Tâm sự tràn đầy năng lượng của 1 F0: “U sầu mãi chẳng hết bệnh đâu”

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù là 1 F0, phải đi cách ly tập trung nhưng cô gái trẻ này lại tràn đầy năng lượng. Cô tin rằng chỉ khi tinh thần vui vẻ, thoải mái mới mau chóng khỏi bệnh.
Tâm sự tràn đầy năng lượng của 1 F0: “U sầu mãi chẳng hết bệnh đâu”
Một điểm cách ly tại quận 7. 

Trong đợt dịch này, nước ta đã liên tục ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới, trong đó có rất nhiều trường hợp các bệnh nhân là người trẻ, không có bệnh lý nền. Đáng nói, trong suốt quá trình chống lại bệnh tật, họ luôn cố gắng giữ cho mình một tinh thần lạc quan, vui vẻ. Chính năng lượng tích cực đó đã khiến cho rất nhiều người có thêm động lực góp phần vào công tác phòng dịch.

Cô bạn Trịnh Thuỷ Tiên (22 tuổi, trú tại quận 7, TP.HCM) cũng là một trong những bệnh nhân trẻ đang phải cách ly tập trung, điều trị Covid-19. Chia sẻ với chúng tôi, Thuỷ Tiên cho biết mình đang cách ly tại trường Nguyễn Thị Định, đường Lâm Văn Bền, quận 7. Những ngày đầu đi cách ly, cô bạn đã bị sốt, rát họng, phải dùng thuốc hạ sốt để làm dịu lại c‌ơ th‌ể, đồng thời ngậm kẹo thông họng, uống chanh, gừng sả và nước ấm. 

Chỉ 2 ngày sau, cô bạn đã hạ sốt hẳn, nhưng ho với đờm lại bắt đầu xuất hiện, kèm theo cả mất vị giác và nghẹt mũi. Đây đều là những dấu hiệu rõ ràng nhất mà Tiên cảm nhận được. Tuy nhiên, theo cô bạn nhận định, chúng chỉ như cảm cúm hay sốt virus mà thôi, bản thân Tiên cũng không hề cảm thấy mệt mỏi gì, có lẽ là do cơ địa mỗi người khác nhau.

Trong suốt khoảng thời gian cách ly này, Thuỷ Tiên cho biết mình không cần dùng thuốc đặc trị, thay vào đó cô bạn chỉ cần bổ sung nhiều dưỡng chất cho c‌ơ th‌ể, nâng cao sức đề kháng và phòng virus xâm nhập sâu hơn. Hiện tại, sau vài ngày cách ly, sức khoẻ của Thuỷ Tiên đã dần ổn định. Tuy có chút mệt mỏi nhưng không quá nghiêm trọng, mọi sinh hoạt cuộc sống vẫn diễn ra bình thường.


Thuỷ Tiên luôn giữ tinh thần vui vẻ khi đi cách ly.

Giống như bao người khác, trong khoảng thời gian cách ly, Tiên cũng phải đối mặt với nhiều sự bất tiện. Dù vậy, cô bạn vẫn luôn cố gắng giữ vững tinh thần lạc quan. Tiên nói: "Mình nghĩ không nên đòi hỏi quá nhiều, vì may mắn vẫn còn được nhà nước quan tâm. Qua những trải nghiệm này thì mình cũng thực sự nể phục những người đã tình nguyện lao vào đại dịch để chăm sóc cho tụi mình. Như hôm qua mình có vô tình nghe được câu chuyện của 1 chị làm việc ở khu cách ly, lâu lắm rồi chị chưa được gặp con. Từ lúc đó trở đi, mình chỉ nghĩ mọi thứ rồi sẽ ổn thôi nếu bản thân chịu khó."

Bên cạnh đó, cô bạn cũng khẳng định điều quan trọng nhất khi cách ly đó là luôn giữ được tinh thần vui vẻ. Còn nếu cứ u sầu mãi thì sẽ chẳng thể khiến hết bệnh nhanh được. Thế nên, thay vì tự đẩy bản thân vào những suy nghĩ tích cực, Thuỷ Tiên lại tự cổ vũ mình rằng cách ly chỉ là đang đi đổi chỗ ngủ vài hôm lại về thôi, hay cố gắng vài ngày nữa là có thể khỏi bệnh, về ăn lẩu.

Nhờ năng lượng tích cực của Tiên mà cả gia đình cô bạn cũng phần nào yên tâm hơn hẳn. Cô bạn kể: "Lúc biết tin, mẹ mình khóc như mưa, tại mẹ ở Đà Lạt nên không có ở cùng nhau. Mình phải đi an ủi ngược lại mẹ đừng lo lắng cho quá ấy".


Cô bạn luôn tìm mọi cách để bản thân không suy nghĩ tiêu cực.

Qua những trải nghiệm của mình, Thuỷ Tiên gửi lời khuyên đến tất cả mọi người: "Mọi người nhớ tuân thủ mọi quy định phòng chống dịch. Bản thân là thế hệ trẻ của gia đình, giữa thời đại 4.0 như bây giờ thì các bạn chịu khó dành ít phút mỗi ngày để cập nhật thông tin. Dù gì ở nhà vẫn dễ chịu hơn, cơm vẫn ngon hơn là trong khu cách ly mà.

Còn nếu như có bệnh giống mình, thì cứ thoải mái tâm lí lên, không sao cả, cái gì đến cũng đã đến, thay vì cảm thấy tiêu cực thì hãy vận động và tươi tỉnh lên. Cái gì khó cũng cố vượt qua nha, mình là thế hệ trẻ của đất nước mà."

Bên cạnh đó, Thuỷ Tiên cũng liệt kê một số lưu ý mà mọi người cần ghi nhớ nếu bỗng nhiên trở thành F0. Đó là phải khử khuẩn tốt, vệ sinh kỹ càng, chăm sóc sức khoẻ bản thân và tăng cường sức đề kháng. Khi vào khu cách ly, có đôi lúc do số ca mắc quá đông, nhân viên y tế sẽ không thể theo dõi kĩ lưỡng từng người, thế nên mọi người phải tự chủ động theo dõi những triệu chứng của c‌ơ th‌ể.


Khu cách ly Thuỷ Tiên đang ở.

Giống như Thuỷ Tiên, cô bạn Kiều Oanh (24 tuổi) cũng từng phải đi cách ly tập trung vì dương tính với nCoV. Ngày 8/5, sau khi có kết quả dương tính, cô bạn đã được đưa đi cách ly tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung Ương 2. Những ngày đầu mới mắc bệnh, cô liên tục xuất hiện những triệu chứng như sốt nhẹ, mất vị giác, khứu giác, có đờm và đi ngoài. 

Chia sẻ với chúng tôi, Oanh cho biết, suốt khoảng thời gian điều trị tại bệnh viện, lúc nào cô bạn cũng cảm thấy khá ngột ngạt. Bởi lẽ, suốt ngày cô phải ở trong phòng, chỉ ra ngoài lấy đồ ăn và vứt rác. Không chỉ vậy, Oanh còn lo lắng hơn khi quá trình điều trị của mình kéo dài hơn so với người khác.

Trong khi mẹ và bà nội cô đều là người có bệnh nền, nhưng họ lại âm tính chỉ sau 14 ngày, còn Oanh mất đến 19 ngày cách ly mới được về nhà. Dù vậy, cô bạn vẫn luôn dặn lòng phải lạc quan, mạnh mẽ hơn, để gia đình và bạn bè không quá lo cho mình.


Sau một thời gian, Oanh lạc quan khi đi cách ly tập trung. 

Đáng nói, sau 2 tháng kể từ khi hoàn thành cách ly tập trung, Kiều Oanh vẫn còn nhận thấy nhiều di chứng bệnh. Cô kể: "Mình tự nhận là một đứa có sức khỏe tốt, ăn tốt, ngủ tốt. Vậy mà đã khỏi bệnh gần 2 tháng nay nhưng mình vẫn mất khứu giác, đặc biệt là hay đau mũi, khó chịu khi ngửi phải mấy mùi nồng (xà phòng, hành tây, nước tẩy rửa). Mình còn nhận thấy sức khoẻ có phần yếu đi rõ rệt, khả năng sử dụng từ ngữ, ghi nhớ kém hơn."

Bên cạnh đó, Oanh còn bị ảnh hưởng tâm lý, không dám tiếp xúc với mọi người vì luôn lo sợ bản thân lây bệnh cho họ. Những hệ luỵ đó đã gây ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của cô bạn. Thời gian gần đây, Oanh đang cố gắng uống thêm thuốc bổ, ăn ngủ điều độ để sớm hồi phục lại sức khoẻ. Cô cũng dự định sẽ đi khám lại khi tình hình dịch ổn định. 


Trong thời gian cách ly, Oanh luôn cố gắng nghỉ ngơi, làm việc điều độ.

Hiện tại, sau khi cách ly thêm 21 ngày tại nhà, Oanh đã quay trở lại Hà Nội và làm việc như bình thường. Cô cũng gửi lời khuyên đến tất cả mọi người xung quanh về việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân.

Cô bạn nói: "Thực tế không phải F0 nào sau khi điều trị xong cũng đều sẽ có những di chứng giống như mình. Đó là một điều thực sự may mắn. Dù vậy, mọi người hãy thật nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế và Nhà nước.

Sức khoẻ của chính chúng ta phụ thuộc phần lớn ở chúng ta. Hãy chăm tập thể dục, ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, giữ thái độ lạc quan để tiếp sức cho những người đang ở đầu chiến tuyến nhé."


Oanh mang đồ đạc, chuyển đến bệnh viện cách ly.

Dù là F0, từng phải cách ly và điều trị, thế nhưng cả Kiều Oanh và Thuỷ Tiên đều luôn nâng cao tinh thần lạc quan. Đối với họ, dù trong hoàn cảnh nào cũng đều phải thật mạnh mẽ, tươi vui, như vậy thì sức khoẻ mới có thể sớm bình phục. Bên cạnh đó, cả hai cũng nhắn nhủ đến mọi người hãy luôn đề cao việc bảo vệ sức khoẻ bản thân, thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng dịch.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật