Các địa phương miền núi: Mới đầu mùa khô đã lo thiếu nước

Kem Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tuy mới bước vào đầu mùa khô, nhưng nhiều địa phương thuộc các huyện miền núi trong tỉnh đã rơi vào tình trạng thiếu nước diện rộng. Với diễn biến phức tạp của thời tiết, cộng với sự suy giảm rõ rệt về nguồn nước, mùa khô năm nay dự báo sẽ rất khốc liệt.
Các địa phương miền núi: Mới đầu mùa khô đã lo thiếu nước
Ảnh minh họa

Khô hạn đến sớm

Từ sau tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay, nắng nóng bắt đầu trở nên gay gắt tại các địa phương miền núi. Hiện mực nước sông, suối cũng giảm dần, mực nước các hồ đập cũng đồng loạt giảm từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2020. Hạn đến sớm đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. 

Mực nước giếng xuống thấp, người dân thôn Nước Giáp, xã Ba Khâm (Ba Tơ) phải dùng gầu để múc.Tại huyện miền núi Ba Tơ, những ngày cuối tháng 5, nắng như đổ lửa. Mặc dù thời gian qua, huyện đã đầu tư nhiều công trình cấp nước sạch nhằm đáp ứng nguồn nước sinh hoạt cho người dân địa phương, nhưng tình trạng thiếu nước vào mùa nắng vẫn là bài toán khó giải. Bà Phạm Thị Hia, ở xã Ba Khâm (Ba Tơ) chia sẻ: “Nắng kéo dài làm mấy cái giếng cũng cạn nước, buộc người dân trong làng phải đi tìm khe suối để lấy nước về uống và sinh hoạt. Nhưng để đưa được nước về đến nhà, nhiều hộ dân phải tận dụng từng bình chứa, vượt quãng đường khá dài nên rất vất vả”.

Tương tự, các xã Ba Trang, Ba Vinh, Ba Liên (Ba Tơ)... cũng đang “khát nước” vào mùa nắng. Chủ tịch UBND xã Ba Trang Phạm Văn Mang cho biết: Vấn đề thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng thì năm nào cũng xảy ra. Song năm nay, dự báo tình trạng này sẽ căng thẳng hơn, nên địa phương đã tuyên truyền để người dân sử dụng nước tiết kiệm.

Tại huyện Sơn Hà, hạn cũng đến sớm hơn các năm. Toàn huyện hiện có 62 công trình nước sinh hoạt tự chảy, do các hợp tác xã quản lý, vận hành. Ngoài việc phục vụ nước sinh hoạt, thì đây cũng là một trong những nguồn nước có thể sử dụng bổ sung nước tưới cho một số loại cây trồng. Tuy nhiên, nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp, dẫn đến mất năng lực cấp nước, nhưng huyện chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa, khắc phục.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long, hạn hán đang xảy ra trên diện rộng tại hầu hết các xã, thị trấn của huyện. Hiện nay, huyện có 2 hồ chứa nước, 65 đập dâng, 6 tuyến kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó hồ Đồng Giang còn dưới 50% dung tích và hồ Nước Bạc còn dưới 20% dung tích, nên không đủ nước tưới.

Nỗ lực chống hạn

Để ứng phó với hạn hán trong mùa khô năm 2021, huyện Sơn Hà đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống hạn ngay từ đầu năm. Trong đó, tập trung sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh mương bị thiệt hại do mưa bão năm 2020 gây ra; đắp các đập bổi để tích nước; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với diễn biến thời tiết; triển khai khoan giếng, nhất là ở các khu tái định cư; kêu gọi người dân sử dụng nước tiết kiệm...

Không chỉ huyện Sơn Hà mà nhiều địa phương khác ở miền núi cũng đã tính toán, lên phương án đào, khoan giếng để lấy nước ngầm. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi chi phí cho việc đào, khoan giếng nước ở miền núi là khá lớn, trong khi việc khảo sát, tìm kiếm địa điểm cũng gặp không ít khó khăn. Một số nơi, khi triển khai đào, khoan giếng thì gặp trở ngại, do địa chất vùng núi có nhiều đá, mạch nước ngầm suy giảm, không đủ cung cấp. Phương án phổ biến nhất vẫn là tìm khe suối đầu nguồn, sau đó dẫn nước về bằng đường ống tự chảy. Song cái khó là, đường ống thường xuyên bị tắc nghẽn sau mỗi trận mưa, chưa kể ống bị vỡ, bồi lấp, cuốn trôi...

Theo ý kiến của một số ngành, địa phương, việc mở rộng diện tích rừng sản xuất đã tác động rõ rệt đến nguồn nước, có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng trong những năm gần đây. Vì thế, bảo vệ rừng được xem là giải pháp hữu hiệu nhất trong việc duy trì nguồn nước ngầm.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật