Săn “vàng ròng” giữa lòng di sản thế giới

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng chục năm nay, người dân nhiều xã ở huyện Vân Đồn có thu nhập ổn định nhờ vào nghề đào sá sùng, thứ được ví như “vàng ròng“ vì giá trị kinh tế rất cao. Đặc biệt nghề “đào vàng“ này chỉ có phụ nữ tham gia bởi nó đòi hỏi sự tỉ mẩn, dẻo dai và nhẫn nại.
Săn “vàng ròng” giữa lòng di sản thế giới
Tìm được dấu con mồi, cô Liên nhanh chóng cắm chiếc mai xuống cát để bắt

Nghề lấy đi nhan sắc nhanh khủng khiếp

Mỗi sáng khi con nước cạn cũng là lúc cô Liên (làng Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) quấn khăn kín mặt, đầu đội nón, chân đi ủng, tay cầm cán mai, đeo giỏ bên hông ra bãi bồi ven biển săn "vàng ròng".

Sá sùng được khai thác tự nhiên ở các bãi triều khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long. Mùa "đào vàng" tập trung chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm. Sá sùng hay "con mồi" theo cách gọi của người dân địa phương có giá rất cao.

Từ sáng sớm, phụ nữ làng Đông Xá tập trung về các khu vực bãi triều quanh đảo bắt đầu một ngày săn sá sùng

Cô Liên cho biết, từ khi lên 10, cô đã theo mẹ ra bãi bồi đào "con mồi". Đến nay cô đã có khoảng 30 năm kinh nghiệm trong nghề.

Công việc đào sá sùng của cô bắt đầu từ 4 rưỡi sáng và kết thúc vào lúc 12h trưa. Khoảng thời gian đào con mồi thường không cố định vì phải phụ thuộc nhiều vào thủy triều. Nước rút đến đâu thì người săn đuổi theo con nước đào mồi đến đó. Vì phải làm việc dưới cái nắng gay gắt cộng với nước biển mặn chát nên những phụ nữ săn sá sùng ở đây đều phải bịt khăn kín mít để bảo vệ sức khỏe của mình.

"Nghề này nhanh già lắm. Ra ngoài nắng không già mới lạ! Hơn nữa, không có sức khỏe là không làm được đâu. Người làm nghề này cúi nhiều nên hay bị đau cổ vai gáy lắm!" – cô Liên chia sẻ.

Nắng nóng, vất vả là vậy nhưng chưa một lần người phụ nữ này có ý định bỏ nghề đào sá sùng, bởi nghề này tạo thu nhập khá cao. "Mỗi tháng thu nhập từ đào xá sùng của tôi được khoảng 12 đến 15 triệu đồng cộng thêm thu nhập từ công việc cửu vạn của chồng mỗi tháng được 5-7 triệu đồng, như cũng đủ để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi 2 con ăn học", cô Liên cho biết.

Theo cô Liên, vào những dịp cao điểm như đợt Tết, giá sá sùng khô có thể lên đến 5,5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, nói không phải ngày nào cũng có thể đào được con mồi bởi muốn đào được sá sùng, phụ thuộc hoàn toàn vào con nước, thời tiết. Vào mùa hè, cô đi săn mồi từ sáng sớm đến trưa nhưng mùa đông, có thể đi săn từ sáng, trưa hoặc đi đến tối mịt mới về nhà, có khi phải dùng đèn pin soi cát để bắt con mồi.

Với người có kinh nghiệm lâu năm như cô Liên sẽ đào được những con mồi có kích thước to

"Có những ngày chẳng săn được con mồi nào, chị em lại ngồi tụm năm tụm ba trò chuyện với nhau vui lắm. Ở đây các cô đi đào mồi cũng thành lập hội đấy, thỉnh thoảng tụ tập ở nhà nhau ăn uống. Nói chung, cô đi làm thấy vui lắm, không bị gò bó thời gian, vẫn chăm lo gia đình được nên cô làm 30 năm rồi!" – cô Liên chia sẻ.

Mì chính nhà giàu

Thành quả sau một ngày lao động chăm chỉ của cô Liên

Kết thúc buổi đào mồi, cô Liên nhanh chóng trở về nhà tiếp tục quy trình sấy khô. Những con mồi lẫn trong cát được cô Liên rửa sạch sẽ, sơ chế một cách điêu luyện. Chỉ với một chiếc que tre vót nhọn cùng đôi bàn tay thoăn thoắt, cô Liên nhanh chóng lộn ruột từng con mồi. Theo chia sẻ của cô Liên, muốn lộn được ruột con mồi phải cầm chắc phần giữa thân rồi chọc que tre dứt khoát để phần chất thải của con mồi ra hết.

"Tính của cô phải sạch sẽ, gọn gàng, vì con mồi này tanh lắm nếu để lại mùi thì nhà cửa nhiều ruồi muỗi bâu khó chịu lắm!" – cô Liên chia sẻ.

Con mồi sau khi loại bỏ chất thải, được rửa 3 lần nước cho sạch rồi tiến hành luộc sơ.

Cô Liên rửa sạch con mồi 3 lần nước trước khi luộc sơ

Trong quá trình luộc lưu ý không để nước sôi nếu không con mồi sẽ bị dai, mất hết chất dinh dưỡng. Phần nước luộc con mồi được cô Liên để lại nấu canh. Cô Liên bảo rằng đây chính là "mì chính nhà giàu" bởi thứ tiết ra từ con sá sùng làm nước dùng ngọt tự nhiên, rất thơm ngon.

Những con mồi sau khi luộc sơ gần 10 phút chuyển từ màu hồng nhạt sang màu trắng muốt. Cô Liên xếp đều những con mồi lên giàn để chuẩn bị sấy khô. Với con mồi, không thể sấy ngoài nắng mà phải sấy trên bếp than hoa để đến lúc khô không bị tanh, đồng thời đảm bảo được nhiệt độ sấy ổn định. Bên cạnh đó trong quá trình sấy đảm bảo không bị nóng quá, nếu không con mồi sẽ bị ép nước, teo lại.

Cô Liên cẩn thận xếp đều sá sùng lên giàn sấy khô

"Con này không bao giờ có thuốc bảo quản gì cả, nếu như mình để tủ đông bảo quản tốt được 1 – 2 năm. Hoàn toàn thủ công, tự nhiên", cô Liên chia sẻ.

Sá dùng sau khi sấy khô sẽ có màu vàng nhạt

Nghề đào con mồi tạo công ăn việc làm với mức thu nhập ổn định cho phụ nữ ở huyện Vân Đồn. Tuy nhiên cô Liên tâm sự không muốn con theo nghề bởi công việc này rất vất vả. Cô mong rằng có thể nuôi con ăn học tử tế, kiếm một công việc khác để không phải đội mưa đội nắng đào sá sùng như cô.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật