Công an Thanh Hóa cảnh báo những phụ nữ ‘thích nhận quà’ trên mạng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng sử dụng sim rác giả danh cơ quan chức năng dọa dẫm, bắt người dân chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Hoặc dùng mạng xã hội giả danh người nước ngoài, Việt kiều để làm quen hứa hẹn tặng quà, tặng tiền, sau đó yêu cầu chuyển lệ phí và chiếm đoạt số tiền trên...
Công an Thanh Hóa cảnh báo những phụ nữ ‘thích nhận quà’ trên mạng
Đối tượng Ajearo Chuckwugekwu Go‌dwin

Xem Video: Báo động tình trạng lừa đảo trúng thưởng qua Facebook

Như tin đã đưa, mới đây, Phòng Cảnh sát Hình Sự, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phá Chuyên án 620L, điều tra làm rõ và bắt tạm giam đối tượng Ajearo Chuckwugekwu Go‌dwin (SN 1986) mang quốc tịch Nigeria về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Theo Công an Thanh Hóa cho biết, đầu tháng 5/2020, Phòng Cảnh sát Hình Sự Công an tỉnh Thanh Hóa nhận được tin báo của chị H.T.H (SN 1980) ở phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn về việc bị một đối tượng người nước ngoài quen qua mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền gần 900 triệu đồng. Bằng các nghiệp vụ, lực lượng công an đã bắt được đối tượng.

Tại cơ quan công an, đối tượng Ajearo Chuckwugekwu Go‌dwin khai nhận: Do biết tâm lý phụ nữ Việt Nam rất thích được nhận quà từ nước ngoài về nên đã sang Việt Nam, câu kết với một số đối tượng ở Thành phố Hồ Chí Minh và lên mạng xã hội Facebook với nick name Johnson Alex để làm quen với một số phụ nữ người Việt Nam. Sau khi làm quen, bọn chúng đã trò chuyện và hứa hẹn sẽ gửi quà là vàng bạc, trang sức và ngoại tệ cho những người phụ nữ "nhẹ dạ cả tin" này qua các nhân viên hàng không cầm về với điều kiện là những người nhận quà phải gửi một khoản phí qua tài khoản ngân hàng cho những nhân viên hàng không. 

Bằng thủ đoạn đó, Ajearo Chuckwugekwu Go‌dwin đã lừa chị H.T.H tổng số tiền gần 900 triệu Việt Nam đồng và một số phụ nữ ở các địa phương khác tại Việt Nam.

Cũng bằng thủ đoạn dùng mạng xã hội để lừa đảo, ngày 25/5/2020, 2 đối tượng bị công an huyện Hoằng Hóa bắt giữ là Phạm An và Nguyễn Anh Quốc, đều (SN 2001) ở xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, chúng chuyên lập các trang web và tài khoản messenger nhắn tin tới người dùng Facebook với nội dung trúng thưởng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng Phạm An và Nguyễn Anh Quốc

Theo tài liệu của cơ quan điều tra: Ngày 23/4/2020, N.V.S (SN2006), trú tại xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa sử dụng điện thoại của mẹ nhắn tin với tài khoản Facebook "Trâm Thùy". Quá trình trò chuyện, đối tượng thông báo cho S. là đã trúng thưởng điện thoại iPhone 11 Pro max và đề nghị S. chuyển cho một số tiền lệ phí để làm thủ tục nhận thưởng qua tài khoản ngân hàng chúng cung cấp.

Bằng thủ đoạn câu nhử dần dần, từ số tiền nhỏ đến lớn, S. đã mắc bẫy và liên tiếp chuyển cho chúng 6 lần với tổng số tiền lên đến 12,6 triệu đồng. Sau khi chiếm đoạt được số tiền trên các đối tượng chặn mọi liên lạc với S. Khi biết mình bị lừa S. và mẹ đẻ đã đến Công an huyện Hoằng Hóa tố giác hành vi của các đối tượng trên.

Qua đấu tranh, bước đầu 2 đối trên khai nhận: Với thủ đoạn tương tự, chỉ từ tháng 4/2020 đến khi bị bắt, An và Quốc đã câu kết với một số đối tượng khác thực hiện 23 vụ lừa đảo trên địa bàn khắp cả nước, chiếm đoạt tổng số tiền trên 400 triệu đồng và chia nhau tiêu xài cá nhân.

Ngoài ra các đối tượng còn sử dụng sim rác giả danh các cơ quan chức năng như cán bộ công an, kiểm sát, tòa án dọa dẫm, bắt người dân chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú.

thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng dùng "chiêu, trò" thường chủ động gọi điện thoại, nhắn tin làm quen với các nạn nhân là phụ nữ, người cao tuổi, người về hưu, người dân tộc thiểu số... Chỉ cần ai nhẹ dạ, cả tin chuyển tiền vào các tài khoản định sẵn, các đối tượng lập tức rút sạch và cắt liên lạc. Hiện nay, tội phạm trên không gian mạng hiện rất đa dạng và liên tục thay đổi thủ đoạn lừa đảo. Do đó, để phòng ngừa, người dân cần nâng cao khả năng bảo mật các tài khoản cá nhân như: Google, Facebook, Zalo...

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo, đa số các trường hợp bị mắc lừa qua mạng xã hội hoặc các hình thức gọi điện thoại như trên thường là phụ nữ hoặc người lớn tuổi. Để phòng tránh loại tội phạm này, người dân cần cảnh giác, khi nhận được các thông tin thông báo từ số điện thoại lạ, mạng xã hội cần tiến hành kiểm tra lại thật kỹ mới thực hiện các giao dịch; không vội vàng thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng. Nếu người thân hoặc bạn bè nhắn tin qua các ứng dụng Facebook, Zalo… nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để nói chuyện, xác nhận nội dung thông tin.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật