Bộ trưởng TTTT: Tận dụng cơ hội Covid-19 mang lại để bứt phá

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Ngoài việc vượt qua Covid-19, việc tận dụng cơ hội nó mang lại có ý nghĩa không kém phần quan trọng, trong đó có nhiều cơ hội với ngành TTTT”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng TTTT: Tận dụng cơ hội Covid-19 mang lại để bứt phá
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định dịch Covid-19 mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam bứt phá vươn lên. Ảnh: Mạnh Hưng.

Thông điệp này được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh khi phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm của Bộ, diễn ra sáng 6/7.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đại dịch Covid-19 cũng mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội để bứt phá vươn lên, trong đó có cơ hội của ngành Thông tin và Truyền thông (TTTT).

Cơ hội bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng đất nước

Thứ nhất, ông Hùng cho rằng đại dịch vừa qua là cơ hội và cú hích trăm năm để đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số trên bình diện toàn quốc gia, cả kinh tế, xã hội, cả Nhà nước, doanh nghiệp, cả cộng đồng và người dân.

Ông nhận định Việt Nam có lợi thế so sánh về chuyển đổi số, đồng thời có nhiều doanh nghiệp viễn thông và CNTT mạnh. “Đây là lúc phát huy để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Đất nước có thể nhân lúc này đầu tư cho chuyển đổi số, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cơ hội thứ hai Bộ trưởng đề cập chính là thị trường trong nước. Ông cho rằng 100 triệu dân là thị trường, tài nguyên lớn nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp ICT Việt Nam hãy coi thị trường trong nước là cái nôi để từ đây lớn lên, trưởng thành và đi ra toàn cầu.

Ba là xây dựng nền kinh tế tự chủ “Make in Vietnam”. Theo Bộ trưởng, khi đất nước có tình huống khẩn cấp mới thấy ý nghĩa của nền kinh tế tự chủ.

Vừa qua, rất nhiều ứng dụng phòng chống dịch ra đời, nhiều nền tảng Việt Nam cũng như hệ thống truyền thông trong nước đã giúp phòng chống dịch, thiết lập trạng thái bình thường mới. Ngành thông tin và truyền thông cũng góp phần tích cực vào kiểm soát đại dịch, để Việt Nam trở thành nước duy nhất đã 3 tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng; nền kinh tế trong nước cũng dần vận hành trở lại.

Cơ hội thứ tư là đầu tư cho năng lực y tế, tăng cường sử dụng công nghệ số cho y tế, khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy sản xuất thiết bị y tế trong nước, làm sao để vừa chống dịch vừa tạo năng lượng lâu dài cho ngành y tế.

Thứ năm là quyết định các vấn đề lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế. “Khi khó khăn thì dễ ra các quyết định lớn”, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Ông lưu ý các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành cần tận dụng cơ hội này để chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi quốc gia, ra quyết định áp dụng mô hình quản trị mới, mô hình kinh doanh mới, mở rộng không gian, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ mới dựa trên dữ liệu và công nghệ số.

Cơ hội tiếp theo là sự chuyển dịch đầu tư toàn cầu. Tư lệnh ngành TTTT nhận định Việt Nam có thể là điểm đón nhận sự chuyển dịch đó. “Sau 30 năm thu hút FDI, chúng ta đã quyết định một giai đoạn mới về FDI, đó là FDI có điều kiện, thu hút công nghệ cao, các tập đoàn công nghệ lớn và chú trọng nghiên cứu phát triển”, Bộ trưởng nói.

Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp ICT phải sẵn sàng là đối tác, không chỉ nhận chuyển giao mà quan trọng hơn phải là hợp tác về nghiên cứu phát triển công nghệ lõi và sản phẩm.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Hùng, Covid-19 đã khơi dậy các giá trị văn hoá cốt lõi Việt Nam, các ưu việt của chế độ.

“Đây chính là sức mạnh nội sinh để Việt Nam bứt phá. Các quốc gia phát triển, các doanh nghiệp vĩ đại đều dựa trên sức mạnh tinh thần và sức mạnh văn hoá. Và đây cũng chính là sự khác biệt bền vững để các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh, phát triển”, ông nhấn mạnh và nhắc lại khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng cần được báo chí truyền thông khơi dậy hơn bao giờ hết.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thăm khu triển lãm các nền tảng chuyển đổi số và trải nghiệm 5G "Make in Vietnam". Ảnh: Bộ TTTT.

Cũng theo Bộ trưởng, chống dịch hiệu quả và thành công đánh giá sự trỗi dậy của châu Á, các giá trị châu Á, cả chế độ, thể chế và văn hoá. Từ cơ hội này sẽ tạo chỗ đứng mới cho Việt Nam, đây là cơ hội để các doanh nghiệp ngành truyền thông nước nhà sánh vai với đối tác nước ngoài, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.

Nhắc đến mô hình hai bàn tay: Thị trường tự do và Nhà nước mạnh, Bộ trưởng Hùng cho rằng mô hình này đã được khẳng định trong phòng chống Covid-19.

“Việt Nam tự tin hơn vào mô hình của mình - mô hình thị trường mạnh và Nhà nước mạnh để đi lên mạnh mẽ, hướng vào thị trường, phát triển nhanh, đổi mới sáng tạo nhưng phải đi với quản trị tốt, hiện đại", ông Hùng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng TTTT cho rằng Covid-19 cũng làm chúng ta tư duy lại chủ nghĩa tiêu dùng vật chất quá mức, tàn phá thiên nhiên, không coi trọng đời sống tinh thần.

Khi chuyển đổi số, ông nhận định sẽ làm giảm tiêu xài vật chất, dành nhiều thời gian hơn cho đời sống tinh thần. Đây cũng là một thế mạnh châu Á, thế mạnh Việt Nam.

“Các đơn vị trong ngành TTTT có một sứ mệnh mới, 6 tháng đầu năm là tập dượt, 6 tháng cuối năm là bứt phá vươn lên. Ngành TTTT bứt phá vươn lên là giúp đất nước bứt phá vươn lên”, ông Hùng nhấn mạnh.

Hệ thống CNTT của cơ quan chính quyền phải có bảo vệ 4 lớp

Người đứng đầu ngành TTTT cũng đề cập, nhấn mạnh về nhiều mục tiêu trong giai đoạn 6 tháng cuối năm trong từng lĩnh vực.

Trước hết, bưu chính là một hạ tầng thiết yếu để đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Hạ tầng viễn thông thế hệ mới hay còn gọi là hạ tầng số phải là hạ tầng quan trọng nhất của kinh tế số.

Về an toàn thông tin, ông Hùng nhấn mạnh sứ mệnh làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn an ninh mạng Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Bộ TTTT.

Cùng với đó, ông nhắc đến công nghiệp ICT với sứ mệnh “Make in Vietnam”.

Nhiệm vụ của báo chí truyền thông, theo Bộ trưởng, phải khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Để thực hiện các mục tiêu ấy, Bộ trưởng TTTT yêu cầu làm ngay nhiều công việc.

Một là các đơn vị CNTT của bộ ngành, địa phương tham mưu các bộ ngành, địa phương ra nghị quyết chuyên đề của cấp uỷ và chiến lược chuyển đổi số cấp chính quyền ngay trong năm 2020.

Hai là các cục, trung tâm CNTT của các bộ, ngành bổ sung thêm việc và đổi tên thành Cục chuyển đổi số hoặc trung tâm chuyển đổi số. Bộ TTTT sẽ đề xuất Chính phủ việc này.

Ba là các bộ ngành và địa phương đưa dịch vụ công lên trực tuyến đạt 100% cấp độ 4, chậm nhất vào năm 2021.

Bốn là 100% các địa phương triển khai trục kết nối liên thông dữ liệu.

Năm là 100% hệ thống CNTT của các cơ quan chính quyền phải thực hiện bảo vệ 4 lớp ngay trong năm 2020.

Sáu là mỗi người phải có một chiếc điện thoại thông minh.

Bảy là mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao.

Tám là phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam: Doanh nghiệp làm chủ công nghệ lõi; doanh nghiệp phát triển sản phẩm giải pháp; doanh nghiệp triển khai và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật