“Loại trừ khỏi Đảng những người có biểu hiện xấu”

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, thiếu tướng Võ Sở cho rằng phải loại trừ phe nhóm trong lãnh đạo; loại bỏ người không đủ phẩm chất, có biểu hiện xấu.
“Loại trừ khỏi Đảng những người có biểu hiện xấu”
Thiếu tướng Võ Sở góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII, sáng 26/10. Ảnh: Quang Vinh

Ngày 26/10, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên cho các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, dự thảo văn kiện lần này có nhiều điểm mới. Nếu trước đây chỉ ghi "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh" thì lần này đề xuất "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh".

"Như vậy, dự thảo đã bổ sung cả hệ thống chính trị bao gồm Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội", ông Mẫn nói và cho biết, yếu tố dân chủ đã được bổ sung và gắn vận mệnh dân tộc, đất nước vào thời đại, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với thời đại.

Theo Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nội dung xây dựng xã hội chủ nghĩa có bổ sung nhân tố mới là "khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí để phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc". Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, cho rằng trong nhiệm kỳ qua, lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều sai sót, trong đó việc xây dựng quá nhiều thủy điện tại các tỉnh miền núi gây thảm họa trong mùa lũ. "Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã tiếp tục hoàn thiện, nhưng việc vi phạm của các cơ quan pháp còn nhiều, đến mức phải xử lý như ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...", ông nói.

Vì vậy, tướng Sở góp ý, văn kiện cần đặt vấn đề thường xuyên kiện toàn các cấp ủy, tiếp tục nêu gương của Ban chấp hành Trung ương, của lãnh đạo chủ chốt và các ủy viên Trung ương, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bí thư chi bộ. "Phải loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý; kiên quyết loại bỏ khỏi tổ chức Đảng những người không đủ phẩm chất từ khi đại hội hoặc trong quá trình lãnh đạo có biểu hiện xấu; thực hiện các biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng", ông Võ Sở nói.

Nguồn nhân lực chất lượng để xây dựng đất nước cũng được nhiều đại biểu đề xuất đưa vào dự thảo văn kiện. GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, đánh giá báo cáo chỉ nói đến chất lượng nhân lực, chất lượng con người mà vắng bóng vai trò của con người trong phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội...

Theo ông, văn kiện cần làm rõ việc giáo dục đã tiến bộ, sâu sắc hơn trước như thế nào và còn vấn đề gì cần khắc phục. Chẳng hạn, dự thảo nói "Chương trình sách giáo khoa phổ thông đang được triển khai đúng lộ trình", nhưng cần làm rõ đúng như thế nào, và người dân mong muốn gì ở sách giáo khoa.

Chung ý kiến, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhấn mạnh vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần thêm tiêu chí "đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế". Nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, quản lý nhà nước đối với giáo dục cần tập trung, không nên phân tán.

"Cao đẳng, đại học là một hệ thống, nhưng quản lý chưa tập trung khiến cho quá trình liên thông gặp khó khăn. Mặt khác, hệ thống trường cao đẳng ở nước ta rất lớn nhưng văn kiện chưa đề cập, cần bổ sung", PGS Nhĩ nói.

GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam, phát biểu tại hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng 26/10. Ảnh: Quang Vinh

Tại hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Nguyễn Phương Nga cũng kiến nghị bổ sung nội dung "xây dựng, phát triển nhanh và bền vững đất nước" để đảm bảo thực hiện được mục tiêu đưa Việt Nam thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa đến giữa thế kỷ XXI. Điều này cũng phù hợp với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Bốn dự thảo văn kiện đại hội XIII của Đảng được công bố toàn văn, xin ý kiến nhân dân từ 20/10. Dự thảo báo cáo chính trị xác định mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là CHXHCN VN), Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao.

Người dân có thể tham gia góp ý trực tiếp tại hội nghị lấy ý kiến, sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị xã hội, các hội thảo, tọa đàm khoa học; hoặc gửi thư góp ý kiến tới cấp ủy Đảng và cơ quan báo chí...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật