Quy định cha mẹ không đặt tên con quá dài gây tranh luận

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ ngày 16/7, quy định cha mẹ không được đặt tên con quá dài, khó sử dụng, sẽ có hiệu lực. Thông tin này gây nhiều ý kiến tranh luận.
Quy định cha mẹ không đặt tên con quá dài gây tranh luận
Việc đặt tên nhận được nhiều tranh luận. Ảnh minh họa: V.B.

Thông tư 04/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch, chính thức có hiệu lực từ ngày 16/7. Việc xác định họ, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp Pháp Luật, giữ gìn bản sắc dân tộc, không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

Nên đặt tên con như thế nào?

Anh Nam Trần (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng bố mẹ đặt tên cho con là quyền tự do của cá nhân, không nên có quy định áp đặt. Xã hội ngày càng hiện đại, tư duy của người dân được mở rộng, hạn chế tình trạng đặt tên xấu cho con.

Chị Hồng Hà - giáo viên quận Nam Từ Lêm, Hà Nội - cho rằng mỗi tên bố mẹ đặt cho con đều mang ý nghĩa, gắn với ước mơ, kỷ niệm của gia đình.

Phụ huynh có thể đặt tên gắn với mong muốn con đỗ đạt, thông minh, khỏe mạnh. Nhiều người đặt tên con không có dấu để thuận tiện ra nước ngoài. Người thích đặt tên con theo phong thủy với quan niệm cá nhân là dễ nuôi, hợp tuổi.

“Đồng ý việc đặt tên là quyền công dân. Tuy nhiên, nếu tên quá dài (trên 16 ký tự) sẽ gây bất lợi khi làm giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng… Tôi nghĩ việc quy định đặt tên là cần thiết, vừa để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, vừa thuận tiện giao dịch trong cuộc sống khi trẻ lớn lên”, chị Hồng Hà nói thêm.

Chị Minh Nguyệt - giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội - cho rằng nên có quy định cho cha mẹ khi đăng ký tên cho con. Thực tế có nhiều trường hợp gặp khó khăn, tình huống “dở khóc cười”, vì tên quá dài hoặc hài hước, độc lạ.

Chị Nguyệt cho biết với tên của mình, chị cũng phải viết tắt bớt họ khi điền vào các giấy tờ. Tên viết đầy đủ là “Lê Hoàng Minh Nguyệt”, khá nhiều ký tự. Đôi khi, chị gặp khó khăn như ký tên mất thời gian, dễ bị mọi người nhầm lẫn giữa họ và tên.

“Cái tên sẽ đi theo đứa trẻ suốt cuộc đời, liên quan hoạt động học tập, vui chơi và cả vấn đề pháp lý của con. Nếu đặt tên dài, khó đọc hoặc có nghĩa xấu, con sẽ gặp khó khăn, thậm chí ảnh hưởng tâm lý”, chị Nguyệt nói.

Nữ phụ huynh này cho rằng việc đưa ra quy định tên được giới hạn bao nhiêu từ cần được nghiên cứu phù hợp. Quy định không nên quá chung chung, khiến người thực hiện vào “thế khó”.

Tránh rắc rối pháp lý

Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp - cho biết thông tư 04/2020 là quy định chung phù hợp sự phát triển của xã hội.

Trước đây, nhiều địa phương lạc hậu, có quan điểm đặt tên xấu, con sẽ dễ nuôi; tên đẹp khó nuôi. Thậm chí, nhiều cha mẹ còn kiêng, tránh đặt tên trùng người lớn tuổi trong làng, họ, gia đình, dẫn đến việc lựa chọn tên tuổi cho con khó khăn. Quy định đặt tên phù hợp truyền thống, văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc là cần thiết.

Đồng ý việc đặt tên là quyền công dân. Tuy nhiên, nếu tên quá dài (trên 16 ký tự) sẽ gây bất lợi khi làm giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng.

Giáo viên Hồng Hà

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc đặt tên là quyền tự do cá nhân của cha mẹ. Vì thế, việc đưa ra quy định này sẽ gây nhiều tranh luận.

Luật sư Cường lý giải dưới góc độ pháp lý, đặt tên là quyền tự do của cá nhân. Tuy nhiên, quyền tự do cũng phải nằm trong khuôn khổ Pháp Luật.

Bởi lẽ, việc đặt tên quá dài, khó sử dụng, có thể gây trở ngại cho chính bản thân người được đặt tên và cơ quan Nhà nước trong việc quản lý thông tin cá nhân của những người này.

Ông đưa ra ví dụ, những trường hợp tên quá dài sẽ không thể thể hiện hết thông tin trên giấy tờ tùy thân như thẻ căn cước, bằng lái xe… Điều này dẫn đến việc phải viết tắt hoặc thêm dòng.

Việc đặt tên như vậy có thể dễ gây nhầm lẫn, sai sót trong quá trình sử dụng, thậm chí nhiều trường hợp "dở khóc, cười".

Thậm chí, một số cá nhân phải xin đổi vì tên quá dài, không thể đăng ký một số dịch vụ như làm thẻ ngân hàng. Việc đặt tên phù hợp không chỉ đúng quy định Pháp Luật, mà còn tránh những rắc rối pháp lý về sau.

Việc đưa ra quy định về đặt tên sẽ gây không ít khó khăn khi thực thi vì đây là quy định mới. Theo luật sư Cường, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể.

“Pháp Luật cũng nên quy định rõ về độ dài tên để dễ áp dụng trong thực tế. Ví dụ, họ tên chỉ giới hạn trong bao nhiều ký tự để cá nhân dễ dàng sử dụng, tránh gặp phiền hà, rắc rối trong đời sống, như dễ bị trêu đùa hoặc thậm chí gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính thông thường”, luật sư Cường đề xuất.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật