Số phận bi đát của cụ ông mất vợ, chăm con thần kinh, nuôi cháu hư thận: Con dâu cũng khờ dại

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đời người có trăm nghìn cảnh éo le nhưng xót xa như câu chuyện về người cha già nuôi con bệnh tật, nuôi cháu thận hư… vẫn khiến chúng ta cảm thấy chạnh lòng. Dẫu vậy, ẩn sau nỗi buồn bao la ấy, còn là bài học thấm thía về tình thân, về máu mủ và gia đình.
Số phận bi đát của cụ ông mất vợ, chăm con thần kinh, nuôi cháu hư thận: Con dâu cũng khờ dại
(Ảnh: Người Đưa Tin)

Kể lại quãng đời của mình, ông Tạ Thanh Vì (xóm Rạch, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) cho biết: “Cái số của tôi khổ lắm. Sinh được ba người con, một đứa thì thần kinh, một đứa mất sớm vì tai nạn giao thông. Giờ tôi chỉ có người con gái lớn là bình thường, hiện đã lập gia đình”.

Ông Vi bên người con trai tâm thần và cháu nội bệnh tật 

Nhìn người con trai nằm co quắp trên giường, đôi mắt nhắm nghiền miệng nói vài câu vô nghĩa, ông rơi nước mắt. “Thằng Vình khi 7 tháng tuổi gặp 1 cơn bạo bệnh, nó bị ảnh hưởng đến não và bị thần kinh từ đó. Biết con mình bị như vậy, vợ chồng tôi đau đớn lắm. Vay mượn tiền để chạy chữa mà không được”. 

Từ khi anh Vình sinh ra cho đến giờ, chưa một lần ông được nghe con gọi bố ơi. Hiện tại, anh Vình chỉ nhận biết mọi thứ qua âm thanh vì đôi mắt đã hỏng do bệnh tật. Tựa lưng vào chiếc ghế sờn màu, ông Vì tiếp tục kể về cuộc đời:

Đúng mùng 2 tết năm 2010, con trai út của tôi qua đời vì tai nạn giao thông. Biết tin, tôi sốc lắm.. Nhìn người con trai khỏe mạnh, tràn đầy sức sống vĩnh viễn ra đi như vậy, tôi chỉ muốn chết cho xong. Mọi hy vọng của gia đình đều đặt vào cậu út nên từ khi con mất, tôi bỏ hết, không chăn nuôi, làm lụng được gì . Hôm nó mất, tôi một mình ra đồng ngồi nghĩ thế này là mất tất cả rồi”.

O

Ông Vì luôn cố sống vì gia đình (Ảnh: Người Đưa Tin)

Cũng vì sự ra đi đột ngột của cậu con trai út nên sau đó không lâu, vợ ông cũng phát bệnh nặng, teo 2 thùy não. Sau một thời gian chăm vợ, ông một lần nữa phải đối diện với sự nỗi đau khi bà mất vào năm 2016. Kiệt quệ về tinh thần, mệt mỏi về thể xác khiến ông trở nên ốm yếu, gầy gò.

Bà ấy mất khoảng hai tháng tôi tưởng tôi cũng chết theo vì rượu, ngày cứ hai bữa rượu. Tôi uống để say, say rồi thì ngủ không còn biết gì nữa”, ông Vì nghẹn ngào. Dường như biết ông Vì đang đau khổ, đứa cháu nội chạy đến bên cạnh, gục vào người ông. Ôm đứa cháu nhỏ vào lòng, ông cho hay:

Đây là con trai của thằng Vình, cháu nó 7 tuổi rồi nhưng không nói được. Ngày xưa, một người trong xóm thấy thương xót nên mai mối cho Vình một cô vợ. Con dâu tôi tính tình thật thà nhưng cũng dại. Vì thế mà cháu nội sinh ra cũng chậm chạp so với những đứa trẻ khác

Cháu nội ông là Tạ Văn Vịnh, sinh năm 2013, dù đã 7 tuổi nhưng cháu vẫn chưa nói sõi, chưa biết đọc biết viết, vẫn đi học mầm non vì chậm phát triển. Đau đớn thêm nữa, đến năm lên 5, bệnh viện kết luận cháu mắc chứng thận hư.

Cháu nội ông Vì rất cần tiền chữa bệnh (Ảnh: Người Đưa Tin)

Ông nội nhìn cháu xót xa: “Tháng nào tôi cũng phải đưa cháu lên bệnh viện để họ xét nghiệm, kiểm tra các chỉ số. Họ nói bệnh này không thể trị dứt điểm, phải phụ thuộc vào cơ địa cháu có nhận thuốc hay không”.

“Thương cháu, thương con, tôi quyết tâm bỏ rượu. Đi làm phụ hồ hàng ngày cũng kiếm được vài ba trăm. Nhưng hiện giờ, tôi yếu quá, không làm được gì nên mọi chi phí trong nhà đều dựa vào số tiền khoảng đôi ba triệu của con dâu”, ông Vì tâm sự.

Từ khi sóng gió ập đến, không có đêm nào ông ngủ yên giấc. Ông thương bản thân, thương con trai, thương đứa cháu và thương cô con dâu vất vả gánh vác công việc gia đình.

Ông đã nghĩ đến chuyện rao bán căn nhà mà cả gia đình đang sinh sống để lấy tiền chữa bệnh cho cháu và một phần để trang trải cuộc sống.

 “Giờ tôi chỉ mong hai bố con khỏi hết bệnh tật, nếu được vậy thì tôi có thể yên tâm ra đi. Bây giờ, tôi mà đi trước thì nhà này không biết bấu víu vào đâu”, ông Vì nghẹn ngào chia sẻ.

(Ảnh: Người Đưa Tin)

Đúng là phận đời cay nghiệt và chua xót quá đỗi. Người đã nghèo còn gặp cái eo, cái khổ. Bi thảm hơn, câu nói ‘trẻ cậy cha, già cậy con’ dường như đang đi ngược lại với cuộc sống của ông Vì. Vậy mà ông không hề nản chí hay buông bỏ, vẫn chăm sóc cho con trai tâm thần, cho cháu trai bệnh tật.

Người đàn ông ấy cả một đời thiện lương, chẳng trộm cắp của ai nhưng may mắn chẳng bao giờ gõ cửa. Nhìn lại một kiếp người, vợ mất rồi con mất, những ai còn sống đều cùng có số phận lênh đênh, chịu sao cho thấu?

Nhưng người đàn ông ấy không giống như một số gã đàn ông Việt tệ hại, thấy khó là bỏ, thấy nghèo là chạy, phụ bạc gia đình, ruồng rẫy vợ con. Ông tuy "phái mạnh" nhưng rất biết hy sinh, chịu khó tảo tần như người phụ nữ! Cảm phục vô ngần.

Tất nhiên, sẽ có những khoảnh khắc ông Vì chán đời, chìm đắm trong men rượu. Nhưng sau cùng, ông vẫn đứng dậy để đương đầu với số phận, vực sức hơi tàn để làm trụ cột gia đình, kiếm cơm ngày qua bữa.

Ngẫm lại mới thấy, tình cảm gia đình là thế, cha mẹ chẳng bao giờ nhẫn tâm bỏ rơi con cái của mình, thậm chí nếu phải nuôi con cháu cả đời, họ cũng chấp nhận hy sinh. Đó là tấm gương, là bài học, và là ‘truyền thống’ đáng quý của dân Việt.

Còn chúng ta, hẳn có rất nhiều người may mắn hơn họ nhưng nghị lực sống thì chưa chắc đã mạnh mẽ và can trường. Vậy nên, xin hãy nhìn vào những mảnh đời bất hạnh, hãy nhìn vào câu chuyện của người cha già nuôi con bệnh liệt giường, nuôi cháu đang chạy thận… để thôi than vãn, thôi kêu la.

Hãy sống thiện lương và dũng cảm, bởi số phận dẫu có nghiệt ngã đến thế nào thì ít nhất, vẫn còn gia đình làm điểm tựa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật