‘nghệ thuật dưới góc độ di truyền’

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tác giả Vũ Hiệp đi tìm mã gen nghệ thuật Việt trong cuốn ’Nghệ thuật dưới góc độ di truyền’. Ông cho rằng người Việt nên tự tin với di sản cha ông để lại.
‘nghệ thuật dưới góc độ di truyền’
Ảnh minh họa

Trong làng sách hiện nay, rất ít tác giả Việt viết sách nghệ thuật, sách lý luận nghệ thuật lại càng hiếm. Vũ Hiệp là tác giả đặc biệt.

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Saint Petersburg, Liên bang Nga, hiện là giảng viên Đại học Giao thông Vận tải, Vũ Hiệp dành nhiều thời gian để viết sách lý luận nghệ thuật.

Tâm huyết của Vũ Hiệp được đền đáp khi nhiều cuốn sách ra đời trong 5 năm qua, một số cuốn đạt giải thưởng cao như: Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật (giải B Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai, giải bạc Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2018). Mới đây, cuốn Nghệ thuật dưới góc độ di truyền được trao giải A của Hội đồng Lý luận Phê bình Nghệ thuật Trung ương.

Tác giả trò chuyện về tác phẩm mới nhất, cũng như công việc viết sách của mình.

Tác giả Vũ Hiệp. Ảnh: T.T.

Nhiều nghệ sĩ Việt mải miết học theo Tây, Nhật

- Điều gì khiến ông nghiên cứu nghệ thuật dưới góc độ di truyền?

- Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, các quan niệm mới về nghệ thuật của thế giới liên tục được cập nhật ở Việt Nam. Không ít nghệ sĩ bị cuốn theo những trào lưu “tiên phong” dồn dập đó, cứ mải miết học theo Tây, Nhật, nhưng lại chưa thể tới được “đỉnh cao” như họ.

Học cái tiến bộ không sai, tuy nhiên, nghệ thuật cần xuất phát từ bản chất đặc thù của cá nhân, cộng đồng, dân tộc mới đi được đường dài, chứ chỉ bắt chước sẽ tạo ra cái đẹp theo quan điểm của người khác.

Ý nghĩa của cuốn sách Nghệ thuật dưới góc độ di truyền là hướng sự tìm tòi những khả tính mới của nghệ thuật từ chính nội hàm con người Việt với những điều kiện đặc thù về lịch sử, văn hóa, sinh thái, di truyền.

Đây là cách tiếp cận nghệ thuật bằng nhân học, cụ thể là các phân nhánh nhân học văn hóa, nhân học cấu trúc, nhân học sinh thái, nhân học di truyền.

- Người ta thường nói đại ý nghệ thuật là không biên giới. Nói di truyền ảnh hưởng nghệ thuật có khiên cưỡng?

- Bởi vì nghệ thuật không biên giới, chúng ta cần khám phá nghệ thuật bằng tất cả cơ sở tri thức mà con người có. Trong cuốn sách này, tôi đề xuất khái niệm mới là “Mã gen nghệ thuật”, góp phần giúp công chúng có thêm công cụ để xem, hiểu và phê bình nghệ thuật.

Mọi thứ đều có liên quan nhau. Nghệ thuật chịu tác động từ nhiều yếu tố, trong đó có di truyền, không có gì khiên cưỡng cả.

Khái niệm di truyền ở đây được hiểu theo nghĩa sinh học và văn hóa. Ở mặt sinh học, cuốn sách có sử dụng một số kiến thức về nhóm đơn bội ty thể, cũng như kết quả một số dự án giải mã gen người Việt để chỉ ra mối liên hệ giữa di truyền sinh học và nghệ thuật. Giả thuyết này cần chứng minh thực nghiệm bằng các kỹ thuật di truyền phân tử, điều mà tôi không có cơ hội tiếp cận.

Ở mặt di truyền văn hóa, cũng là nội dung chính của cuốn sách, với những di sản kiến trúc, folklore, ca dao tục ngữ, chúng ta có thể nhận diện một số đặc tính nghệ thuật của Việt Nam được di truyền qua nhiều thế hệ, được gọi là “Mã gen nghệ thuật”.

Mã gen nghệ thuật nằm sâu bên trong các biểu hiện văn hóa, âm thầm chỉ huy quá trình sáng tạo mà nghệ sĩ và công chúng không dễ nhận ra.

- Ông có thể kể ví dụ về một số mã gen nghệ thuật Việt Nam?

- Nghệ thuật dưới góc độ di truyền có giới thiệu một số mã gen kiến trúc Việt Nam như: Chiết trung, Tối đa, Chen lấn, Tùy biến, Đa lớp, Ẩn dật, Linh điểm. Những mã gen này đều được dẫn giải trên cơ sở nhân học.

Sách Nghệ thuật dưới góc độ di truyền. Ảnh: Quỳnh Trang.

Phải tự tin với những giá trị cha ông truyền lại

- Trong sách, ông đề xuất khái niệm “Mã gen nghệ thuật”. Ý nghĩa của nó là gì?

- Slogan của cuốn sách này là “Người Việt Nam thế nào tạo ra nghệ thuật thế ấy”. Mình phải trân trọng và tự tin những giá trị mà cha ông truyền lại, chứ không nên e dè vì nghệ thuật của ta không được “đẹp như ai”.

Mình cần hiểu dân tộc mình với cả ưu, nhược điểm. Thậm chí, đôi khi, chính nhược điểm lại tạo ra cái hay, mới trong nghệ thuật.

Quan trọng là chúng ta phải nắm được cách hiểu, tạo thành cái đẹp từ những nhược điểm ấy. Đó cũng là một trong những ý nghĩa của lý thuyết Mã gen nghệ thuật mà tôi đã đề cập trong sách.

- Là giảng viên một trường đại học về kỹ thuật, điều gì khiến ông say mê nghiên cứu lý thuyết nghệ thuật?

Chạm tiên trên đình Hoàng Xá, Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Trần Trung Hiếu.

- Ở trường, tôi dạy các môn về kiến trúc và đô thị. Kiến trúc cũng là nghệ thuật mà.

Tự định vị mình là một nghệ sĩ - nhà nghiên cứu theo con đường của Kandinsky, tôi vẫn vẽ tranh và thiết kế nhà, nhưng hiện tại thì thành công về viết lách hơn.

Từ lâu, lý luận - phê bình vẫn là điểm yếu của nền nghệ thuật Việt Nam và có lẽ tôi đi vào chỗ yếu thì dễ đạt được thành tựu hơn.

Ông có thể giới thiệu thêm 5 đầu sách đã xuất bản về lý thuyết nghệ thuật?

- Tôi luôn tư duy về nghệ thuật, tư duy nhiều quá thì nảy sinh những ý tưởng mới, nên buộc phải viết sách hoặc vẽ tranh. Những cuốn đầu tiên như Tinh thần khai phóng của nghệ thuật hay Sơ thảo về hình, mang bản thảo đi chào các nhà sách đều bị từ chối, nên phải tự bỏ tiền ra in, tặng bạn bè.

Sau đó, lãnh đạo Nhà xuất bản Mỹ thuật đặt hàng tôi viết theo kế hoạch, thế mới có sách in đẹp như cuốn Tinh thần khai phóng của nghệ thuật và Nghệ thuật dưới góc độ di truyền.

Nếu không có hỗ trợ, những cuốn sách gần đây được ghi nhận chắc chắn sẽ không thể ra đời. Sách về lý thuyết nghệ thuật rất kén độc giả, các nhà sách tư nhân chưa đủ dũng khí để đầu tư.

Về cuốn Nghệ thuật dưới góc độ di truyền, tôi cũng muốn xin lỗi độc giả về một số lỗi chính tả và có một hình ảnh ở trang 93 bị nhầm lẫn do lỗi kỹ thuật. Tất nhiên, những lỗi này không ảnh hưởng nội dung cuốn sách, nhưng tôi cảm thấy rất tiếc vì cuốn sách không thể hoàn hảo về mặt kỹ thuật.

- Ông nhận xét như thế nào về thị trường sách nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay?

- Sách nghệ thuật rất kén người viết và người đọc. Sách có nội dung về tiểu sử các nghệ sĩ nổi tiếng còn dễ bán hơn một chút chứ về lý thuyết nghệ thuật rất khó bán. Vì vậy, tiền thù lao cho tác giả cũng hạn chế.

Ví dụ, cuốn Nghệ thuật dưới góc độ di truyền, tôi phải tập trung làm việc cả năm trời, tiền mua tài liệu tham khảo, đi điền dã chụp ảnh nhiều hơn cả nhuận bút. Đó là được anh em bạn bè hỗ trợ rất nhiều về mặt tư liệu.

Bù lại, tôi có được niềm hạnh phúc khi xuất bản được một cuốn sách ưng ý, được người đọc phản hồi tích cực, rồi được trao giải thưởng, tặng thưởng. Ở xã hội nào cũng vậy, nghệ sĩ, trí thức cũng phải dấn thân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật