Cuộc đời phi thường và những tác phẩm đi vào lịch sử của nhà văn Sơn Tùng

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hoạt động Cách mạng bền bỉ, không dừng bút dù là thương binh hạng nặng… nhà văn Sơn Tùng đã để lại trong kho tàng văn học Việt Nam những tác phẩm đồ sộ và hình ảnh một nhà văn, một chiến sĩ cách mạng không bao giờ khuất phục nghịch cảnh.
Cuộc đời phi thường và những tác phẩm đi vào lịch sử của nhà văn Sơn Tùng
Nhà văn Sơn Tùng không chỉ là chiến sĩ mà còn là “cây đại thụ“ của nền văn học Việt Nam.

Nhà văn Sơn Tùng - người chiến sĩ, nhà văn hoạt động bền bỉ

Nhà văn Sơn Tùng sinh năm 1928 tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An, một ngôi làng nằm sát biển. Gia đình ông là một gia đình nhà nho, dù nghèo túng nhưng luôn coi trọng chữ nghĩa.

Ông là một trong những người chiến sĩ quả cảm, “cây đại thụ” của nền văn học Việt Nam. Ông sớm rời quê hương Diễn Châu tham gia cách mạng từ những năm 1950. Ông hoạt động ở tỉnh đoàn, sau ra Hà Nội học Đại học Nhân dân rồi làm giảng viên đại học, làm báo Báo . Từ năm 1964 ông vào chiến trường Nam Bộ lập báo Báo Giải Phóng, rồi bị thương nặng trở ra Bắc cuối năm 1971.

Sau chiến tranh, ông là thương binh hạng 1/4 nhưng vẫn tiếp tục cầm bút. Ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nhà cách mạng hiện đại cũng như các danh nhân văn hóa của dân tộc.

Sơn Tùng được biết đến với nhiều tác phẩm viết về Hồ Chí Minh, trong đó nổi tiếng nhất là Búp sen xanh. Tiểu thuyết viết về tuổi thơ, thời niên thiếu và tuổi đôi mươi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay được tái bản hơn 30 lần, dịch ra nhiều thứ tiếng.

Tác phẩm mở ra hướng mới khi viết về cố chủ tịch, khi ông "đời thường hóa" vị lãnh tụ, miêu tả mối tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi ấy là Nguyễn Tất Thành) với thiếu nữ Lê Thị Huệ. Năm 1990, khi các nhà làm phim đề nghị ông viết một kịch bản phim kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn đã chuyển thể Búp sen xanh thành Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng, kịch bản in thành sách năm 2015.

Tác phẩm Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng.

Ngoài ra, ông còn viết về một số nhân vật cách mạng khác như Trần Phú, Nguyễn Hữu Tiến. Anh Sơn Định - con trai ông - cho biết ngày nhà văn còn khỏe, ông vẫn thường nói tới một nguyên tắc khi viết về các vĩ nhân: "Viết về Hồ Chủ tịch và các vĩ nhân, ta có thể thả hồn vào trong đó chứ không được bịa. Bịa là có tội với Hồ Chủ tịch và các vĩ nhân...".

Năm 2011, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, trở thành người thứ 4 thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được nhận danh hiệu này.

Nhà văn Sơn Tùng qua đời sau 11 năm kiên cường chống chọi bệnh tật

Tin từ gia đình nhà văn Sơn Tùng cho biết ông trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào khoảng 23h05 hôm qua 22/7. Nhà văn ra đi ở tuổi 93, sau hơn 11 năm cùng người vợ tảo tần, thủy chung chống chọi với bệnh nặng do tai biến.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia buồn khi hay tin Sơn Tùng qua đời: "Ông là một con người đặc biệt, một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sức sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn".

Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cũng có những dòng tâm sự: "Chú Sơn Tùng - Nhà văn, Thương binh nặng, Anh hùng lao động đã sống, viết, trong khổ đau, bần hàn, cùng cực vẫn ngạo nghễ, cao thượng, son sắt, đanh thép. Một con người phi thường và hiếm hoi. Xin chia tay chú! Chú rời cõi tạm để bớt khổ đau, giằng xé, nhiều khi bất lực, chú nhé!".

Trước khi mất, nhà văn bị tai biến 11 năm. Ông liệt nửa người, mất hoàn toàn khả năng tự sinh hoạt nhưng trí óc vẫn minh mẫn, được vợ con chăm sóc. Gia đình ông sống trong căn nhà tập thể ở ngõ Văn Chương. Ông có hai người con trai, không ai theo nghiệp bố.

Trước khi phải nằm một chỗ, ông đang thực hiện dở cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và ấp ủ viết một cuốn nữa về quê hương Nghệ An. Bản thảo có tên Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn, được viết dựa trên nhiều nguồn tư liệu.

Lễ viếng nhà văn Sơn Tùng bắt đầu từ 7 giờ 30 phút và Lễ truy điệu vào lúc 8 giờ 15 phút thứ 2, ngày 26/7/2021 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. an táng tại quê nhà xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh "Búp sen xanh", nhà văn Sơn Tùng còn có một loạt tác phẩm tiêu biểu:

Bên khung cửa sổ (NXB Lao động, 1974)

Nhớ nguồn (NXB Phụ nữ, 1975)

Con người và con đường (NXB Phụ nữ, 1976)

Trần Phú (NXB Thanh niên, 1980)

Nguyễn Hữu Tiến (NXB Thanh niên, 1981)

Bông sen vàng (NXB Đà Nẵng, 1990; NXB Kim Đồng, 2016)

Trái tim quả đất (NXB Thanh niên, 1990)

Hoa râm bụt (NXB Công an Nhân dân, 1990)

Mẹ về (NXB Phụ nữ, 1990)

Vườn nắng (NXB Thanh niên, 1997)

Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (NXB Công an Nhân dân, 2005)

Bác ở nơi đây (NXB Thanh niên, 2005)

Chung một tình thương của Bác (NXB Thông tấn, 2006)

Lõm (NXB Thanh niên, 2006)

Tấm chân dung Bác Hồ (NXB Kim Đồng, 2013)

Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng (NXB Kim Đồng, 2015)

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (NXB Kim Đồng, 2016)

(Theo NXB Kim Đồng) 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật