Vì sao học viên cai nghiện tại Tiền Giang thường xuyên trốn trại?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ Lao động - thương binh và xã hội và các ban ngành tỉnh Tiền Giang ngày 7-7, vấn đề học viên cơ sở cai nghiện m‌a tú‌y Tiền Giang liên tục trốn trại được mổ xẻ.
Vì sao học viên cai nghiện tại Tiền Giang thường xuyên trốn trại?
Khoảng 2 năm qua, cơ sở cai nghiện m‌a tú‌y Tiền Giang 4 lần xảy ra việc học viên trốn trại - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Xem Video: Bắt được phạm nhân nguy hiểm đào chân tường trốn khỏi trại giam

Ông Phạm Minh Trí - giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Tiền Giang - cho biết đến cuối tháng 6-2020, toàn tỉnh có 6.977 người nghiện m‌a tú‌y có hồ sơ quản lý. Cơ sở cai nghiện m‌a tú‌y của tỉnh hiện đang tổ chức cai nghiện cho 522 học viên. Trong đó cai nghiện bắt buộc là 527 người, 18 người cai nghiện tự nguyện và 7 người không có nơi cư trú ổn định được các địa phương gửi vào.

Nhắc lại các vụ học viên cơ sở cai nghiện m‌a tú‌y Tiền Giang gây rối, trốn trại trong thời gian qua, ông Đoàn Hữu Bẩy - phó vụ trưởng Vụ khoa giáo văn xã (văn phòng Chính phủ), cho biết trong 2 năm, cơ sở này đã 4 lần xảy ra việc học viên trốn trại.

Mới đây nhất, ngày 6-6, toàn bộ học viên khu A được phân công lao động đã kéo vào cổng chính của cơ sở gọi học viên khu B ra đánh nhau. Vụ việc khiến 12 học viên bị thương phải nhập viện (trong đó có 3 học viên gãy tay) và 17 học viên đã bỏ trốn.

Trước đó, tháng 2-2020, hơn 30 học viên cũng đã bỏ trốn.

Tháng 11-2019, gần 120 học viên cũng đã bỏ trốn. Một số học viên lấy xe máy của người dân hai bên đường để trốn chạy, số khác chạy bộ lên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Tháng 8-2018, 200 học viên tại cơ sở này cũng đã tấn công cán bộ trung tâm, sau đó tràn ra quốc lộ. Lực lượng chức năng mất nhiều ngày mới đưa hết nhóm học viên trở lại trại.

Ông Phạm Minh Trí cho biết nguyên nhân khiến cơ sở cai nghiện xảy ra những vụ việc nói trên là do công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở thời gian qua gặp nhiều khó khăn, một bộ phận học viên thể hiện tính côn đồ, hung hãn, phe cánh.

Khi vụ việc xảy ra thường tụ tập số đông và sẵn sàng dùng B.L để giải quyết mâu thuẫn, không báo cáo cán bộ quản lý và tự ý xử theo cảm tính cá nhân gây mất an ninh trật tự cơ sở.

Ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trò chuyện cùng người nhà và học viên - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ngoài ra, theo ông Trí, do số lượng người tham gia cai nghiện tăng nhanh dẫn đến quá tải về cơ sở vật chất nên xảy ra một số trường hợp học viên gây rối bỏ trốn tập thể.

Đồng ý quan điểm cơ sở cai nghiện bị quá tải khi sức chứa chỉ khoảng 300 người nhưng hiện đang quản lý gần 700 người, ông Đoàn Hữu Bẩy bổ sung thêm 2 nguyên nhân khác.

"Hiện nay người nghiện thường sử dụng m‌a tú‌y tổng hợp gây loạn thần, kích động nên dễ xảy ra những vụ việc nói trên. Ngoài ra, công tác tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe chưa tốt cũng là nguyên nhân khiến học viên dễ bị kích động", ông Bẩy cho biết.

Ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng số lượng người nghiện m‌a tú‌y trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang cao bất thường, tăng đột biến trong những năm qua. Trong 5 năm qua, số lượng người nghiện m‌a tú‌y tăng gấp 7 lần.

Đại tá Phan Văn Trảng - phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện số lượng người nghiện m‌a tú‌y bên ngoài xã hội trên địa bàn tỉnh khoảng trên 6.000 nên công tác quản lý rất phức tạp.

Để đảm bảo an ninh trật tự xung quanh cơ sở cai nghiện, công an tỉnh đã bố trí 10 lực lượng cơ động chính quy phối hợp với công an xã thường xuyên túc trực và sẵn sàng can thiệp khi có sự cố xảy ra.

Tuy nhiên, khi ông Đào Ngọc Dung chất vấn: "Tại sao có những cơ sở trên 1.000 học viên không xảy ra tình trạng học viên trốn trại nhưng cơ sở này lại xảy ra liên tục?" - đại tá Phan Văn Trảng lại xin nhường lời cho lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Tiền Giang trả lời.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết Tiền Giang đang có số người nghiện tăng nhanh và vấn đề học viên trốn trại đang trở nên nhức nhối.

Ông Dung đề nghị các ngành chức năng trước hết phải phân loại từng khu riêng trong cơ sở. Người cai nghiện tự nguyện cần tách ra khỏi cai nghiện bắt buộc, những người có tiền án tiền sự phải được tách riêng, ngành công an phải thường xuyên tuần tra tại cơ sở.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật