Gỡ ‘nút thắt’ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 108/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Thông tin này được cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp mong đợi để kịp thời tháo “nút thắt“.
Gỡ ‘nút thắt’ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng
  Nghị quyết số 108 sẽ giải quyết các “nút thắt” trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn    

Tại nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh phải tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc những quy định của Nghị định 68/2019/NĐ-CP (Nghị định 68), hệ thống công cụ về định mức, giá xây dựng và các thông tư hướng dẫn nghị định đã được ban hành; tổ chức thực hiện đồng bộ, đầy đủ và kịp thời có hiệu quả các nhiệm vụ đã được phân công, phân cấp tại Nghị định 68, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

        

Cụ thể, cần hoàn thành việc rà soát ban hành hệ thống định mức xây dựng trước ngày 31/12/2020 cho các công việc chuyên ngành, đặc thù của bộ, địa phương (ngoài các công việc thuộc hệ thống định mức Bộ Xây dựng đã ban hành). Thực hiện công bố đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công theo quy định tại Nghị định 68 trước ngày 30/9/2020 làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Trong thời gian chưa kịp thực hiện khảo sát, lấy số liệu, UBND cấp tỉnh ban hành hướng dẫn việc áp dụng đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công trên cơ sở dữ liệu hiện có theo các thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định.

 

 Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, qua hơn 9 tháng triển khai thực hiện Nghị định 68, các thông tư hướng dẫn đã được ban hành đầy đủ; rà soát, cập nhật, bổ sung và ban hành hơn 16.000 định mức dự toán để áp dụng chung; có 45 tỉnh, thành phố đã xây dựng, công bố đơn giá nhân công và giá máy thi công; 18 tỉnh còn lại đều đã có văn bản hướng dẫn xử lý chuyển tiếp và đang khẩn trương tổ chức khảo sát, xây dựng đơn giá để công bố trên địa bàn; hiện các định mức xây dựng chuyên ngành đang tiếp tục rà soát, ban hành . 

“Nghị định số 68 có 9 điểm đổi mới. Đầu tiên phải kể đến việc bổ sung dự án PPP (đối tác công tư) thuộc đối tượng áp dụng quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Như vậy, dự án PPP đảm bảo cũng được quản lý và kiểm soát như dự án vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách. Điều này khắc phục được những tồn tại trong các báo cáo kiểm toán các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư, đặc biệt là BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao) giao thông gần đây có tổng mức đầu tư cao hơn rất nhiều so với yêu cầu thực tế; đồng thời, xác lập được khung chính sách rõ ràng về quản lý chi phí để nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước làm cơ sở thực hiện, tránh lúng túng như thời gian qua” – đại diện Bộ Xây dựng nhận định.

Bên cạnh đó, Nghị định 68 cũng điều chỉnh một số nội dung về nguyên tắc, phương pháp xác định và cơ cấu khoản mục chi phí tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng. Các quy định này sẽ đảm bảo chi phí đầu tư xây dựng được tính đúng, tính đủ, nhất là các dự án có quy mô lớn, các dự án xác định giá gói thầu trên cơ sở tổng mức đầu tư được duyệt để thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC (hợp đồng tổng thầu), EC (hợp đồng thiết kế, thi công)...

Điểm mới nữa là quy định nguyên tắc, phương pháp xác định, cập nhật và sử dụng chi phí dự phòng trong giá gói thầu xây dựng cho phép xác định được giá gói thầu trên cơ sở dự toán được phê duyệt mà không cần thêm bước lập, thẩm định, phê duyệt lại dự toán gói thầu như quy định trước đây. Việc này giúp cắt giảm được thời gian, chi phí và thủ tục cho việc phải lập lại dự toán gói thầu xây dựng.

Cùng với các điểm mới trên, theo Bộ Xây dựng, quy định về việc sử dụng dự phòng phí và thẩm quyền điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng thuộc người quyết định đầu tư cũng giúp khắc phục tình trạng chủ đầu tư lạm quyền trong việc sử dụng dự phòng phí sai mục đích, chấm dứt tình trạng hầu hết các dự án được chủ đầu tư phân bổ và điều chỉnh sử dụng hết dự phòng phí không đúng với bản chất của chi phí này.

Các chuyên gia của Bộ Xây dựng phân tích, việc quy định ban hành định mức, giá và chỉ số giá xây dựng để áp dụng đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, dự án PPP cũng khắc phục được việc vận dụng định mức, giá và chỉ số giá tùy tiện bởi nhiều trường hợp cố tình vận dụng sai làm tăng chi phí đầu tư xây dựng công trình gây thất thoát, lãng phí. Việc bắt buộc áp dụng là cơ sở để tiêu chuẩn hóa, số hóa nhằm áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, quy định quản lý cơ sở dữ liệu định mức và giá xây dựng tại Nghị định 68 cũng tạo ra một hệ thống cơ sở dữ liệu định mức, giá xây dựng thống nhất trên toàn quốc để phục vụ mục tiêu quản lý chi phí, đảm bảo minh bạch, hiệu quả và khách quan, khắc phục được tồn tại về giá chênh lệch giữa địa giới hành chính hai tỉnh.

Thực hiện Nghị định 68 sẽ xác lập được hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước, dự báo thị trường và xây dựng chiến lược phát triển ngành. Để phát huy tác dụng của các quy định này cần đầu tư bổ sung phần mềm cho hệ thống mạng, máy tính để vận hành khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu.

Một điểm mới quan trọng được quan tâm tại Nghị định 68 là quy định trách nhiệm của các chủ thể tham gia quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Quy định này nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý thông qua việc quy định cụ thể về trách nhiệm và chế tài xử lý đối với các chủ thể này khi gây nên phát sinh chi phí bất hợp lý, chậm tiến độ, thất thoát lãng phí cho công trình, dự án do không thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ quản lý chi phí.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, hiện quá trình triển khai thực hiện Nghị định 68 vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc và kỳ vọng Nghị quyết số 108 sẽ giải quyết các “nút thắt” này

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật