Góp ý dự thảo Đề án Cơ cấu lại DNNN: Lo phát sinh chi phí, thiếu thông tin dự án thua lỗ

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thí điểm mô hình doanh nghiệp cổ phần do các cổ đông là tổ chức kinh tế, DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ có làm phát sinh chi phí? Tình hình xử lý các dự án thua lỗ ra sao?… là những ý kiến đóng góp đối với dự thảo Đề án Cơ cấu lại DNNN.
Góp ý dự thảo Đề án Cơ cấu lại DNNN: Lo phát sinh chi phí, thiếu thông tin dự án thua lỗ
Ảnh minh họa

Bản chất phần vốn sở hữu của Nhà nước không thay đổi

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề xuất, cần cân nhắc thêm một số vấn đề khi áp dụng thí điểm mô hình mô hình chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần do các cơ quan nhà nước nắm giữ 100% cổ phần. Cụ thể: thứ nhất, sau khi cổ phần hoá, các cơ quan nhà nước sẽ là cổ đông của doanh nghiệp (ví dụ: Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành, ...). Như vậy, ngoài chức năng quản lý nhà nước các cơ quan này sẽ thực hiện thêm chức năng quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Trong khi đó, quan điểm của Đảng, Chính phủ là tách bạch chức năng quản lý vốn nhà nước và chức năng quản lý nhà nước tại các bộ, ngành. Vì vậy, cần xem xét kỹ việc áp dụng thí điểm mô hình này có đi ngược lại quan điểm về tách bạch chức năng quản lý vốn nhà nước và chức năng quản lý nhà nước tại các bộ, ngành hay không.

Thứ hai, mặc dù doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa đã được chuyển thành công ty cổ phần, tuy nhiên về mặt bản chất thì vẫn là 100% vốn nhà nước. Do đó, mục tiêu huy động vốn của toàn xã hội thông qua việc chuyển một phần sở hữu Nhà nước sang sở hữu của các cổ đông và người lao động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là chưa đạt được.

Thứ ba, cách thức “cổ phần hoá” doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần do các cơ quan nhà nước nắm giữ 100% cổ phần sẽ thực hiện như thế nào? Có thực hiện như mô hình cổ phần hóa DNNN hiện nay hay không? Và như vậy, liệu có làm phát sinh thêm chi phí của Nhà nước trong khi bản chất phần vốn sở hữu của Nhà nước không thay đổi, chỉ thay đổi về mô hình tổ chức của doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng, dự thảo Đề án có nêu nội dung nhiệm vụ nghiên cứu cơ chế thí điểm chuyển đổi một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động dưới hình thức công ty TNHH MTV sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần do cổ đông nhà nước nắm giữ 100% cổ phần. Tuy nhiên, phần giải pháp chưa có nội dung tương ứng, đề nghị bổ sung nội dung giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng, ban hành, hướng dẫn thực hiện cơ chế thí điểm mô hình chuyển đổi một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động dưới hình thức công ty TNHH MTV sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần do cổ đông nhà nước nắm giữ 100% cổ phần.

Theo Tổng công ty Viễn thông Mobifine, trong giai đoạn 2023 - 2025, mô hình triển khai cho những DNNN được lựa chọn cổ phần hóa như sau: Triển khai chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty TNHH MTV do nhà nước sở hữu 100% sang mô hình công ty cổ phần với các cổ đông nhà nước cho các DNNN này trong năm 2021 - 2022 (theo mô hình được Đề án đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho triển khai thí điểm).

Cùng với việc giao đơn vị/tổ chức có chức năng thực hiện thoái vốn nhà nước (đại diện phần vốn cần thực hiện chuyển đổi sở hữu) thực hiện xây dựng, triển khai phương án thoái phần vốn nhà nước tại DNNN được lựa chọn cổ phần hóa trong giai đoạn 2023 - 2025 theo đúng lộ trình được phê duyệt; Giao Cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện tại, Hội đồng thành viên DNNN, Tổ chức đại diện người lao động chủ trì, đơn vị/tổ chức có chức năng thực hiện thoái vốn nhà nước tại các DNNN chuyên nghiệp hỗ trợ triển khai thủ tục bán cổ phần của DNNN cho người lao động theo đúng quy định của Pháp Luật cổ phần hóa DNNN; đề xuất phương án xử lý số cổ phần người lao động không thực hiện mua hết (nếu có).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, công ty cổ phần do cổ đông nhà nước nắm giữ 100% cổ phần là mô hình mới, chỉ nên áp dụng hạn chế trong một số trường hợp và cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng (như nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế; phương pháp thực hiện chuyển đổi, xác định số lượng, cơ cấu và đối tượng cơ quan là cổ đông nhà nước cho phù hợp với quy định của Pháp Luật; đánh giá khả năng áp dụng thí điểm tại một hoặc một số DNNN hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng, cần có sự hiện diện của nhà nước...). Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề lý luận và yêu cầu từ thực tiễn, cần xây dựng văn bản quy phạm Pháp Luật có tính đặc thù điều chỉnh hoạt động của mô hình này.

Tiếp thu các ý kiến của các đơn vị, Bộ Tài chính cho biết, nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua về mặt chủ trương, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Đề án thí điểm mô hình chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% cổ phần, trong đó bao gồm các nội dung theo đề xuất của TKV. Cụ thể, về việc thực hiện chức năng quản lý vốn nhà nước tại các Bộ, ngành, hiện nay các Bộ, địa phương vẫn thực hiện chức năng là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý, trừ 19 Tập đoàn, Tổng công ty chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các doanh nghiệp chuyển giao về SCIC theo quy định.

Về việc huy động vốn của toàn xã hội thông qua việc chuyển một phần sở hữu của Nhà nước sang cổ đông khác, sau khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần do các cơ quan nhà nước nắm giữ 100% cổ phần, các doanh nghiệp này sẽ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, thực hiện trách nhiệm công khai, minh bạch như các công ty đại chúng trên sàn chứng khoán, chịu sự giám sát của thị trường. Sau khi hoạt động ổn định dưới mô hình công ty cổ phần, căn cứ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp này sẽ thực hiện IPO (bán cổ phần lần đầu), thoái vốn theo thông lệ. Việc thoái vốn này sẽ đảm bảo được chuẩn bị kỹ càng về mặt thời gian, chất lượng, cổ đông, đem lại hiệu quả cao hơn so với việc bán cổ phần lần đầu khi cổ phần hóa như hiện nay. Thời gian qua, các thương vụ thoái vốn thường đem lại hiệu quả cao hơn so với bán cổ phần lần đầu khi cổ phần hóa ví dụ như kết quả thoái vốn tại Sabeco, Vinamilk chiếm 50% tổng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 nộp vào NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội.

Bộ Tài chính sẽ xây dựng cơ chế phục vụ việc chuyển đổi theo mô hình này, về cơ bản sẽ chủ yếu là chuyển mô hình chủ sở hữu từ TNHH MTV sang công ty cổ phần trên cơ sở giá trị doanh nghiệp theo sổ sách kế toán và kiểm kê hàng năm và công bố theo quy định hiện hành (không thực hiện bán cổ phần ngay mà chuyển đổi hình thức của công ty trước, sau đó mới thực hiện bán cổ phần).

Nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua về mặt chủ trương, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Đề án thí điểm mô hình chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% cổ phần, trong đó bao gồm các nội dung theo đề xuất của TKV.

Cập nhật thông tin xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả

Ngoài ra, các ý kiến của Bộ Quốc phòng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước được Bộ Tài chính tiếp thu và bổ sung vào dự thảo Đề án. Cụ thể, về việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính sửa thành: “Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đã tiếp nhận, các Bộ, cơ quan có thẩm quyền còn chậm giải quyết xử lý các vướng mắc phát sinh như xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư của tập đoàn kinh tế, tổng công ty, về phân công, phân cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư;... làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước”. Đối với các nội dung này, kể từ khi thành lập đến nay, Ủy ban đã chủ động rà soát và đề xuất các giải pháp xử lý vướng mắc, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu Bộ Tài chính cập nhật thông tin sau, về cơ bản các Bộ/cơ quan: Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thanh tra Chính phủ đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 4269/QĐ-BCĐĐANCT.

Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan đã xử lý một số nội dung về cơ chế, chính sách như tạo điều kiện phát triển thị trường đối với một số sản phẩm công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tài chính, tín dụng; chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện các biện pháp về quản trị doanh nghiệp, sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, lao động để tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đầu tư; xác định trách nhiệm, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm nghiêm túc, quyết liệt; toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp đều đã được tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra ở các cấp độ khác nhau để phát hiện các sai phạm, vi phạm Pháp Luật của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Pháp Luật.

Tuy nhiên, các tập đoàn, tổng công ty còn chưa hoàn thành nhiều nhiệm vụ, trong đó tập trung vào nhiệm vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC, quyết toán hợp đồng EPC tại 5 dự án, doanh nghiệp. Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án 1468, một số dự án, doanh nghiệp đã có những chuyển biến nhất định: Có 1 dự án, doanh nghiệp có lãi và được đưa ra khỏi danh sách theo dõi của Ban Chỉ đạo; 6 dự án, doanh nghiệp duy trì vận hành sản xuất, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhưng vẫn lỗ lũy kế lớn; có 2 trên tổng số 7 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp vướng mắc EPC đã được giải quyết.

Mặt khác, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại như: 6 dự án, doanh nghiệp duy trì vận hành sản xuất nêu trên vẫn còn lỗ lũy kế rất lớn, thậm chí có dự án đứng trên bờ vực phá sản (do chi phí tài chính quá lớn); có 5 dự án dừng hoạt động, hoặc đầu tư dở dang ; còn 5 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc EPC mặc dù đã đàm phán nhiều lần với đối tác theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo nhưng vẫn chưa thành công.

Mặt khác, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại như: 6 dự án, doanh nghiệp duy trì vận hành sản xuất nêu trên vẫn còn lỗ lũy kế rất lớn, thậm chí có dự án đứng trên bờ vực phá sản (do chi phí tài chính quá lớn); có 5 dự án dừng hoạt động, hoặc đầu tư dở dang ; còn 5 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc EPC mặc dù đã đàm phán nhiều lần với đối tác theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo nhưng vẫn chưa thành công.

Hiện nay, trên cơ sở thống nhất tại phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo, ngày 24/12/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3554/VPCP-KHTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo về việc đồng ý đưa ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo theo Quyết định 1468 đối với 3 Dự án: Nhà máy DAP-1 Hải Phòng, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước”.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị dự thảo Đề án cập nhật, bổ sung nội dung, các khoản vay của 12 dự án yếu kém thuộc ngành công thương đã được các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về tài chính như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất vay và tiếp tục cho vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất đối với khoản vay tại Ngân hàng phát triển Việt Nam VDB chưa thực hiện được. Do vậy, việc xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 12 dự án yếu kém thuộc ngành công thương chưa đảm bảo tính tổng thế, đồng bộ vừa chưa có được những kết quả thực sự tích cực.

Góp ý đối với dự thảo Đề án, Bộ Quốc phòng cho rằng, cần ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ, đặc thù đối với quân đội như chính sách tháo gỡ, vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế; Cơ chế hỗ trợ từ nguồn thu từ sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động kinh tế; cơ chế xử lý tài chính để giữ lại các địa điểm trồng cây cao su tại Lào, Campuchia phục vụ nhiệm vụ quân sự quốc phòng; cơ chế công nhận doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp phục vụ quốc phòng an ninh cho phù hợp với đạc thù quân đội.

Ban soạn thảo cũng cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật đối với các hoạt động của doanh nghiệp làm cơ sở để quản lý, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp; Triển khai cơ cấu lại các doanh nghiệp thành viên để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực; tránh cạnh tranh nội bộ theo hướng sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp thành viên kinh doanh cùng ngành nghề.

Ngoài việc tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp trên tất cả các mặt phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sức cạnh tranh và phát triển bền vững, cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật