đông trên quốc lộ 1, huyện Bình Chánh. Nhiều cảnh sát được cử đến để ổn định tình hình, vận động bà con về nơi cư trú.

Lực lượng chức năng tuyên truyền, yêu cầu người dân quay về nơi cư trú; tuy nhiên, nhiều người vẫn cố bám trụ, chờ được thông qua để về nhà. Chính quyền địa phương cử lực lượng ổn định tình hình, phát nước, thức ăn cho người dân.

Lực lượng chức năng ổn định tình hình, vận động người dân trở về nơi cư trú - Ảnh: Zing 

Tối 30/9, trong chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chia sẻ sau nới lỏng giãn cách, mong muốn về quê là tâm trạng phổ biến của người xa nhà thời gian dài. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch TP.HCM chỉ ra 3 nguy cơ. Thứ nhất, người về có nguy cơ gây ra dịch bệnh tại địa phương và có thể gây quá tải hệ thống y tế địa phương, nếu nhiễm bệnh thì việc điều trị cũng khó khăn.

Thứ hai, TP khuyến khích người dân ở lại vì cần người lao động. TP đã nới lỏng giãn cách để tổ chức sản xuất kinh doanh, giúp người dân có việc làm, thu nhập. Thứ ba, ông cho rằng người dân cố gắng ở lại làm việc tới Tết rồi về thì sẽ thuận lợi hơn.

Thất nghiệp, không còn có thể cầm cự là lý do khiến nhiều người quyết định trở về quê - Ảnh: Zing 

Trước đó, sáng 30/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM thông báo lộ trình thực hiện chỉ thị mới về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Liên quan vấn đề người dân rời thành phố về các địa phương khác, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình lưu ý người dân phải di chuyển theo tổ chức và không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác.

Thành phố cho phép những trường hợp cấp thiết đi lại liên tỉnh phải theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM. "Người dùng xe cá nhân sẽ không đi qua được các chốt liên tỉnh. TP.HCM cũng sẵn sàng đón công nhân có tham gia hoạt động sản xuất tại TP.HCM mà thời gian qua đã về quê, đặc biệt tại các tỉnh giáp ranh. Thành phố sẽ phối hợp với các địa phương theo quy trình để đưa công nhân về TP.HCM bằng phương tiện chung", ông Bình nhấn mạnh và kêu gọi người dân ở lại thành phố tham gia lao động sản xuất, đảm bảo cuộc sống.

Thất nghiệp nhiều tháng liền, không còn tiền đóng nhà trọ, mua thực phẩm, nhiều người quyết định khăn gói về quê, dựa vào gia đình vượt qua lúc khó khăn. Thế nhưng họ lại rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, về thì không được mà ở lại cũng không xong vì không còn nơi nào để ở. Mong cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp hiệu quả hỗ trợ người dân khó khăn vượt qua giai đoạn này, sớm ổn định cuộc sống.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật