Bóng đá châu Phi tiếp tục gây bất ngờ ở Olympic?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tiếng vọng từ quá khứ và sự đầu tư nghiêm túc ở hiện tại cho thấy bóng đá châu Phi đủ khả năng giành huy chương ở Olympic 2020.
Bóng đá châu Phi tiếp tục gây bất ngờ ở Olympic?
Olympic Cameroon giành HCV Thế vận hội 2000. Ảnh: Getty Images.

Bóng đá nam Nigeria giành Huy chương Vàng (HCV) tại Olympic 1996, Huy chương Bạc (HCB) ở Olympic 2008 và Huy chương đồng (HCĐ) ở Olympic 2016. Thế hệ của Samuel Eto’o từng giúp Olympic Cameroon đánh bại đối thủ Tây Ban Nha tại chung kết nội dung bóng đá nam Thế vận hội 2000.

20 năm qua, bóng đá châu Phi để lại rất nhiều ấn tượng ở các kỳ Olympic. Điều đó cho thấy quyết tâm và cơ hội có thực của các nền bóng đá “lục địa đen”.

Sâu khấu phù hợp với bóng đá châu Phi

Phần lớn cầu thủ tham dự Olympic ở môn bóng đá nam đều dưới 23 tuổi. Nhiều cái tên chưa có cơ hội trui rèn ở môi trường bóng đá đỉnh cao hay chen chân vào đội một của các CLB. Những tấm huy chương ở đấu trường Olympic phần lớn là thành quả của công tác đào tạo trẻ khi các cầu thủ chưa có nhiều kinh nghiệm về chiến thuật ngay cả ở những nền bóng đá hàng đầu châu Âu.

Bóng đá châu Phi gồm nhiều cầu thủ mạnh về thể lực, tốc độ. Vậy nên, họ dễ dàng làm chủ trận đấu và giành chiến thắng. Các cầu thủ ở "lục địa đen" không cảm thấy quá lo lắng khi thi đấu với mật độ 3 ngày một trận, dưới cái nắng gay gắt lúc 14h hoặc sớm hơn.

(giờ thi đấu bóng đá Olympic thường sớm hơn giờ thi đấu Euro hay World Cup). Chiều ngược lại, đây là khó khăn cho các đội tuyển tới từ châu Âu.

Bóng đá châu Phi khó có cơ hội cạnh tranh huy chương nếu các cầu thủ ở châu Âu sớm được chơi bóng thường xuyên ở 5 giải VĐQG hàng đầu “lục địa già”. Khi ấy, những gương mặt sinh ra ở châu Âu sẽ làm quen với lối chơi đậm tính chiến thuật.

Tại Euro 2020, Chiesa, Pedri dễ dàng chen chân vào đội hình gồm nhiều cầu thủ lớn tuổi hơn mình nhờ trải nghiệm sớm tại giải quốc nội. Đây cũng chính là lý do bóng đá châu Phi thường chơi rất hay ở đấu trường Olympic nhưng không để lại dấu ấn khi tham dự World Cup, vốn là sân chơi của tuyển quốc gia.

Để chuẩn bị cho các kỳ Olympic, nhiều HLV bóng đá nam của các đội châu Phi đều cố gắng triệu tập những cầu thủ ưu tú nhất. Năm 1996, Olympic Nigeria giành HCV nhờ những Jay-Jay Okocha, Nwankwo Kanu, Celestine Babayaro, Taribo West...

4 năm sau, bóng đá Cameroon mang đến Australia một thế hệ tài năng gồm Samuel Eto’o, Geremi, Carlos Kameni. Sang đến Olympic 2008, “Đại bàng xanh” Nigeria triệu tập những gương mặt ưu tú như Peter Odemwingie, Victor Anichiebe, Victor Obinna. Ở Olympic 2016, “lão tướng” John Obi Mikel được triệu tập bên cạnh những cầu thủ trẻ như William Troost-Ekong, Peter Etebo.

Nhiều cầu thủ trong số này chơi bóng ở châu Âu vào thời điểm họ được triệu tập đi Olympic. Trong quá trình thi đấu, họ hiểu lối chơi, cách tiếp cận của nhiều đồng nghiệp, đối thủ đến từ châu Âu, Nam Mỹ. Khi trở về quê hương, họ mang kinh nghiệm của mình truyền lại cho các đồng đội.

Phần lớn trong số các cầu thủ trẻ sinh ra ở châu Phi đang cùng gia đình sống trong cảnh nghèo đói. Do đó, họ xem Olympic và các giải đấu lớn là cơ hội để đổi đời. Khoản tiền thưởng sau mỗi tấm huy chương sẽ giúp họ trang trải cuộc sống cho cả gia đình.

Nếu thi đấu ấn tượng, các cầu thủ trẻ ở châu Phi sẽ có cơ hội lọt vào mắt xanh của tuyển trạch viên đến từ châu Âu. Điều này giúp họ có động lực rất lớn để quyết tâm thi đấu tốt mỗi khi được trao cơ hội ra sân.

Mikel cùng Olympic Nigeria giành HCĐ tại Rio de Janeiro năm 2016. Ảnh: Getty Images.

Về khách quan, những quy định của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) và thỏa thuận giữa tổ chức này với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cũng góp phần giúp bóng đá châu Phi để lại dấu ấn ở các kỳ Thế vận hội.

Tại Olympic 1984, các đội tuyển đến từ châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ được phép triệu tập những cầu thủ tốt nhất của mình. Ngược lại, các đội tuyển đến từ châu Âu, Nam Mỹ chỉ được sử dụng những gương mặt chưa từng tham dự World Cup.

Ở Olympic 1992, chỉ các cầu thủ chưa bước sang tuổi 24 được phép tham dự, gọi là đội U23. Đến năm 1996, mỗi đội được phép triệu tập 3 cầu thủ trên 23 tuổi, gọi là đội U23+3 (hay đội Olympic). Thể thức mới này giúp cuộc cạnh tranh giữa các đội trên thế giới trở nên cân bằng hơn. Việc Olympic Nigeria, Cameroon giành HCV ở Thế vận hội 1996 và 2000 là minh chứng cho điều đó.

Nhằm tạo sự công bằng ở Olympic, IOC cố gắng chia đều các suất tham dự nội dung bóng đá nam cho từng châu lục. Ở Olympic Tokyo 2020, bóng đá châu Á có 4 suất tham dự, châu Phi có 3 suất, Bắc Mỹ có 2 suất.

Châu Âu dù sở hữu nhiều nền bóng đá mạnh nhưng cũng chỉ được có 4 đội tham dự. Điều này khiến cho nhiều cầu thủ giỏi không được tham dự Olympic, điển hình như Federico Chiesa, Moise Kean, Gianluigi Donnarumma của bóng đá Italy.

Theo ESPN, một quy định khác của FIFA cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến nội dung bóng đá nam đấu trường Olympic. Đó là các CLB không có nghĩa vụ trả cầu thủ về cống hiến cho quê hương. Nhiều cầu thủ giỏi bị các CLB giữ lại để chuẩn bị cho mùa giải mới, nhất là khi họ vừa phải thi đấu ở Euro, Copa America trong cùng năm diễn ra Olympic.

Năm 2008, di‌ego, Rafinha gặp rắc rối khi kháng lệnh Werder Bremen và Schalke 04 để về tập trung cùng Olympic Brazil. Năm 2012, bóng đá Vương quốc Anh phải triệu tập tiền vệ 38 tuổi Ryan Giggs tham dự Thế vận hội tổ chức tại quê nhà. Điều này khiến sức mạnh của nhiều đội Olympic ở châu Âu và Nam Mỹ suy yếu.

Kessie trở thành niềm hy vọng nơi tuyến giữa của Olympic Bờ Biển Ngà. Ảnh: Getty Images.

Cơ hội ở Olympic 2020

Niềm hy vọng số một của bóng đá châu Phi tại Thế vận hội 2020 đặt lên vai Olympic Bờ Biển Ngà. HLV Soualiho Haidara triệu tập nhiều cầu thủ tài năng đang chơi bóng ở châu Âu như Amad Diallo, Eric Bailly (Man United), Franck Kessie (AC Milan), Christian Kouame (Fiorentina), Max Gradel (Sivasspor, từng chơi bóng tại Premier League trong màu áo Bournemouth)...

Olympic Bờ Biển Ngà rơi vào bảng đấu có sự xuất hiện của các đối thủ đến từ Brazil, Đức, Saudi Arabia. Ở trận ra quân, họ đánh bại Olympic Saudi Arabia với tỷ số 2-1. Trong đó, Diallo và Kessie phối hợp với nhau tạo nên bàn thắng thứ 2, giúp đội nhà có được 3 điểm trọn vẹn.

Olympic Đức mang đến Thế vận hội 2020 nhiều cầu thủ lạ lẫm. Do đó, Bờ Biển Ngà có thể cạnh tranh vị trí nhì bảng D với đại diện đến từ châu Âu.

Olympic Ai Cập được đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn khi rơi vào bảng C và phải chạm trán Tây Ban Nha, Argentina, Australia. Olympic Tây Ban Nha sở hữu nhiều hảo thủ như Pedri, Eric Garcia, Dani Olmo, Unai Simon, Mikel Oyarzabal, Pau Torres, Marco Asensio, Dani Ceballos.

Tuy nhiên, ngay ở lượt trận đầu tiên, thầy trò HLV Shawky Gharib gây bất ngờ khi có được 1 điểm trước đại diện đến từ châu Âu. Ở trận còn lại, Olympic Australia đánh bại đối thủ Argentina. Điều đó cho thấy bảng C rất khó lường và Olympic Ai Cập có quyền hy vọng về việc lọt vào tứ kết.

Khó khăn lớn nhất thuộc về Olympic Nam Phi. Theo Goal, một tuần sau khi công bố đội hình tham dự Olympic 2020, HLV David Notoane buộc phải chia tay 5 cầu thủ vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó, tiền vệ trụ cột Percy Tau phải trở về Brighton để chuẩn bị cho mùa giải 2021/22.

Điều này khiến Olympic Nam Phi gặp thử thách rất lớn trong cuộc cạnh tranh với Pháp, Mexico và chủ nhà Nhật Bản. Tình hình càng trở nên đáng lo hơn khi họ phải nhận thất bại 0-1 trước Olympic Nhật Bản.

Xét về danh tiếng của cả nền bóng đá, Olympic Bờ Biển Ngà và Ai Cập không thể so sánh với nhiều đối thủ đến từ Nam Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, những chiến tích từng có của châu Phi trong quá khứ sẽ giúp họ cảm thấy tự tin hơn khi cạnh tranh huy chương ở Thế vận hội 2020.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật