Săn tiểu cường bằng tay không khắp Sài Gòn, người đàn ông kiếm tiền triệu nuôi 4 con thành tài

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người đàn ông miệt mài săn gián đất khắp Sài Gòn để bán cho dân câu cá suốt 20 năm qua, tuy ám mùi nhưng kiếm được bộn tiền.
Săn tiểu cường bằng tay không khắp Sài Gòn, người đàn ông kiếm tiền triệu nuôi 4 con thành tài
Ông Khanh là thợ săn tiểu cường nổi tiếng Sài Gòn.

Xem Video: Săn bắt gián - nghề "hái ra tiền" với nhiều người dân nghèo.

Ông Hồ Hoàng Khanh, sống trong con hẻm gần cầu vượt Cây Gõ (Q.11,TP.HCM) là một thợ săn tiểu cường chuyên cung cấp gián đất cho vài cửa hàng bán mồi câu cá. Bởi vậy, ông không chỉ được mọi người gọi là "ông Hai", mà còn được dân câu cá biết đến với biệt danh "Chín gián".

Thợ săn "tiểu cường" độc nhất Sài Gòn

Công việc của ông Khanh bắt đầu từ 9 giờ sáng với đồ nghề vô cùng đơn giản, chỉ có một vỏ lon và 1 cây gỗ. Ông thong dong khắp các con hẻm khác nhau để đến bãi đất trống gần chung cư trên đường Tên Lửa (Q.Bình Tân, TP.HCM) săn gián đất.

Đồ nghề làm việc của ông Khanh chỉ có 1 vỏ lon và 1 cây gỗ bỏ vào giỏ xe đạp Martin.

Mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều "tiểu cường" cư ngụ là những bãi rác ẩm thấp, có nhiều đất xốp. Mặc dù bốc mùi hôi hám khó chịu nhưng ông có thể bắt được rất nhiều gián và kiếm được năm ba trăm tới 1 triệu/ ngày, tùy theo ngày đó có người đi câu cá hay không.

Trước đây, ông Khanh làm nghề bán lưỡi câu, còn vợ ông bán vé số. Nguồn thu nhập bấp bênh khiến hai vợ chồng cùng 4 người con bữa no bữa đói. Thương tình, ông Chín ở tiệm lưỡi câu mà ông làm khuyên ông đi săn tiểu cường về bán cho dân câu cá. Bản thân ông Khanh cũng rất thích câu cá nên biết rõ gián là món mồi ngon cho các loại như cá bông lau, cá ngát, cá trê, cá tra bể,... Kể từ đó, ông mày mò để trở thành một thợ săn gián chính hiệu.

Người đàn ông này thường bắt tiểu cường bằng tay không.

Ban đầu, ông làm theo cách mọi người gợi ý, đó là dùng vỏ sầu riêng để thu hút gián. Tuy nhiên, cách làm này không hiệu quả vì đến mùa mới có, mà lại hay bị chuột cống tha đi mất. Sau đó, ông Khanh tiếp tục thử sang nước đường nấu ngọt, nhưng sau vài lần thử nghiệm phát hiện ra độ keo không đủ để giữ chân giá. Cuối cùng, ông quyết định đổi qua mạch nha để dụ gián. Đều đặn như vắt chanh, ông Khanh xách đồ nghề đi săn gián mỗi ngày hai chập sáng và đêm.

Săn tiểu cường nuôi 4 con ăn học thành tài

Khi mới chuyển sang nghề săn gián, vợ và các con ông đều không ủng hộ vì bay mùi rất khó chịu. Tuy nhiên, đây là nghề không cần bỏ vốn lại có thu nhập tức thì nên ông dần thuyết phục được gia đình. Thậm chí, những lúc rảnh, bà Trần Thị Kim Anh (58 tuổi) - vợ ông cũng xách đồ nghề phụ chồng tìm cống rãnh để săn tiểu cường.

Gián đất được ông bán với giá 50.000 đồng/lon.

Từ ngày săn tiểu cường, kinh tế gia đình khấm khá lên rất nhiều. Ông Khanh cho biết, mỗi lon gián đất hơn 100 con thường bán được 50.000 đồng. Gián đỏ cũng có giá 50.000 đồng, nhưng được cho vào chai nước lít rưỡi, chích lỗ xung quanh để gián có không khí thở. Với sự cần cù, chịu thương chịu khó, vợ chồng ông Khanh mò mẫm tới 1-2h sáng mới trở về nhà. Nhờ vậy, ông bà nuôi 4 người con khôn lớn, thành tài.

Gián đỏ cũng được ông bán 50.000 đồng / chai 1,5l.

“Gián đỏ là cứ phải sau 10 giờ đêm nó mới chui ở cống lên, chỗ nào càng tối, càng yên tĩnh thì gián càng nhiều. Mỗi lần tôi chọc que có quết mạch nha xuống, để chừng 5 phút kéo que lên là có cả chục con bám ở đó rồi nên làm khỏe re”, ông Khanh chia sẻ thêm.

Người đàn ông tay không bắt gián

Nếu như trước đây, ông Khanh chẳng cần đi đâu xa vẫn có thể bắt được nhiều tiểu cường vì còn nhiều đất trống quanh khu Đầm Sen, cầu vượt Cây Gõ. Thế nhưng, ngày càng có nhiều nhà cửa mọc lên san sát nên có những hôm ông "Chín gián" phải đi cách nhà 6-8 km mới thu được chiến lợi phẩm.

Ông Khanh dụ gián bằng mạch nha.

Ngày ông Khanh mới vào nghề, khu Đầm Sen, cầu vượt Cây Gõ ngày nay còn nhiều đất trống nên ông chẳng cần đi đâu xa, ngày nào cũng quanh quẩn phạm vi 2km quanh nhà nhưng vẫn mang về được kha khá chiến lợi phẩm.

Ông Khanh cho biết: “Hồi đó tôi bán 30.000 đồng một lon gián đất, mà bên trong nhiều lắm. Bây giờ ngày càng khó khăn, tôi rút bớt gián xuống mà giá lên 50.000 đồng mỗi lon. Vậy chứ không đắt đỏ gì đâu, vì hồi đó 20.000 đồng có thể mua được mấy ký gạo, mua đồ ăn nữa cũng chưa chắc gì hết đâu. Ngày nay 50.000 đồng ăn tô hủ tiếu với ly cà phê cóc là hết sạch”.

Mặc dù ám mùi nhưng nghề độc lạ này giúp ông kiếm tiền triệu mỗi ngày, nuôi 4 con ăn học thành tài.

Một điều đặc biệt là ông Khanh không bao giờ mang bao tay khi bắt gián, nên không còn lấy làm lạ với việc bị mảnh sành cắt tay, hay côn trùng đốt. Còn vợ ông mải mê săn gián đỏ trong đêm đến nỗi quên luôn cả giờ về.

“Đạp xe đạp đi săn gián vậy mà hay à nhen, có lao động nên người tôi khỏe re, không bệnh tật gì, mắt sáng, tay nhanh nhẹn. Nhiều thằng bạn bằng tuổi tôi giờ lèm kèm nhìn ớn lắm”, ông Khanh tự hào khoe.

Nghề săn gián độc lạ này giúp vợ chồng ông Khanh có một cuộc sống ổn định, thậm chí có thể nuôi 4 người con khôn lớn, thành đạt. Vì vậy, hai ông bà quyết định bám trụ với nghề tới hết cuộc đời mới thôi.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật