Chuyện cũ nói lại

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những tồn tại, vướng mắc trong các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp là vấn đề không mới nhưng lại chưa bao giờ cũ. Phải làm sao “gỡ nút thắt”, để việc tạo sinh kế cho người dân thực sự hiệu quả, tránh lãng phí nguồn kinh phí hỗ trợ.
Chuyện cũ nói lại
Cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ. Ảnh: HT

Ở tỉnh ta, công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành quan tâm. Nhiều giải pháp đặt ra, trong đó, việc hỗ trợ các mô hình, chương trình, dự án giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo luôn được chú trọng. Thế nhưng, bên cạnh những mô hình hiệu quả, vẫn còn những câu chuyện “dở khóc dở cười”. Đơn cử như câu chuyện ở huyện Kon Plông, sau quá trình triển khai thực hiện, Dự án hỗ trợ phát triển heo địa phương năm 2020 đã thất bại. Heo chết hàng loạt, lãng phí nguồn kinh phí hỗ trợ.   

Mà đâu chỉ dự án này, trước đó, nhiều chương trình, dự án thông qua một số mô hình ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh cũng từng phải xem xét lại cho phù hợp. Có nhiều nơi “đau đầu” chuyện hỗ trợ “cần câu” hay “con cá”. Hỗ trợ tiền mặt, sợ người dân sử dụng không đúng mục đích mà hỗ trợ nguồn giống (cây, con), nếu chọn cây, con chưa phù hợp, việc hướng dẫn không tận tình, nhiều nơi lại làm không hiệu quả.

Ông bà ta có câu “cho vàng không bằng chỉ đàng làm ăn”, vậy mà, có nhiều nơi, vừa “cho vàng” vừa “chỉ đàng làm ăn”, nghèo vẫn hoàn nghèo. Bởi, hỗ trợ, hướng dẫn là một phần, nhưng việc có giúp người dân thông tư tưởng để làm theo hay không lại là một chuyện khác.

Vì tâm lý trông chờ, ỷ lại, nhiều hộ dân mong muốn được hỗ trợ. Tuy nhiên, khi được hỗ trợ con giống, cây giống, họ lại bỏ bê, không chú trọng vào chăm sóc. Ví dụ như không chủ động nguồn phân bón, nước tưới để chăm sóc cây; không chủ động nguồn thức ăn, không xây dựng chuồng trại để chăn nuôi… Cây trồng, gia súc không phát triển, không hiệu quả là điều tất yếu.

Cách đây không lâu, chị bạn làm cán bộ phụ nữ tại một phường trên địa bàn thành phố kể rằng, sau quá trình hỗ trợ heo giống, bò cái sinh sản giúp phụ nữ thực hiện mục tiêu thoát nghèo nhưng không hiệu quả, Ban Chấp hành phụ nữ phường chuyển hướng thực hiện mô hình nuôi bò xoay vòng. Theo đó, từ việc hỗ trợ hoàn toàn, bây giờ, hộ phụ nữ sẽ được hỗ trợ 1 con bò cái và ký cam kết sẽ tích cực chăm sóc. Khi bò đẻ, sẽ nhận bê con và chuyển bò mẹ sang cho hộ khác. Với mô hình này, vậy mà hiệu quả. Từ nhiều kinh nghiệm đúc rút, chị nói rằng, việc cho không hoàn toàn khiến người dân chưa thực sự trách nhiệm với cây trồng, vật nuôi. Chính vì thế, việc thay đổi phương thức hỗ trợ cần được chú trọng, khi đặt lợi ích đi kèm với trách nhiệm, hiệu quả lại tăng cao.

Bên cạnh nếp nghĩ của người dân còn nhiều hạn chế, việc thiếu giám sát cũng là một trong những nguyên nhân gây thất bại. Bởi nếu không giám sát, kiểm tra thường xuyên, cơ quan, đơn vị hỗ trợ sẽ không nắm được tình hình thực hiện để có sự điều chỉnh, giúp đỡ người dân tháo gỡ kịp thời những bất cập trong quá trình sản xuất. Vì không giám sát, kiểm tra thường xuyên nên mới có chuyện, heo hỗ trợ, từ việc chết một vài con đến chết hàng loạt, sau mấy tháng trời vẫn chưa nắm hết nguyên nhân.

Ngoài ra, việc chú trọng hỗ trợ con gì, cây gì cho phù hợp với điều kiện khí hậu, tập quán sản xuất cũng là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của một chương trình, mô hình, dự án. Khảo sát thực tế, hỗ trợ người dân chuẩn bị đầy đủ chuồng trại (nếu chăn nuôi), chuẩn bị làm đất (nếu trồng trọt), hướng dẫn kỹ càng cách thức thực hiện; giúp người dân thông tư tưởng, nhiệt tình trong quá trình thực hiện; thường xuyên giám sát và việc cung cấp giống đảm bảo sẽ góp phần sản xuất hiệu quả. Có nhiều hoạt động, dự án đạt hiệu quả cao nhờ việc thực hiện các khâu chặt chẽ, kỹ càng.

Với mục tiêu giúp đỡ bà con đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành, các đơn vị đã và đang thực hiện nhiều mô hình giúp dân. Việc hỗ trợ, giúp dân thật sự cần thiết. Tuy nhiên, cùng với triển khai, cần nắm nguyên nhân, rút kinh nghiệm, xây dựng phương án, giải pháp cụ thể. Kỹ càng trong các khâu, đồng hành trong suốt quá trình thực hiện, để người dân đón nhận chính sách hỗ trợ bằng sự phấn khởi, niềm tin về sự đổi thay, phát triển.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật