Sức sống từ phố đi bộ, ẩm thực

Kem Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hình thành thêm những tuyến phố đi bộ sẽ góp phần tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn cho TP HCM, giữ chân du khách lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn
Sức sống từ phố đi bộ, ẩm thực
Đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đề án xây dựng tuyến phố đi bộ (PĐB) khu vực hồ Con Rùa và trên tuyến đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3, TP HCM) vừa được Ban Thường vụ Quận ủy quận 3 giao UBND quận xây dựng, đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nếu triển khai thành công, cùng với phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi viện... các tuyến PĐB mới này được kỳ vọng tạo thêm sự sống động về đêm cho du lịch TP.

Phố đi bộ "xịn", thúc đẩy du lịch cộng đồng đô thị

Theo ông Phạm Thành Kiên, Bí thư Quận ủy quận 3, để cụ thể hóa chương trình hành động "Chỉnh trang và phát triển đô thị", Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo UBND quận xây dựng 2 đề án: Xây dựng tuyến PĐB trên đường Nguyễn Thượng Hiền và khu vực hồ Con Rùa. Trong đó, đề án phố đi bộ khu vực hồ Con Rùa đang hoàn chỉnh để trình UBND TP thông qua chủ trương.

Theo ông Kiên, hồ Con Rùa là công trình nổi tiếng của TP HCM cần được tổ chức lại cho xứng tầm. Khu vực hồ Con Rùa sẽ được đầu tư, cải tạo thành PĐB chất lượng cao chứ không chỉ là khu vực kinh doanh bình thường như các khu khác. Ðối với PĐB Nguyễn Thượng Hiền ở phường 4, con đường này là nơi buôn bán thức ăn vặt và đa số thức ăn được đặt qua mạng xuất phát từ khu vực này. Ðịa điểm này cũng từng xuất hiện trên các tạp chí du lịch, diễn đàn du lịch nước ngoài. Vì vậy, tổ chức lại địa điểm này thành PĐB sẽ vừa bảo đảm chất lượng phục vụ tốt hơn vừa tạo điều kiện cho việc kinh doanh, phát triển kinh tế của người dân.

Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình đánh giá cao thiết kế ý tưởng xây dựng tuyến PĐB khu vực hồ Con Rùa, là nơi thiết chế văn hóa tốt cho người dân thụ hưởng. Theo ông Lê Hòa Bình việc cải tạo cần thực hiện theo từng giai đoạn, trước mắt là chỉnh trang khu vực hồ Con Rùa. Trong đó, có chống thấm cho hồ (để phun nước), tổ chức chiếu sáng nghệ thuật… Trên hết, việc cải tạo, chỉnh trang khu vực này cần tính toán theo hướng xây dựng thành công viên chuyên đề về văn hóa.

Trao đổi với phóng viên Báo Báo ngày 28-11, bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, chia sẻ TP xác định trở thành đô thị du lịch sống động nơi mà du khách trải nghiệm sự khác biệt văn hóa, lịch sử và lối sống con người trong ngành du lịch. Theo đó, ngành du lịch TP đang hướng đến xây dựng những sản phẩm du lịch, điểm đến với mục tiêu xây dựng một đô thị sống động từng góc phố, từng con người, và du lịch cộng đồng đô thị sẽ là nền tảng, bên cạnh những loại hình du lịch khác như đường thủy, văn hóa lịch sử, mua sắm, giải trí… Du lịch cộng đồng thường được biết đến tại Việt Nam là miền sông nước, miền quê, nhưng trên thế giới, mô hình du lịch cộng đồng đô thị rất phát triển với những khu phố, con phố sầm uất, nhộn nhịp về đêm mang tính đặc trưng của TP đó. Với TP, nơi có sự đa dạng về con người, văn hóa vùng miền, nên rất cần biến điều này thành lợi thế thông qua du lịch cộng đồng đô thị.

"Ngành du lịch TP có thể hình thành các tuyến phố đi bộ như ở khu vực hồ Con Rùa; phố ẩm thực ở đường Nguyễn Thượng Hiền; phố giày ở quận 4; phố đàn đường Nguyễn Thiện Thuật ở quận 3… phát triển hơn, chuyên nghiệp hơn với những sản phẩm hấp dẫn du khách. Muốn đầu tư cho những sản phẩm này cần hội đủ các yếu tố về con người biết làm du lịch cộng đồng đô thị; có sản phẩm với nét đặc trưng; chất lượng sống của cư dân; xây dựng những nguyên tắc du lịch cộng đồng đô thị tiến đến mô hình chuẩn" - bà Võ Thị Ngọc Thúy phân tích.

Tạo sản phẩm hấp dẫn cho kinh tế đêm

Nhiều doanh nghiệp du lịch chia sẻ quan điểm đồng tình nếu TP đầu tư, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, đặc biệt là sản phẩm du lịch nhằm thúc đẩy kinh tế ban đêm.

Ông Phan Xuân Anh, chuyên gia du lịch, chia sẻ những sản phẩm du lịch hướng đến cộng đồng để người dân cùng tham gia là rất tốt cho điểm đến. Dù vậy, khi xây dựng sản phẩm du lịch mới, như các tuyến PĐB, cần đặt trong điều kiện tình hình của nơi đó, làm sao để không ảnh hưởng đến giao dịch, đến đời sống cư dân. Để triển khai hiệu quả thì không chỉ là đi bộ, mà phải có thêm sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa nghệ thuật; phải có hoạt động ca nhạc đường phố.

Theo ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Du lịch Báo Biển, để tổ chức các PĐB hiệu quả, cần tổ chức phân luồng giao thông để bảo đảm cho người tham gia hoạt động PĐB, du khách và người tham gia giao thông có thói quen tạo ra văn minh trong tổ chức, tránh tắc nghẽn. "Việc tổ chức quản lý PĐB nên mạnh dạn giao cho tư nhân trên cơ sở đáp ứng tiêu chí của quận, của TP, để rút kinh nghiệm từ PĐB Bùi viện, chợ Bến Thành để sản phẩm này trở nên chuyên nghiệp hơn" - ông Huỳnh Văn Sơn góp ý.

Ủng hộ ý tưởng lập PĐB của quận 3, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ phân tích thêm đường Nguyễn Thượng Hiền quá nhỏ, cần có giải pháp tổ chức hợp lý để đạt được mục tiêu đề ra mà không gây ảnh hưởng đến giao thông.

Lãnh đạo Sở Du lịch TP cho hay trong năm 2021, sở sẽ có kế hoạch làm việc với các quận, huyện để phát triển du lịch cộng đồng đô thị. Hiện sở đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP, các trường đại học nghiên cứu thêm những mô hình chuẩn; từ đó làm việc, phối hợp với các quận, huyện để triển khai, áp dụng, nhân rộng những mô hình sản phẩm du lịch cộng đồng đô thị… với mục tiêu thêm sản phẩm mới, hấp dẫn cho điểm đến TP.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật