Tấm lòng của người tài xế chuyển bệnh nhân Covid-19

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Bất kể giờ phút nào, chỉ cần nhận cuộc gọi từ phía Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Lai Vung (Ban chỉ đạo huyện), tôi đều thu xếp nhanh chóng để lên đường chở bệnh nhân đến các khu cách ly, điều trị Covid-19. Nhìn bệnh nhân được kịp thời nhập viện, tôi như quên hết mệt, nguy hiểm...” - ông Dương Trung Kiên (SN 1975) - tài xế “Chuyến xe 0 đồng” xã Tân Dương, huyện Lai Vung nói.
Tấm lòng của người tài xế chuyển bệnh nhân Covid-19
Ông Dương Trung Kiên kiểm tra xe trước khi lên đường vận chuyển bệnh nhân

Những chuyến xe  đầy nghĩa tình

Chúng tôi gặp ông Dương Trung Kiên lúc ông vừa thực hiện xong chuyến xe chở bệnh nhân hoàn thành cách ly từ TP Cao Lãnh trở về quê. Vừa lau mồ hôi còn đọng trên khuôn mặt rám nắng, ông Kiên vừa chia sẻ: “Hơn 5 năm nay, tôi sống bằng nghề chạy xe dịch vụ, nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát phải chịu cảnh thất nghiệp. Bên cạnh việc chạy xe kiếm sống, tôi cũng tham gia đội tình nguyện của “Chuyến xe 0 đồng” nhằm hỗ trợ bệnh nhân khó khăn trên địa bàn xã. Trong một lần tình cờ, địa phương thông báo đang cần tài xế để chở bệnh nhân F0, F1 đến các khu cách ly, điều trị. Không suy nghĩ, tôi đã đồng ý xung phong đi vận chuyển bệnh nhân”.

Thế là hơn 2 tháng qua, ông Kiên đã quen với công việc tiếp nhận và chở các bệnh nhân mắc Covid-19 ở huyện Lai Vung đưa đi các bệnh viện d‌ã chi‌ến, các khu cách ly hoặc chở các bệnh nhân khỏi bệnh trở về theo điều động của Ban chỉ đạo huyện. Chiếc xe cứu thương và ông Kiên luôn túc trực ở Trạm Y tế xã Tân Dương. Khi có cuộc gọi của Ban chỉ đạo huyện hay người dân cần được hỗ trợ thì ông lập tức mặc đồ bảo hộ, lấy xe tới các điểm đưa, đón bệnh nhân.

Xác định tính chất công việc có nguy cơ lây nhiễm cao, người tài xế “đặc biệt” này đã được cán bộ y tế tập huấn về các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Trên xe vận chuyển, những bệnh nhân nhiễm Covid-19 ngăn cách tài xế qua vách ngăn riêng. Tất cả đồ bảo hộ khi vận chuyển, khẩu trang, dung dịch khử khuẩn... đều được trang bị đầy đủ để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Vì vậy, nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 cần nhập viện hay những người đã điều trị khỏi, được cho phép trở về nhà đều được ông Kiên tổ chức đưa đón kịp thời. Có hôm đang chuẩn bị dùng cơm trưa thì được gọi, ông Kiên liền đi đón bệnh nhân, khi xong việc về đến nhà thì rất đói và mệt.

Qua lời người tài xế 46 tuổi này, chở bệnh nhân mắc Covid-19, mỗi người một hoàn cảnh, già có, trẻ có, thậm chí cả những em bé sơ sinh vài tuần tuổi. “Thương nhất là những đứa bé còn rất nhỏ, phải mặc đồ bảo hộ rộng thùng thình, nhìn bước chân của các em vào khu cách ly tôi rất xót xa; rồi những trường hợp người lớn tuổi bị bệnh nền hoặc bị tai biến... Chứng kiến những hoàn cảnh đó, tôi tự nhủ phải cố gắng điều khiển phương tiện di chuyển thật nhanh mà vẫn giữ được sự an toàn cho bệnh nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ và trên hết là mong họ sớm hồi phục” - ông Kiên chia sẻ.

Việc chuyển bệnh nhân của ông đôi lúc cũng gặp tình huống “dở khóc, dở cười”. Đa số bệnh nhân lên xe, ai cũng mang theo sự lo lắng, nhiều bệnh nhân hỏi: “Chú tài xế ơi, đi cách ly rồi bao nhiêu lâu về nhà. Tôi có còn được gặp lại người thân của mình không?” hay “Khu cách ly có đảm bảo đủ thuốc thang rồi sức khỏe tôi mau hồi phục không chú?”. Thậm chí có bệnh nhân đang trên chuyến xe thì đòi xuống để trở về nhà vì lo lắng. Thế là ông Kiên bình tĩnh vừa điều khiển xe vừa làm thêm nhiệm vụ trấn an tâm lý, động viên người bệnh.

Ông Lê Văn Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dương chia sẻ: “Những ngày dịch bệnh bùng phát, nhờ có sự hỗ trợ của ông Kiên nhiều bệnh nhân tại bệnh viện đã được chở về nhà nhanh hơn và bảo đảm an toàn. Hàng ngày, từ sáng đến tối, dù phải đối mặt với công việc luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nhưng ông Kiên luôn giữ tinh thần lạc quan, lan truyền những suy nghĩ tích cực nhằm động viên tinh thần bệnh nhân, tin tưởng dịch bệnh sớm chấm dứt”.


Ông Dương Trung Kiên trên chuyến xe chở bệnh nhân đến các khu cách ly, điều trị

Lan tỏa tinh thần nhân ái giữa mùa dịch

Trên từng chuyến xe, tài xế Kiên gạt hết mọi cảm xúc, giữ tỉnh táo, tập trung cao độ suốt quãng đường từ tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lai Vung đến các khu cách ly, điều trị tại TP Cao Lãnh.

Được hỏi lý do tham gia nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân, ông Kiên chia sẻ: “Ngày đầu tiên, nghe điện thoại của bác sĩ thông báo phải chở F0, F1, tôi cũng sợ lắm. Tuy nhiên, tôi tự trấn an mình phải cố gắng vượt qua nỗi sợ để tham gia vào “cuộc chiến” chung của cả cộng đồng. Có đôi lúc tận mắt thấy cảnh người già, trẻ nhỏ... tay xách nách mang đủ thứ đồ đạc thì lòng tôi lại thôi thúc phải ra tay giúp đỡ họ. Cứ vậy mà lăn xả vào giúp họ mang vác, sắp xếp hành lý, dìu họ lên xe cho an toàn... và quên luôn sợ hãi”.

Trên những chuyến xe ấy, có người ông Kiên chẳng kịp nhớ tên nhưng biết rõ đa phần họ là những người có hoàn cảnh khó khăn hay neo đơn. Những hình ảnh đó cũng phần nào cho ông Kiên thấy dịch bệnh đang ở giai đoạn khốc liệt như thế nào. Thế nhưng, khi phải chứng kiến những ca bệnh trở nặng không qua khỏi, lòng ông Kiên lại nặng trĩu. Lúc này, ông Kiên chợt nghĩ đến người thân mình ở nhà, nếu lỡ bị như thế... lòng ông quặn lại, không cầm được nước mắt. “Tôi nhận thấy, bản thân mình là người may mắn vì đến giờ sức khỏe vẫn tốt. Tôi chỉ lo, nếu mình ngã bệnh thì sẽ không giúp được ai nữa!” - ông Kiên chia sẻ.

Khi được hỏi về chuyến chuyển bệnh nhân đáng nhớ nhất, ông Kiên kể, vài tuần trước, địa phương cho hay phải chở một trường hợp là một gia đình ngụ ấp Tân Lộc A, xã Tân Dương đi cách ly. Gia đình này gồm 5 người nhưng có 2 trường hợp F0, 3 trường hợp F1. Đau lòng hơn là chuyển đến khu cách ly thì người vợ lại trở bệnh nặng và mất sau ít ngày điều trị. Lúc này, do tất cả thành viên phải đi cách ly nên không ai lo hậu sự, ông Kiên quyết định đứng ra hỗ trợ phần di ảnh và chuyển tro cốt về tận nơi cho gia đình. Ông Kiên nhìn xa xăm nói: “Có khi chở những người không qua khỏi đi hỏa táng rồi mang tro cốt họ về gia đình. Những lúc ấy lòng tôi nặng trĩu hơn cả lúc chở bệnh nhân đi... Vì tôi sợ nhìn cảnh mất mát, cảnh người thân họ gào khóc, đau thương. Nhưng nếu cứ sợ hãi thì ai sẽ lo hậu sự cho họ khi không có người thân bên cạnh, ai sẽ chở tro cốt họ về với gia đình...”.

Vừa lau những giọt nước mắt đọng trên khóe mắt, ông Dương Trung Kiên tiếp tục câu chuyện với niềm vui là được chở những người khỏe mạnh, những người hoàn thành cách ly về nhà. Như trường hợp chị H. ngụ xã Long Thắng dương tính với SARS-Cov-2 khi ở chung với một công nhân nữ trong công ty, còn ba chị thì đang làm việc tại một công ty khác theo hình thức “3 tại chỗ”. Chị được cách ly điều trị tại TP Cao Lãnh nhanh phục hồi nên được ra viện sớm. Đang vui mừng vì chuẩn bị được xuất viện thì chị chợt nhớ không có ai tới đón về, cũng không gọi xe được. Loay hoay chưa biết xoay xở làm sao, chị được người quen cho số điện thoại của ông Kiên. Quá mừng, chị gọi liền. Ngay sau đó không lâu, chị được xe chở về mà không tốn một đồng nào. Chị H. gọi cho ông Kiên nói với giọng biết ơn: “Thiệt tình em không biết cảm ơn anh như thế nào. Em từng mắc bệnh nhưng anh không kỳ thị tụi em mà còn vui vẻ chở em về đến nhà dùm!”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật