Đằng sau những tấm HCV môn đua thuyền

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
’Sinh sau đẻ muộn’ so với nhiều môn thể thao khác, đua thuyền (Canoeing) Quảng Ninh vượt khó, giành được nhiều thành tích vàng, đóng góp nhiều VĐV có tiếng cho tuyển quốc gia.
Đằng sau những tấm HCV môn đua thuyền
Tết vắng nhà, các VĐV đua thuyền Quảng Ninh khai xuân sớm, tập luyện tại Khu huấn luyện đua thuyền Sông Giá (Thủy Nguyên, Hải Phòng) để có môi trường tập luyện tốt, cải thiện thành tích.

Ông Lương Bình Quảng, Giám đốc Trung tâm Tập luyện và Thi đấu TDTT tỉnh chia sẻ: Tết cố truyền vừa qua, các VĐV đua thuyền đã phải tập luyện, ăn tết xa nhà và khai xuân rất sớm, từ mùng 4 Tết. Không chỉ bởi dịch mà bởi cần chuẩn bị tích cực cho các giải sắp tới, vì môi trường tập luyện tốt. Tuy “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều môn khác và gặp nhiều khó khăn nhưng đua thuyền đã đem lại thành tích đáng tự hào, nhờ sự nỗ lực của HLV, VĐV.

Nghe câu chuyện này, chắc hẳn nhiều người thắc mắc đặt câu hỏi: Quảng Ninh có vùng biển rộng, nhiều vùng vịnh kín, sông hồ... Sao lại thiếu không gian tập luyện? Quả thật vậy, bởi trên thực tế Quảng Ninh rất hiếm sông, hồ nước ngọt rộng, lặng để tập môn đua thuyền và khi thi đấu là ở trong môi trường nước ngọt.

Môn đua thuyền (Canoeing) được lãnh đạo Sở TDTT (nay là Sở VH - TT) giao cho Trung tâm Lặn cứu nạn và Thể thao dưới nước tỉnh (nay sáp nhập vào Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh) đưa vào hệ thống huấn luyện và đào tạo VĐV từ cuối năm 2006. Và ngay từ những ngày đầu, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, có lẽ môi trường tập luyện là điều khó khăn nhất, ảnh hưởng tới công tác huấn luyện, thành tích VĐV nhất.

Vì vậy, mới có câu chuyện từ ban đầu, các VĐV môn này đã phải tập "chay" luyện thể lực, hoặc tập ở môi trường nước mặn. Theo phân tích chuyên môn, tập luyện trong môi trường nước mặn, thuyền nổi, chèo nhẹ hơn, lại chịu ảnh hưởng các yếu tố sóng gió, thủy triều. Vì thế, thành tích sẽ "ảo". Trước những năm 2015, trước các giải đấu, đội thường xin đi tập huấn hè 2 tháng tại CLB Đua thuyền Hà Nội. Đây là dịp điều chỉnh, nâng cao thành tích, gọt giũa được những VĐV tiềm năng hoặc chuẩn bị tích cực cho các giải đấu. Bởi lúc này các VĐV sẽ có các chuyến tập huấn ở môi trường tập luyện tốt.

Dù mới mẻ nhưng từ năm 2009, đua thuyền đã khẳng định mình, đã gặt hái vàng. Đó là những tấm HCV vô địch trẻ và HCB Quốc gia năm 2009, HCV Đại hội TDTT toàn quốc 2010 và bước đầu khẳng định thế mạnh của đua thuyền Quảng Ninh tại các giải vô địch quốc gia.

Để khắc phục được những hạn chế môi trường tập luyện, từ 2016 - 2020, bộ môn đã đề xuất xin kinh phí tập huấn 3 - 4 tháng tại Khu huấn luyện Đua thuyền Sông Giá (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Để có môi trường tập luyện tốt thường xuyên, bộ môn đã “lấy ngắn nuôi dài”, linh hoạt nguồn hỗ trợ, tiết kiệm để kéo dài thời gian huấn luyện. Chính vì thế mới có câu chuyện các VĐV và HLV Quảng Ninh lại thường xuyên xa nhà, "cắm chốt" tại đây.

HLV Đỗ Văn Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm, phụ trách bộ môn đánh giá: Không chỉ được tập luyện trong môi trường tốt, tại khu tập luyện này các VĐV Quảng Ninh còn được va chạm, học hỏi kinh nghiệm từ các VĐV giỏi, các tuyển thủ quốc gia tập trung về đây. Các VĐV có động lực, ý thức tập luyện nâng cao khả năng, thành tích bản thân.

Có thể thấy nhờ đó, các VĐV đua thuyền Quảng Ninh đã phát huy hết được khả năng của mình trong tập luyện cũng như trong thi đấu và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận.“Bảng vàng” thành tích chèo thuyền cũng được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần VII (năm 2014) tại Nam Định môn đua thuyền đã thi đấu thành công đạt 9 huy chương (4 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ), góp phần vào 14 HCV tại Đại hội TDTT và đưa đoàn Quảng Ninh xếp 14/65 tỉnh thành, ngành trên toàn quốc. Tiếp nối tại Đại hội TDTT toàn quốc thứ VIII (năm 2018), đua thuyền đoạt 8 huy chương (4 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ), góp phần đưa Quảng Ninh xếp 12/65 các tỉnh, thành, ngành.

Đua thuyền Quảng Ninh đoạt HCV - K4 Giải Vô địch quốc gia 2020 và khẳng định tên tuổi tại nhiều giải lớn khác.

Năm 2020, đua thuyền tham gia thi đấu 4 giải toàn quốc, đạt tổng số 50 huy chương (gồm 14 HCV, 12 HCB, 22 HCĐ), trong đó giải vô địch quốc gia đạt 10 huy chương (3 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ) và đóng góp 3 VĐV cho đội tuyển đua thuyền quốc gia và 2 VĐV cho đội tuyển trẻ đua thuyền quốc gia. Qua đó, khẳng định tên tuổi đua thuyền Quảng Ninh, đặc biệt, thế mạnh ở các nội dung thuyền đôi K2 và thuyền 4 K4. Qua đó, đóng góp nhiều VĐV giỏi cho các đội tuyển quốc gia để làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế điển hình như: Vũ Thị Linh, Đinh Thị Trang, Lường Thị Dung, Nguyễn Thị Đào...

Trên bình diện quốc tế, năm 2015 tại SEA Games 28 ở Singapore, đua thuyền Quảng Ninh có VĐV Vũ Thị Linh tham gia thi đấu trong thành phần đội tuyển đua thuyền Canoeing quốc gia và đạt 1 HCĐ. Năm 2019, tại giải đua thuyền vô địch và vô địch trẻ Đông Nam Á (Thái Lan), đua thuyền tỉnh góp mặt 3 VĐV là Đinh Thị Trang, Lường Thị Dung và Nguyễn Thị Đào thi đấu và đạt 10 huy chương (8 HCV, 2 HCB).

Có thể thấy, "cái khó" đã giúp các VĐV, HLV đua thuyền nỗ lực, sáng tạo hơn, khẳng định tên tuổi của mình. Tuy vậy, cho tới thời điểm này, môn đua thuyền còn nhiều khó khăn về môi trường, phương tiện tập luyện cần sự quan tâm, đầu tư thích đáng cho bộ môn đóng góp nhiều "vàng" hơn cho thể thao Quảng Ninh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật