Độc quyền: Hành trình lần theo tiếng khóc cứu sống bé trai sơ sinh bị bỏ rơi tại hố gas của cụ bà 71 tuổi

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
’Lúc tắm, tôi dội nước, lau người đến đâu là c‌ơ th‌ể bé hồng lên đến đấy. Khi tắm xong hết cũng là lúc miệng cháu đùn nước bọt ra ngoài. Khoảnh khắc đấy tôi thở phào ’Thôi... sống rồi!’’, bà Bích nhớ lại.
Độc quyền: Hành trình lần theo tiếng khóc cứu sống bé trai sơ sinh bị bỏ rơi tại hố gas của cụ bà 71 tuổi
Bà Đoàn Thị Bích (SN 1949) - người trực tiếp phát hiện và nhảy xuống hố bế cháu bé người đầy giòi bọ lên tắm rửa và đưa đi bệnh viện cấp cứu

Clip: Cụ bà 71 tuổi kể lại hành trình cứu sống bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ở hố gas

Chúng tôi đến thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ (huyện Sơn Tây, Hà Nội) để tìm gặp nhân chứng quan trọng trong vụ việc bé trai sơ sinh 3 ngày tuổi bị bỏ rơi tại hố gas bỏ hoang trên địa bàn. Đây là sự vụ đang gây xôn xao, chấn động dư luận suốt những ngày qua.

Không địa chỉ, không số điện thoại, không thông tin và không cả một cái tên... Thế nhưng, không khó để chúng tôi có thể tìm ra bà Đoàn Thị Bích (SN 1949) - người trực tiếp phát hiện, nhảy xuống hố bế cháu bé người đầy giòi bọ lên tắm rửa và đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Hành động đẹp của bà Bích đã khiến bà nổi tiếng khắp thôn. Tuy nhiên, bên cạnh việc được mọi người yêu quý, ngưỡng mộ thì chuyện ra tay cứu giúp bé trai 3 ngày tuổi cũng khiến cụ bà 71 tuổi gặp phải nhiều rắc rối.

Tình hình sức khỏe của bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ở hố gas hiện đã ổn định

Hố gas bỏ hoang - nơi cháu bé bị mẹ vứt bỏ

Hai đêm trằn trọc nghe tiếng ’mèo kêu’ và buổi giải cứu ’định mệnh’

Ngồi trong căn nhà của mình bà Bích vẫn chưa hết rùng mình khi nghĩ đến khoảnh khắc tự tay vét từng con giòi ra khỏi c‌ơ th‌ể bé.

’Cách ngày phát hiện ít hôm, tôi đi đọc kinh ở chùa về thì cứ nghe thấy tiếng khóc, tiếng khóc ghê lắm... Tôi mới nghĩ bụng bảo giống tiếng trẻ con quá, nhưng cũng lại giống cả tiếng mèo kêu. Xong mọi người bảo tôi nghe nhầm, có khi đó là tiếng của chim lợn, thế nên tôi cứ mặc kệ và đi ngủ.

Tầm 3h đêm, tiếng khóc làm tôi tỉnh giấc. Được một lúc lại im, xong lại khóc, thế là tôi ngủ cứ bị chập chờn. Tối hôm sau cũng y như vậy. Vì ban ngày cháu bé không khóc nên tôi không nghi ngờ. Đến chiều 8/6, tôi đi công chuyện trên xã về thì cháu gái tôi bảo ’bà ơi, lại có tiếng kêu giống trẻ con ngay ở vườn nhà mình’. Cháu tôi còn ghi âm lại tiếng khóc để cho tôi nghe.

Thế là tôi đi tìm quanh vườn nhà, sau đó đi sang khu vực Miếu thì nhìn thấy đôi chân trẻ con đen đen dưới hố gas. Tôi cúi xuống nhìn cho rõ hơn thì thấy đúng là một em bé đang nằm. Vậy là tôi nhảy ập xuống hố, ấp luôn bé vào người. Lúc bế cháu bé lên mùi hôi thối lắm... Mọi người nhìn còn tưởng bé đã chết rồi do c‌ơ th‌ể tím ngắt.

Hàng xóm khi đó khuyên đưa ngay đứa nhỏ ra Trạm y tế xã, nhưng tôi nhất quyết phải đưa bé đi tắm trước vì người cháu quá nhiều giòi. Lúc tắm, tôi dội nước, lau người đến đâu là c‌ơ th‌ể bé hồng lên đến đấy. Khi tắm xong hết cũng là lúc miệng cháu đùn nước bọt ra ngoài. Khoảnh khắc đấy tôi thở phào ’Thôi... sống rồi!’’, cụ bà 71 tuổi kể lại.

hiện trường vụ việc ngay sát cạnh nhà bà Bích

Ngày hôm đó, cụ bà 71 tuổi đã phải vác ghế trèo tường để lần theo tiếng khóc

Bà Bích tả lại khoảnh khắc cúi xuống hố gas nhìn bé trai sơ sinh đang nằm bất động

Chiếc chậu dùng để rửa sạch giòi bọ trên c‌ơ th‌ể cháu bé

Bà Bích kể, bà không dám đặt bé vào chậu ngay từ đầu mà chỉ dám dùng 1 tay bế, 1 tay hất nước rửa trôi giòi, tạm sạch rồi mới đặt cháu bé vào chậu

Sau khi tắm xong cho bé trai sơ sinh, bà Bích đưa bé đến Trạm y tế xã, sau đó chuyển đến bệnh viện Sơn Tây và ở đây các bác sĩ quyết định cho bé chuyển tiếp đến bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội để cứu chữa. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng sơ sinh. Ở thời điểm hiện tại, bệnh nhân đã được xử lý vết thương. Bé tỉnh, tự thở, truyền dịch, tiêm kháng sinh và nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch để theo dõi. bệnh nhân được chăm sóc cấp 1 tại khoa Sơ sinh bệnh viện.

Đằng sau hành động tốt cứu người là ’nỗi ám ảnh kinh hoàng’ của cả gia đình

’Sao bà bạo thế?’, ’Sao bà gan thế?’, ’Bà không sợ à?’... là loạt câu hỏi mà người dân ở thôn Thanh Tiến đặt ra cho bà Bích sau khi chứng kiến bà ôm bé trai người đầy côn trùng bò lúc nhúc trên c‌ơ th‌ể vào lòng. Ngày hôm đó, trong đám đông hiếu kỳ, chẳng mấy ai đủ can đảm chạm vào em bé sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố gas như bà Bích. Thậm chí, có người còn né tránh, bỏ chạy khi cụ bà 71 tuổi ôm bé đi qua.

Lý do đơn giản vì họ sợ. Phản ứng sợ hãi này là phản xạ hết sức tự nhiên ở con người. Ở đây, chúng ta không thể trách họ vô tâm, chỉ có thể khen rằng cụ bà 71 tuổi đã quá can đảm!

Tuy nhiên, phía sau sự can đảm ấy cũng là cả một nỗi ám ảnh kinh hoàng. Ngày thứ 2 sau khi giải cứu cháu bé, bà Bích vẫn cảm giác ’ghê ghê’ mỗi lần nhớ đến hình ảnh của những con giòi bu đầy người bé. Các cháu của bà thì không dám ăn cơm, không dám đi vào nhà tắm sau khi thấy bà chúng mang về nhà một đứa trẻ đầy kiến đen, giòi trắng trên người.

Ngày hôm đó, trong đám đông hiếu kỳ, chẳng mấy ai đủ can đảm chạm vào em bé sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố gas như bà Bích.

’Lúc đó làm gì còn tâm trí cho sự sợ hãi. Nhưng khi xong xuôi hết rồi, tôi mới bắt đầu bị ám ảnh’

Bà Bích bần thần nhớ lại khoảnh khắc ôm bé trai người lúc nhúc giòi vào lòng

Bà Bích kể lại: ’Lúc ôm đứa bé, tôi chỉ quan tâm đến chuyện sống chết. Tôi khi đó chỉ nghĩ trong đầu: ’Nếu cháu bé chết rồi, tôi nên chôn ở đâu?’, chứ làm gì còn tâm trí cho sự sợ hãi. Nhưng khi xong xuôi hết rồi, tôi mới bắt đầu bị ám ảnh. Cả ngày mùng 9 tôi hầu như chỉ uống nước đường, chẳng ăn uống gì. Mấy đứa cháu tôi chẳng dám ăn cơm vì thấy ghê. Tôi phải động viên chúng nó rằng ’Em đã chết đâu, em vẫn sống mà, có gì phải sợ?’, rồi ép mấy đứa nhỏ ăn cơm cho có chất’.

Ngoài nỗi ám ảnh, gia đình cụ bà 71 tuổi còn bỗng dưng bị hàng xóm xa lánh. Nguyên nhân là vì bà trở thành nhân chứng quan trọng trong vụ việc cháu bé bị bỏ rơi, nên công an thường xuyên đến nhà lấy lời khai, xem xét hiện trường để thu thập chứng cứ... Vì thế, người dân quanh đó không dám đến chơi do sợ bị liên lụy. Đến hôm chúng tôi qua thăm nhà, một vài người hàng xóm cũng mới bắt đầu qua hỏi thăm bà Bích.

’Tôi như người đã ’tái sinh’ nên cháu bé, tôi muốn đón nó về nuôi’

Tuổi cao, lại sống trong vùng thôn quê nên độ tiếp cận với công nghệ thông tin của bà Bích rất thấp. Cũng bởi vậy, dù trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa tin hàng loạt về diễn tiến sức khỏe của bé trai sơ sinh, cụ bà 71 tuổi vẫn chẳng hay biết.

Ngay khi PV chúng tôi vừa bước vào nhà và hỏi thăm về cháu bé 3 ngày tuổi, bà Bích liền bất giác hỏi một tràng: ’Cô ơi, liệu đôi mắt của nó có khỏi được không cô nhỉ?’, ’Tôi lo lắm... ngày nào tôi cũng thắp hương cầu khấn cho sức khỏe cháu nó ổn’, ’Không biết nó bây giờ như thế nào rồi’...

’Tình hình bé tốt hơn rồi bà ạ. Đang được chăm sóc tích cực ở bệnh viện. Nhiều nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ tiền để cứu bé lắm. Cũng có rất nhiều người đã liên hệ với xã để xin nhận nuôi’, chúng tôi thông báo. Nghe xong, cụ bà 71 tuổi lại một lần nữa thở phào: ’Thế tốt rồi!’.

Tuy nhiên ngay sau câu nói đó, bà lại băn khoăn: ’Thế tôi cũng đăng ký xin nhận nuôi rồi, liệu họ có trao bé cho tôi không hả cô? Tôi giống như người đã sinh ra bé lần 2, tôi nghĩ tôi đủ tư cách để nuôi cháu. Tôi không yên tâm giao nó cho người khác. Tôi sợ cháu nó bị người ta đối xử không tốt’.

’Tôi giống như người đã sinh ra bé lần 2, tôi nghĩ tôi đủ tư cách để nuôi cháu’

Khi được hỏi bà tuổi cao thế này thì nuôi làm sao? Cụ bà 71 tuổi lập tức khẳng định, các con của bà sẽ nhận cháu bé làm con nuôi và có trách nhiệm chu cấp tiền sinh hoạt cho bé. Còn bà sẽ là người chăm sóc, ở bên bé hàng ngày. Kể cả khi đôi mắt cháu bé không chữa khỏi được, bà vẫn muốn đón về.

’Ôi dào... tôi có kinh nghiệm nuôi nấng 5 đứa cháu rồi, lo gì! Con trai tôi thì rất tự hào về mẹ. Nó bảo mẹ cứ xin đón bé về đi, vợ chồng con sẽ làm bố mẹ nuôi cho em bé’, bà Bích cười hiền nói.

Theo thông tin mới nhất, Công an thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã xác định được mẹ của bé trai sơ sinh. Người này tên P.T.T (SN 1989, trú tại Hà Nam). Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên ngay khi sinh, T. đã bế con trèo vào phía sau đền Mẫu vứt bỏ.

Sau đó, T. xoá dấu vết, rồi đi về trung tâm thành phố Hà Nội. Hiện Công an thị xã Sơn Tây đang lập hồ sơ xử lý hành vi của P.T. T theo đúng quy định của Pháp Luật và phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho cháu bé.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật