Lee Kun-hee: Người xây dựng Samsung từ vô danh thành đế chế công nghệ hàng đầu thế giới

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù vướng phải nhiều bê bối chính trị và cả những thất bại trên thương trường, di sản của chủ tịch Lee Kun-hee để lại vẫn được ghi nhận là “trường tồn“ khi dẫn dắt Samsung từ công ty vô danh thành gã khổng lồ công nghệ của thế giới.
Lee Kun-hee: Người xây dựng Samsung từ vô danh thành đế chế công nghệ hàng đầu thế giới
Người xây dựng đế chế Samsung Electronics, Lee Kun-hee đã qua đời ở tuổi 78 tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Koreadaily)

Tập đoàn Samsung vừa thông báo về sự ra đi của Chủ tịch Lee Kun-hee, người sinh ngày 9/1/1942 tại Daegu, nơi cách Seoul 240km. Ông là con trai thứ 3 của Lee Byung-chul - nhà sáng lập Tập đoàn Samsung vào cuối thập niên 1930.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Waseda, nhận bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Đại học George Washington (Mỹ), Lee Kun-hee trở lại làm việc cho tập đoàn. Khi còn là trợ tá cho cha, ông đã hướng công ty tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn.

Từ công ty địa phương thành đế chế công nghệ

Sau khi nhà sáng lập Samsung qua đời năm 1987, ông Lee Kun-hee thay cha tiếp quản đế chế Samsung. Hơn 30 năm sau, ông đã đưa Samsung trở thành một trong những gã khổng lồ công nghệ của thế giới. 

Khi ông Lee Kun-hee tiếp quản công ty từ cha, Samsung đã là một trong những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, song các sản phẩm khi ấy hầu như chỉ được tiêu thụ trong nước, hoàn toàn lép vế khi xuất khẩu ra những thị trường khó tính hơn như châu Âu, Mỹ. Và khi trở thành người đứng đầu Samsung, ông thực hiện một cuộc cách mạng trong cả tập đoàn này. Ông là yêu cầu nhân viên “thay đổi mọi thứ trừ gia đình của bạn” trong quá trình thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh với các đối thủ khác như Sony Corp - một tập đoàn điện tử lớn lớn mạnh vào thời đó có trụ sở tại Tokyo.

Năm 1995, Chủ tịch Samsung tập hợp 2.000 công nhân chứng kiến ông tự tay tiêu hủy 150.000 điện thoại di động, máy fax, các sản phẩm khác của công ty không đạt tiêu chuẩn.

Chính sự cứng rắn trong quản lý của ông Lee đã tạo ra kết quả. Samsung Electronics vượt qua Sony để trở thành nhà bán TV màn hình phẳng hàng đầu vào năm 2006. Cùng năm đó, giá trị vốn hóa thị trường của Samsung cũng vượt 100 tỷ USD.

Ngày 29/6/2009, Samsung đã ra mắt chiếc Galaxy đầu tiên vào tháng 6/2019, chỉ mười ngày sau khi Apple bắt đầu bán iPhone 3GS.

Đến năm 2010, dòng Galaxy S chạy phần mềm Android đã được trình làng. Tại thời điểm ra mắt, Galaxy S là một trong những smartphone mạnh nhất thị trường với sức mạnh đồ họa vượt trội hơn cả iPhone 3G.

Sự kiện ra mắt sản phẩm này cùng doanh số bán hàng lớn đã giúp hãng vượt qua Apple, trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới vào năm 2011.

Vào năm 2011, Samsung tiếp tục tạo ra một phân khúc sản phẩm mới gọi là phablet, một sản phẩm lai giữa điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Đến năm 2012, Samsung đã vượt qua Nokia để trở thành hãng bán chạy điện thoại di động lớn nhất và liên tục giữ vị trí dẫn đầu ngành trong hơn một thập kỷ. Thành công của Samsung trong lĩnh vực điện thoại thông minh đã kéo theo lợi nhuận của các mảng kinh doanh linh kiện như chip, màn hình và bộ xử lý tăng vọt.

Tính đến tháng 1/2020,  giá trị vốn hóa thị trường của Samsung đạt 301,6 tỷ USD, đứng thứ 18 trên toàn cầu, tăng 10 bậc so với năm trước. Theo Bloomberg Billionaires Index, Chủ tịch tập đoàn Samsung là người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản ròng ước tính là 20,7 tỷ USD.

Thất bại với tham vọng xe hơi và những bê bối chính trị

Bên cạnh những thành tựu, sự nghiệp của ông Lee Kun-hee cũng gặp nhiều thất bại và bê bối chính trị. Năm 1994 ông thành lập Samsung Motors với sự hỗ trợ của hãng Nissan về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên việc mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh xe hơi của Samsung đã sụp đổ khi hãng tung ra những mẫu xe đầu tiên vào năm 1998 nhưng không thu hút được người dùng.

Đây là thời điểm nền kinh tế châu Á đối mặt với cơn khủng hoảng kinh tế nặng nề khiến Samsung phải rao bán lại mảng ô tô. Đến năm 2000, Renault SA, một hãng sản xuất ô tô của Pháp đã mua lại 70% cổ phần của Samsung Motors với giá 560 triệu USD.

Những năm 1990 là thời điểm ông Lee sa lầy vào các vụ bê bối chính trị sau khi tòa án kết tội ông hối lộ cho cựu Tổng thống Roh Tae-woo vào năm 1996. Ông được Tổng thống Hàn Quốc ân xá chỉ một năm sau đó.

Đến năm 2009, Chủ tịch Samsung bị kết tội trốn thuế với mức phạt 110 tỷ won (97,1 triệu USD) và nhận án 3 năm tù treo. Ngoài ra ông Lee còn vướng vào cáo buộc bội tín khi sử dụng trái phiếu nhằm mục đích chuyển một số cổ phần đáng kể trong công ty cho con trai, nhằm giúp gia đình ông nắm quyền kiểm soát trong Tập đoàn Samsung và chuyển giao quyền lực cho Lee Jae-yong - con trai duy nhất của ông. 

Bốn tháng sau phán quyết năm 2009, Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Lee Myung-bak đã ân xá cho Lee Kun-hee, thời điểm đó là một thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế để ông có thể giúp đất nước đăng cai thành công Thế vận hội mùa đông 2018 ở Pyeongchang.  

Chủ tịch Lee Kun-hee qua đời vào đúng thời điểm nhạ‌y cả‌m và nhiều biến động với Tập đoàn Samsung. Đầu tháng 9 vừa qua, Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong đã bị truy tố với cáo buộc thao túng giá cổ phiếu, gian lận trong giao dịch và vi phạm ủy thác để củng cố quyền kiểm soát tập đoàn diễn ra từ 5 năm trước. Nếu các cáo buộc trên là đúng, Lee Jae-yong có thể đối diện với mức án cao nhất lên tới 10 năm tù giam.

Hiện nay câu hỏi lớn nhất đặt ra đó là ai sẽ thay thế vị trí chủ tịch của ông Lee Kun-hee tại Tập đoàn Samsung. Đặc biệt tại chaebol lớn nhất Hàn Quốc, việc chuyển giao quyền lực là quá trình vô cùng phức tạp và đối diện với sự soi xét đến từ nhiều phía. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật