Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đang ở đâu?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đang suy yếu nghiêm trọng khi F-16 không thể nâng cấp, F-35 bị chặn, TF-X lâm vào bế tắc...
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đang ở đâu?
Ảnh minh họa

Các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị loại biên dần trong 10 đến 15 năm nữa. Hiện tại, chính quyền Ankara cũng đã bị loại khỏi chương trình chế tạo máy bay chiến đấu đa quốc gia (Joint Strike Fighter Program - JSF) F-35 do Mỹ dẫn đầu và đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quân sự của Mỹ.

Vậy Ankara có thể làm gì để duy trì hỏa lực trên không? Máy bay chiến đấu của Nga dường như là lựa chọn duy nhất khả thi, nhưng thậm chí điều đó cũng có thể đến quá muộn.

Không quân Thổ Nhĩ Kỳ xuống cấp sau cuộc đảo chính 2016

Quân đội lớn thứ hai của NATO có lực lượng không quân có sức mạnh răn đe cả trong và sau chiến tranh Lạnh. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TuAF) được xếp hạng là cường quốc không quân lớn thứ 21 trên thế giới.

Thế nhưng, khoảnh khắc định mệnh trong lịch sử của lực lượng này là vào ngày 15 tháng 7 năm 2016, khi các máy bay phản lực F-16 Fighting Falcon của TuAF đã ném bom vào các mục tiêu được chỉ định ở Ankara, bao gồm cả tòa nhà quốc hội, như một phần của cuộc đảo chính bất thành chống lại Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Cuộc đảo chính đã dẫn đến hàng chục nghìn cuộc thanh trừng trong các văn phòng chính phủ, bao gồm hàng nghìn sĩ quan quân đội, đặc biệt là trong lực lượng không quân.

Số lượng tướng trong TuAF giảm từ 72 trước cuộc đảo chính bất thành xuống còn 44 sau đó, lực lượng này cũng nhanh chóng mất một nửa lực lượng phi công - từ 1.350 xuống còn 680.

Thêm vào đó, đơn từ chức và nghỉ hưu của các phi công TuAF sau cuộc thanh trừng, đã đưa số phi công xuống còn dưới 400 người và tiếp tục làm suy yếu khả năng chỉ huy và tác chiến của lực lượng này. Thậm chí, TuAF đã phải tuyển dụng các phi công Pakistan để bay các nhiệm vụ của F-16.

Việc Ankara mua sắm hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tầm xa S-400 Triumf do Nga sản xuất đã gây nguy hiểm cho sức mạnh tương lai của TuAF.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống S-400 và việc nước này bị loại khỏi chương trình JSF vào năm 2019 sẽ mang lại gánh nặng thêm 500-600 triệu USD cho chu trình sản xuất F-35. Nó sẽ tiêu tốn của các nhà sản xuất hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ gần 10 tỷ USD trong 10 năm tới.

Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng chủ yếu là tiêm kích F-16 và F-4 của Mỹ

Nhưng còn chi phí hoạt động tiềm tàng đối với một quốc gia chống lại các cuộc chiến tranh phi đối xứng cả trong và ngoài nước thì sao?

TuAF vận hành các phi đội máy bay nòng cốt là F-16 Fighting Falcon thế hệ thứ tư do Mỹ chế tạo và những chiếc F-4 Phantom II cũ hơn trong các chiến dịch chống lại các tay súng ly khai người Kurd ở phía đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ở miền bắc Iraq và Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên bắt đầu mua F-16 từ Mỹ vào cuối những năm 1980 và đã được cấp phép sản xuất máy bay chiến đấu mang tính biểu tượng, trở thành một trong năm quốc gia sản xuất loại máy bay này trong nước.

Hiện nay, TuAF có tổng cộng 270 máy bay F-16C/D trong biên chế, tất cả đều là kiểu Block 30/40/50. Các phiên bản này đều chưa đủ tốt và hầu hết các máy bay này sẽ phải loại bỏ dần trong vòng 10 đến 15 năm tới, tùy thuộc vào việc nâng cấp của chúng.

Thổ Nhĩ Kỳ không thể sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 5

Thời hạn sắp đến, nhưng đã xuất hiện những biến cố lớn đối với chương trình nâng cấp sức mạnh của TuAF.

Hai năm sau cuộc đảo chính (2018), hầu hết các vết thương đã lành và lực lượng không quân mong muốn khôi phục lại uy lực của mình với kế hoạch mua sắm hơn 100 chiếc máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới đang được chế tạo, đó là tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Loockhed Martin F-35 Lightning II.

Giữa một cấu trúc chỉ huy mới và một chương trình nâng cấp sức mạnh mới tràn đầy hy vọng, mọi thứ dường như đang đi đúng hướng.

Vào thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên của chương trình chế tạo máy bay chiến đấu tấn công đa quốc gia (JSF) do Mỹ đứng đầu, đang chế tạo F-35 Lightning II. Trước đó, vào tháng 5 năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đặt mua hai máy bay F-35 đầu tiên mà không thể biết rằng, 6 năm sau họ sẽ không nhận được chúng.

Bằng cách hợp tác trong chương trình máy bay lớn nhất thế giới, Ankara đã có được quyền tiếp cận quan trọng đến các công nghệ hàng không vũ trụ chiến lược và khi chương trình F-35 yêu cầu cung cấp gần 1.000 bộ phận cấu thành của máy bay, ngành hàng không quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã có đà phát triển mạnh mẽ.

Vào ngày 14 tháng 12 năm 2020, Mỹ thông báo rằng họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ “Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt” (CAATSA) vì đã mua hệ thống S-400 Triumf của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Mỹ loại khỏi chương trình JSF

Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Mỹ sẽ cấm tất cả các giấy phép và ủy quyền xuất khẩu cho cơ quan mua sắm quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ (SSB) đồng thời ban hành các hạn chế về tài sản và thị thực đối với Ismail Demir, chủ tịch SSB và các quan chức công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khác.

Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không tiếp tục nâng cấp cho phi đội F-16 hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ.

Phải nói rằng, đây không phải là một mối đe dọa lớn trước mắt đối với TuAF. Ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp cho F-16 những nâng cấp về cấu trúc, Công nghiệp động cơ Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa ra các giải pháp sửa chữa và bảo dưỡng động cơ và chuyên gia điện tử quân sự của Tập đoàn Aselsan có thể hiện đại hóa hệ thống điện tử hàng không khi được yêu cầu.

Nếu cần, các cấu kiện của F-16 cũng có thể được cung cấp một cách kín đáo bởi Pakistan, một đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế nhưng, đây không phải là giải pháp lâu dài. Chương trình riêng của Thổ Nhĩ Kỳ về thiết kế, phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu bản địa đầu tiên của họ là TF-X, không có tiến triển nào quan trọng. Chương trình chế tạo tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị mắc kẹt trong giai đoạn thiết kế sơ bộ, không có tùy chọn động cơ đáng tin cậy để cung cấp lực đẩy cho máy bay.

Như vậy, có thể phải mất hàng thập kỷ nữa [hoặc vô thời hạn] các phi công Thổ Nhĩ Kỳ mới có cơ hội thực sự lái chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 5 mà các kỹ sư của họ trước đây đã hy vọng sẽ thành công vào năm 2023.

Mua sắm của Nga càng khoét sâu mâu thuẫn với Mỹ-NATO

F-35 bị Mỹ cấm tiếp cận, TF-X dường như đã đi vào ngõ cụt. Điều đó khiến Thổ Nhĩ Kỳ không có cách nào sở hữu các chiến đấu cơ thế hệ 5, trong khi cũng không thể nâng cấp thế hệ 4. Do đó, chính quyền Ankara sẽ phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài khác.

Các tùy chọn là gì? Giải pháp nhờ Thụy Điển (Tập đoàn Saab’s Gripen, nhà chế tạo tiêm kích hạng nhẹ JAS 39 Gripen) hay Đức-Anh (chế tạo Eurofighter Typhoon) hay Pháp (chế tạo Rafale) đã không còn thực hiện được do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trung Quốc cũng vậy, vì Bắc Kinh vẫn giữ mối ác cảm với quyết định của Ankara về việc hủy bỏ hợp đồng trị giá 3,4 tỷ USD ban đầu cho các hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc vào năm 2013, trong chương trình mua sắm vũ khí phòng không (sau đó Ankara đã chọn S-400 do Nga sản xuất).

Mua sắm chiến đấu cơ Nga có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi NATO

Điều này khiến Nga trở thành nhà cung cấp tiềm năng duy nhất cho phi đội chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào năm 2019, một sĩ quan quân đội cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ nói với truyền thông: “Chúng tôi không thể không thay thế những chiếc F-35” và một quan chức mua sắm quốc phòng cho biết, những đánh giá địa-chiến lược sẽ khiến lựa chọn mua máy bay Nga trở thành sự thay thế tự nhiên đầu tiên.

Quan chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, công nghệ máy bay chiến đấu của Nga sẽ là lựa chọn đầu tiên tốt nhất nếu các Mỹ loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình chế tạo F-35.

Theo giới chức lãnh đạo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lựa chọn mua máy bay Nga là một khả năng lớn. Nếu như thương vụ S-400 Triumf được coi là “món khai vị” thì “món ăn chính” có thể là mua Su-35 thế hệ 4,5 của Nga, hoặc thậm chí là Su-57 thế hệ thứ năm.

Đây chính xác là những gì mà Tổng thống Nga Vladimir Putin hẳn đã lên kế hoạch khi lần đầu tiên ông vạch ra kế hoạch bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Đây có phải là một kết thúc có hậu cho TuAF? Không.

Việc trở thành quốc gia thành viên NATO đầu tiên sở hữu đội máy bay chiến đấu của Nga sẽ không chỉ phức tạp về mặt hậu cần-kỹ thuật, mà còn cả trong huấn luyện-đào tạo.

Các sĩ quan cấp cao của lực lượng không quân cho biết sẽ mất ít nhất một thập kỷ để TuAF vận hành máy bay Nga sau quá trình huấn luyện-đào tạo phi công và nhân viên kỹ thuật; xây dựng các cơ sở hậu cần, kỹ thuật; các bộ phận sửa chữa, bảo trì; cũng như thiết lập khả năng tương thích với radar.

Hơn nữa, nó còn là một sự khủng hoảng thực sự về mặt chính trị trong khối NATO. Sau khi mua S-400, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua máy bay Nga, tư cách thành viên NATO của nước này đứng trước nguy cơ lớn, quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ cũng không còn cứu vãn được nữa.

Với bước ngoặt thực sự về chính trị và ngoại giao, liệu ông Erdogan có đủ bản lĩnh để nâng cấp lực lượng không quân bằng chiến đấu cơ Nga? Rõ ràng, đây là vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ thực sự không hề mong muốn. Do đó, những khó khăn rất lớn đang chờ đợi TuAF trong tương lai.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật