Nuôi thỏ theo chuỗi liên kết: Không lo đầu ra

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp bà con ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, cung cấp sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, có thị trường tiêu thụ ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình liên kết chăn nuôi thỏ của Hợp tác xã (HTX) Nông sản Lương Sơn, trụ sở ở phường Lương Sơn (T.P Sông Công) là một điển hình.
Nuôi thỏ theo chuỗi liên kết: Không lo đầu ra
Từ chăn nuôi thỏ, gia đình anh Đỗ Quốc Bình, ở tổ dân phố 2, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) cũng có thu nhập ổn định trên dưới 200 triệu đồng/năm.

Xem Video: Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ Nhật Bản

Chúng tôi đến trang trại chăn nuôi thỏ của gia đình anh Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông sản Lương Sơn đúng lúc vợ chồng anh chị đang tất bật cân thỏ bán cho thương lái. Mặc dù nhiệt độ ngoài trời nắng nóng 36 độ C nhưng bên trong trang trại rất mát mẻ. Đàn thỏ trắng con nào con nấy béo mập được chuyển lên ô tô tải để đi tiêu thụ ở Hà Nội.

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Bình chia sẻ: Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi thỏ tại một số tỉnh, thành trong cả nước, năm 2012, tôi bắt đầu thực hiện mô hình nuôi thỏ New Zealand với quy mô vài trăm con. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nên thỏ thường bị chết. Không nản chí, vừa chăn nuôi tôi vừa đúc rút kinh nghiệm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Đến năm 2013, anh Bình đã thành lập HTX Nông sản Lương Sơn nhằm mục đích liên kết cung ứng các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường. Năm 2015, HTX đã ký hợp đồng mua bán thỏ với Công ty NIPPON ZOKI (thuộc Tập đoàn Dược phẩm NIPPON ZOKI Nhật Bản). Thỏ xuất chuồng với chỉ tiêu cân nặng từ 2,3kg/con trở lên, giá bán trên 170.000 đồng/con, còn giá bán lẻ ra thị trường dao động từ 70.000-100.000 đồng/kg. Hiện nay, HTX đang bao tiêu sản phẩm cho 71 hộ chăn nuôi thỏ trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận tại miền Bắc với sản lượng 3.500 con/tháng. Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay, HTX đã có hơn 40 thành viên, doanh thu mỗi năm đạt trên 6 tỷ đồng.

Riêng trang trại chăn nuôi thỏ của gia đình anh Bình hiện có quy mô 4.000 con và đã có thể tự sản xuất và cung cấp giống ra thị trường với số lượng hàng nghìn con mỗi năm. Từ chăn nuôi thỏ, gia đình anh có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết chi phí. Với mong muốn giúp cho nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, anh Bình đã chuyển giao miễn phí kỹ thuật chăn nuôi thỏ theo công nghệ Nhật Bản; hỗ trợ, tư vấn xây dựng chuồng trại cho nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Anh Bình chia sẻ: Thỏ New Zealand có nhiều ưu điểm như khả năng sinh trưởng, phát triển, sinh sản nhiều, năng suất cao, thịt thơm ngon và cân nặng tối đa có thể đạt tới 6kg/1con. Tuy nhiên, để bán được cho Công ty của Nhật Bản làm dược liệu thì chúng tôi chỉ được cho ăn loại cám chuyên dụng được chỉ định từ phía công ty của Nhật chứ không được dùng thức ăn thông thường. Bên cạnh đó, để giúp thỏ sinh trưởng và phát triển tốt nhất thì cần duy trì nhiệt độ trong chuồng ổn định từ 15-20 độ C. Ngoài ra, phải tiêm thuốc định kỳ và phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột, tẩy rửa chuồng trại hàng tuần để hạn chế dịch bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Phúc, Phó Chủ tịch hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Ngoài làm nguyên liệu cho dược phẩm, hiện nay, thị trường tiêu thụ thỏ thịt ở các nhà hàng, quán ăn cũng đang được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi thịt thỏ thơm ngon, bổ dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến giá lợn giống tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng khiến nhiều hộ dân chưa dám tái đàn lợn vì lo sợ thua lỗ thì việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi để duy trì sản xuất sẽ góp phần đem lại nguồn thu nhập cho bà con. Đồng thời, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật