Austin Russell - tỷ phú 26 tuổi xây dựng tương lai xe tự lái

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Austin Russell là người sáng lập kiêm CEO Luminar Technologies - công ty chuyên sản xuất cảm biến LiDAR cho xe tự lái.
Austin Russell - tỷ phú 26 tuổi xây dựng tương lai xe tự lái
Austin Russell. Ảnh: Luminar.

Ngày 3/12/2020, Luminar Technologies được niêm yết trên Nasdaq thông qua một doanh nghiệp đi mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC). Russell từ đó "trở thành tỷ phú chỉ sau một đêm" khi mới 25 tuổi và cũng là một trong những tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới. Ông hiện sở hữu khối tài sản ròng trị giá 2,6 tỷ USD, xếp thứ 1.299 trong bảng xếp hạng tỷ phú 2021 của Forbes.

Bỏ học để khởi nghiệp

Russel sinh vào "ngày số Pi" 14/3/1995 tại California (Mỹ). Từ thuở bé, ông đã bộc lộ tố chất thần đồng. Ông thuộc lòng bảng tuần hoàn các nguyên tố vào tuổi lên hai. Khi học lớp 6, ông tự mình biến máy chơi game Nintendo DS thành điện thoại di động do không được cha mẹ cho mua điện thoại. Năm 13 tuổi, ông đăng ký bản quyền sáng chế đầu tiên - hệ thống tái chế nước ngầm.

Với tài năng vượt trội, Russel bỏ qua cấp ba, vào thẳng Đại học California. Năm 2012, ông chuyển sang chuyên ngành Vật lý tại Đại học Stanford.

Khi chỉ mới "chân ướt chân ráo" đến Đại học Stanford, Russell nhận được khoản đầu tư trị giá 100.000 USD từ tỷ phú Peter Thiel. Ông bỏ học và thành lập Luminar Technologies - công ty chế tạo cảm biến cho xe tự hành có trụ sở tại Thung lũng Silicon - khi mới 16 tuổi. Thiel cũng là cố vấn của công ty này.

Trong một buổi phỏng vấn với Alejandro Cremades, Russell cho biết, số tiền 100.000 USD chỉ là bước khởi đầu. Tiềm năng của Luminar đã giúp công ty huy động được hơn 250 triệu USD từ các nhà đầu tư khác sau đó, gồm The Westle Group, Canvas Ventures, Moore Capital, 1517 Fund, GVA Capital, Invariantes Fund và Corning.

Chọn hướng đi riêng

Chia sẻ với Verge cuối năm ngoái, Russell nói rằng ông đã nhận thấy tiềm năng của xe tự lái khi còn thiếu niên và ôm mộng phát triển lĩnh vực này. Đó cũng là lý do khiến ông quyết định bỏ học khi tỷ phú Thiel đề nghị đầu tư.

"Tất cả bắt đầu từ niềm đam mê về mọi thứ có thể chuyển động của tôi", Russell nói. "Tôi nhận ra rằng các hệ thống dựa trên quang học và quang tử sẽ tạo ra sự khác biệt cho công nghệ hiện đại. Tôi thấy chúng có cơ hội lớn khi ứng dụng cho các phương tiện tự hành".

Nhìn ra tương lai của xe tự lái, nhưng Russell không chọn hướng phát triển toàn bộ chiếc xe, thay vào đó, ông hoàn thiện cảm biến nhận diện - một lĩnh vực mới mẻ nhưng là điểm cốt lõi của bất cứ một hệ thống xe tự lái nào. Giới chuyên gia cho rằng hướng đi của Russell rất khôn ngoan, bởi lựa chọn này vừa giúp Luminar có lợi thế rất lớn do đi đầu, vừa tránh đối đầu trực tiếp với những "ông lớn" như Alphabet (Google) hay GM.

Khác với các công ty khác, như Tesla, dùng hệ thống camera gắn ngoài, Russell tập trung vào công nghệ "phát hiện ánh sáng và phạm vi" (LiDAR) dựa trên tia laser. Cảm biến LiDAR do Luminar sản xuất làm nhiệm vụ phát hiện vật thể xung quanh nhờ chiếu tia laser vào chúng, sử dụng xung ánh sáng để tạo bản đồ 3D về môi trường của ôtô, cho phép ôtô xác định hướng đi tốt nhất và tránh chướng ngại vật.

Luminar đã dành gần 6 năm để phát triển kỹ thuật và sản xuất tất cả thành phần chính của hệ thống LiDAR, từ cấp chip trở lên. Việc chọn phát triển cảm biến LiDAR cũng vấp phải một số ý kiến trái chiều, do hệ thống dạng này khó về kỹ thuật và giá thành đắt đỏ.

Tuy nhiên, Luminar đã có nhiều nâng cấp cho hệ thống cảm biến của mình, đặc biệt là về khả năng nhận diện vật thể từ xa. Chia sẻ với Verge, Russell cho biết cảm biến do công ty ông sản xuất có thể phát hiện chướng ngại vật từ khoảng cách 250 mét - một bước đột phá trên cảm biến xe tự lái hiện nay.

Đến nay, cảm biến LiDAR cho ôtô của Luminar được nhiều công ty ôtô lớn tin dùng, trong đó có Volvo, Toyota và Mobileye của Intel. Doanh thu công ty năm 2020 đạt 15 triệu USD. Giới chuyên gia dự đoán Luminar có thể đạt doanh thu 1,3 tỷ USD vào năm 2026.

Tháng 12/2020, Luminar lên sàn chứng khoán, giúp Russel trở thành tỷ phú. Ở độ tuổi 26, Russel là tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới trong danh sách của Forbes 2021, cùng với những người trong độ tuổi dưới 30 khác là Andy Fang, Stanley Tang và Sam Bankman-Fried. Cả bốn đều là những cái tên lần đầu lọt top tỷ phú năm 2021.

Tinh thần tự học

Russell xuất thân là người làm kỹ thuật. Ông không thừa hưởng tài sản từ gia đình, không học phổ thông, bỏ dở chương trình đại học và cũng không qua bất cứ trường lớp đào tạo kinh doanh nào. Bí quyết thành công của ông là tinh thần học hỏi.

Trong chia sẻ với báo giới, Russell cho biết phần lớn kiến thức của mình đến từ Internet, chủ yếu là tự học qua Wikipedia, YouTube và các website học trực tuyến. Khác với những người trong độ tuổi 20, ông không có tài khoản mạng xã hội như Twitter hay Instagram.

Alec Gores, người trợ lý phụ trách việc niêm yết cổ phiếu của Luminar, nhận xét rằng Russell "hiểu biết về mọi thứ và cực kỳ chủ động trong các cuộc đàm phán". Ông cũng thường xuyên trau dồi kiến thức trước những cuộc gặp quan trọng với đối tác bằng cách tự đọc sách và tham khảo Internet để thuận tiện hơn trong việc đàm phán nâng cao giá trị công ty.

"Bạn chẳng cần phải chờ đến tuổi trưởng thành, đợi tích trữ vốn và bước qua tuổi 25 rồi mới khởi nghiệp. Chúng ta hoàn toàn có thể làm điều đó sớm hơn. Đó là cách để tìm ra con đường mà chưa ai từng đi trước đây", Russell chia sẻ cuối năm ngoái.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật