“Phát triển quá mức” khiến nhiều thành phố có nguy cơ bị tước danh hiệu di sản thế giới

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc thành phố cảng Liverpool (Anh) vừa chính thức bị UNESCO đưa ra khỏi danh sách các di sản thế giới chính là lời cảnh báo nhiều thành phố di sản trước thách thức giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển kinh tế.
“Phát triển quá mức” khiến nhiều thành phố có nguy cơ bị tước danh hiệu di sản thế giới
Thành phố Liverpool được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2004 và sau 17 năm, nó bị tước danh hiệu. (Nguồn: EUtrip)

Từ vụ việc thành phố Liverpool

Liverpool là thành phố cảng nước Anh nổi tiếng với những toà nhà cổ theo kiến trúc Victoria, nhóm nhạc huyền thoại The Beatles, hai đội bóng đá lừng danh, những bến tàu và nhiều danh thắng... Thành phố này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2004, cùng với các địa danh như Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), đền Taj Mahal (Ấn Độ) và Tháp nghiêng Pisa (Italy).

Thế nhưng, những năm nay gần đây, UNESCO đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc các công trình mới làm giảm sức hấp dẫn của các bến tàu lịch sử, cũng như có hại cho "tính xác thực và tính toàn vẹn của di sản".

Năm 2012, UNESCO đã đưa thành phố Liverpool vào danh sách di sản thế giới đang bị đe dọa do sự “phát triển quá mức” của dự án Liverpool Waters kéo dài hàng thập kỷ với những căn hộ, văn phòng, cửa hàng, khách sạn hay sân vận động mọc lên quanh bến cảng.

Trong khi đó, bất chấp sự phản đối của các cơ quan bảo tồn, chính quyền thành phố vẫn phê duyệt dự án xây dựng sân vận động mới của câu lạc bộ bóng đá Everton trên phần đất của các bến tàu cũ đầu năm nay.

Hành động này được coi là giọt nước tràn ly, khiến Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO phải đưa ra quyết định mạnh tay trong cuộc thảo luận ngày 21/7 khiến Livepool bị xóa tên khỏi danh sách Thành phố Di sản với những mất mát không thể phục hồi thuộc về bản chất của di sản.

Trước quyết định này, Thị trưởng thành phố Liverpool Joanne Anderson bày tỏ sự thất vọng và lo ngại trước hành động của UNESCO. Bà tuyên bố rằng Ủy ban Di sản Thế giới đã đưa ra một quyết định "hoàn toàn sai lầm" và sẽ làm việc với chính phủ để kháng cáo, bởi tin rằng Liverpool sẽ luôn là một thành phố Di sản thế giới với một bờ sông tuyệt đẹp và các di sản khiến nhiều thành phố khác phải ghen tị.

Đến nỗi lo không của riêng ai

Như vậy, Liverpool trở thành địa điểm thứ ba trên thế giới bị loại khỏi danh sách di sản thế giới. Trước đó, năm 2007, Khu bảo tồn động vật hoang dã ở Oman cũng bị loại khỏi danh sách của UNESCO vì không xử lý được nạn săn bắt trộm và những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống tự nhiên. Năm 2009, Thung lũng Elbe (Dresden, Đức) đã bị tước danh hiệu sau khi xây một cây cầu 4 làn xe bắc qua con sông.

Năm 2012, UNESCO cũng đề xuất đưa Rạn san hô Great Barrier (Australia), "thành phố của những cây cầu" Venice (Italy) và thành phố "trái tim của châu Âu" Budapest (Hungary) cùng một số địa danh khác vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa do đứng trước nguy cơ biến mất.

Có thể thấy, ngoài vẻ đẹp cổ kính thì với sự phát triển kinh tế xã hội, nhiều di tích lịch sử đang bị xâ‌ּm hạ‌ּi nghiêm trọng bởi hoạt động của con người. Thậm chí, có những thành phố di sản trên thế giới đang đứng trước nguy cơ mất danh hiệu.

UNESCO từng cảnh báo sẽ tước danh hiệu nếu như thành phố Ahmedabad không có giải pháp bảo tồn di tích. (Nguồn: AP)

Tại Ấn Độ, lịch sử nhiều thăng trầm đã để lại cho Ahmedabad một quần thể kiến trúc đa dạng đã được UNESCO công nhận là thành phố di sản. Thế nhưng, Ahmedabad lại đang bị tàn phá bởi những hoạt động sinh hoạt và xây dựng của người dân địa phương.

Ở trung tâm của khu phố cổ, người ta chỉ có thể nhìn thấy mái vòm của một nhà thờ Hồi giáo thời trung cổ đằng sau một chuỗi các cửa hàng, dây điện và căn hộ xây bất hợp pháp. Sân khu hầm mộ nằm trong quần thể di tích trở thành bãi đỗ xe. Ngoài ra, những công trình kiến trúc cổ cũng bị lấn chiếm hay bị hư hỏng hoặc được thay bằng những cấu trúc sặc sỡ hoàn toàn không ăn nhập với lịch sử.

Được UNESCO công nhận là thành phố di sản, Admedabad phải cam kết sẽ kiểm soát các công trình trái phép trong phạm vi 100 mét. Thế nhưng, cả chính quyền thành phố Ahmedabad và Cơ quan Khảo sát khảo cổ Ấn Độ đều chưa làm tốt trong vấn đề này. UNESCO đã cảnh báo sẽ tước danh hiệu nếu như thành phố không có giải pháp bảo tồn di tích.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật