Bảo vật quốc gia ’Cửu đỉnh’

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ngày này Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế đang dập bản các hình ảnh hoa văn trên Bảo vật quốc gia “Cửu đỉnh“ để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.
Bảo vật quốc gia ’Cửu đỉnh’
Ảnh minh họa

"Cửu đỉnh" là 9 chiếc đỉnh đồng to lớn được vua Minh Mạng cho đúc vào năm 1835, với hơn 20.000 kg đồng, chì, kẽm. Năm 2012, "Cửu đỉnh" được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế đang xây dựng hồ sơ gửi UNESCO đề xuất công nhận "Cửu đỉnh" là di sản tư liệu thế giới. Trong đó, để sao chép hình ảnh hoa văn trên "Cửu đỉnh" làm tư liệu, cán bộ Trung tâm tiến hành dập bản nhằm lưu lại hình ảnh hoa văn nguyên gốc, bên cạnh chụp ảnh.

"Cửu đỉnh" được đặt ở phía trước Thế Tổ miếu ứng với 9 gian thờ của các vua triều Nguyễn.

Đặt chính giữa sân là Cao đỉnh, tượng trưng cho miếu hiệu Cao Thế tổ hoàng đế Gia Long, người sáng lập ra triều Nguyễn.

Mỗi chiếc đỉnh đều cao khoảng từ 2,3 đến 2,5 m, được đúc với thiết kế quai và chân riêng biệt. Trọng lượng mỗi đỉnh từ 3.200 kg đến hơn 4.300 kg. Trên thân đỉnh, các dòng ghi chú bằng tiếng Hán về niên đại, trọng lượng và tên đỉnh, kèm theo hình tượng chạm nổi về núi sông, văn vật nước Đại Nam trong thế kỷ XIX.

Hàng bên trái Cao đỉnh lần lượt là: Nhân đỉnh đối diện với án thờ vua Minh Mạng; Anh đỉnh đối diện với án thờ vua Tự Đức; Thuần đỉnh đối diện với án thờ vua Đồng Khánh; Dũ đỉnh đối diện với án thờ vua Hàm Nghi.

Hàng bên phải Cao đỉnh gồm: Chương đỉnh dối diện với án thờ vua Thiệu Trị; Nghị đỉnh đối diện với án thờ vua Kiến Phúc; Tuyên đỉnh đối diện với án thờ vua Khải Định; Huyền đỉnh đối diện với án thờ vua Duy Tân.

Trên "Cửu đỉnh" được đắp 153 hình ảnh chạm nổi, trong đó mỗi đỉnh đều được đắp 17 hình ảnh về sông núi, chim thú, cảnh vật nước Đại Nam trong thế kỷ XIX.

Cán bộ Phòng nghiên cứu đắp giấy dó lên các hình ảnh hoa văn trên "Cửu đỉnh", sau đó chấm mực lên bề ngoài. Mực từ từ sẽ thấm vào bên trong, hình ảnh hoa văn sẽ hằn lên giấy dó.

Anh Võ Vinh Quang, cán bộ Phòng nghiên cứu, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết, việc dập bản nguyên gốc 1-1 các hoa văn chạm nổi trên giấy dó lưu trữ chính xác các chi tiết, đề phòng trường hợp các bản gốc bị hư hại, mòn mờ...

Khi mực khô sau khoảng 10 phút, cán bộ nghiên cứu tiến hành bóc tách bản sao.

Hình ảnh núi Thiên Thọ ở xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, trên Cửu đỉnh được sao trên giấy dó. Quần thể núi Thiên Thọ là nơi vua Gia Long đặt lăng mộ của mình.

Hiện Thừa Thiên Huế có 5 di sản thế giới gồm quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993; Nhã nhạc, âm nhạc cung đình Việt Nam được công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003; Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới vào năm 2009; Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới vào năm 2014 và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu thế giới vào năm 2016.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật