Chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 7/2021

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tháng 7 này, hàng loạt chính sách, quy định mới được áp dụng, có thể kể đến như: chính sách ưu đãi với người có công; chính sách về bảo hiểm y tế; thu hồi, không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; phân loại mức độ rủi ro đối với người nộp thuế… bắt đầu có hiệu lực.
Chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 7/2021
Công an phường Long Toàn (TP.Bà Rịa) làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp cho người khuyết tật trên địa bàn

Nhiều thay đổi về chính sách ưu đãi với người có công

Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 được Quốc hội ban hành ngày 9/12/2020 về ưu đãi về người có công chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, thay thế cho Pháp lệnh năm 2005. Theo Pháp lệnh này, thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, bao gồm nhà xưởng, trường, lớp, trang thiết bị, được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây là một chế độ mới mà trước đây chưa quy định cho các đối tượng người có công này.

Với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mức trợ cấp hằng tháng cũng được tăng từ ngày 1/7/2021, cụ thể là bằng 3 lần mức chuẩn (tức 4.872.000 đồng/tháng), thay vì 1 lần mức chuẩn như quy định trước đây. Riêng với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá nhưng vẫn nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha, mẹ đẻ của liệt sĩ khi còn sống, sẽ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và được hỗ trợ về Bảo hiểm y tế.

3 mức độ rủi ro với người nộp thuế là cá nhân

Thông tư 31/2021/TT-BTC về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 2/7/2021. Theo đó, phân loại rủi ro người nộp thuế là cá nhân có 3 mức độ sau: rủi ro cao; rủi ro trung bình, rủi ro thấp. Căn cứ vào danh sách người nộp thuế là cá nhân phân loại theo các mức rủi ro trên, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp đối với: hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (không bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh); Cá nhân có các khoản thu liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Dừng cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú

Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7. Trong đó điểm nổi bật nhất là quy định về việc thay đổi phương thức quản lý cư trú từ truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý bằng số hóa. Cụ thể, đối với đăng ký thường trú, thay vì cấp sổ hộ khẩu, khi công dân đủ điều kiện để đăng ký thường trú thì cơ quan đăng ký cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Còn đối với đăng ký tạm trú, thay vì cấp sổ tạm trú, khi công dân đủ điều kiện để đăng ký tạm trú thì cơ quan đăng ký có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú. Do đó, kể từ ngày 1/7, sẽ dừng cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; đối với sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Thủ tục làm căn cước công dân có nhiều điểm mới

Ngày 1/7/2021 cũng là thời điểm có hiệu lực của một số văn bản liên quan đến Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, cụ thể là Thông tư số 59/2021 và Thông tư số 60/2021 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 1/7/2021). Với hai Thông tư này, quy trình, thủ tục cấp CCCD gắn chip có nhiều điểm mới. Cụ thể, Bộ Công an yêu cầu thu hồi mọi CMND cũ (9 số, 12 số) khi người dân làm thủ tục đổi sang CCCD gắn chip. Trong khi trước đây, chỉ thu hồi với CMND bị hỏng, bong tróc, không rõ nét, còn các trường hợp khác thì chỉ bị cắt góc và được trả lại cho người dân. Ngoài ra, mã QR Code trên thẻ CCCD chứa thông tin về số CMND cũ của người dân. Do đó, người dân không cần phải xin Giấy xác nhận số CMND và cung cấp khi làm các thủ tục, giao dịch sử dụng số CMND cũ như trước đây, trừ trường hợp mã QR Code không có thông tin về số CMND. Đặc biệt, người dân chính thức được làm CCCD ở nơi tạm trú từ ngày 1/7/2021, thay vì phải về nơi thường trú như trước đây.

Không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng

Nghị định số 55/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực từ ngày 10/7 tới đây.

Theo đó, trường hợp vi phạm quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, Nghị định 55 đã bổ sung mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo công tác thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về cơ quan phê duyệt phương án và cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương theo quy định; không báo cáo cơ quan phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp có sự điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Ngoài ra, quy định mới cũng sửa đổi phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các hạng mục công việc phải thực hiện trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định, trừ trường hợp thuộc đối tượng phải lập lại báo đánh giá tác động môi trường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật