Thanh Hoá: Về quê hương đúc đồng nghe chuyện người khai dựng quốc sử

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) được biết đến là quê hương của Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia nghề đúc đồng làng Chè nổi danh cả nước. Nơi đây còn có quần thể lăng mộ và đền thờ của vị sử gia thời Trần nổi tiếng: Lê Văn Hưu. Không chỉ tài danh lỗi lạc, ông còn được nhắc đến với vai trò người “khai dựng quốc sử” Việt Nam. Hàng trăm năm đã trôi qua, nhưng những giai thoại, chuyện đời và cống hiến của ông cho triều đại, đất nước vẫn được hậu thế nhắc đến với sự ngưỡng mộ, biết ơn.
Thanh Hoá: Về quê hương đúc đồng nghe chuyện người khai dựng quốc sử
Khu lăng mộ sử gia Lê Văn Hưu được tôn tạo khang trang.

Đất và người xứ Thanh qua các hiện vật lịch sử

//

Từ Tiến sĩ khai khoa mở đầu truyền thống học hành thi cử ở xứ Thanh

Trở về Thiệu Trung lần này, vẫn là không khí náo nhiệt của một làng nghề truyền thống với những cửa hàng bán buôn sản phẩm thủ công tinh xảo. Nhưng, thay vì dạo thăm một vòng như thường, tôi quyết định đến thẳng khu lăng mộ của sử gia Lê Văn Hưu. Đầu những năm 2000, khu lăng mộ vị sử gia thời Trần được tôn tạo khá khang trang, trên quy mô khuôn viên đất rộng lớn với cảnh quan hài hòa, xứng tầm. Thắp cho tiền nhân nén hương thơm tỏ lòng thành kính và lắng lòng nghe chuyện kể, có cảm giác, đã là người sinh ra ở vùng đất này thì việc “thuộc” chuyện về cụ cũng là điều đương nhiên.

Theo gia phả họ Lê, Lê Văn Hưu là hậu duệ đời thứ 7 của Lê Lương - người từng nuôi 3.000 môn đệ, khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thì ông được phong Bộc xạ tướng công. Đáng tiếc, khi ông còn trong bụng mẹ thì cha đã qua đời vì bạo bệnh. Cậu bé Lê Văn Hưu vì thế từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng giáo dục của ông ngoại và mẹ, vốn là những người nổi tiếng hay chữ và tinh thông phong thủy (địa lý) trong vùng. Biết nói khá sớm, thiên phú thông minh lại được mẹ thường xuyên chỉ dạy chữ nghĩa Nho gia nên chẳng mấy chốc, tiếng tăm hay chữ của Lê Văn Hưu đã nổi tiếng khắp vùng. Có chuyện kể rằng, trong một lần đi học về, qua lò rèn dừng chân xem bác thợ mài dùi đóng vở. Thấy cậu bé Hưu thích thú nên bác thợ rèn đã ra vế đối: “Than trong lò, lửa trong lò, sắt trong lò, thổi phì ph‌ò đúc nên dùi vở”, kèm lời thách đố nếu đối được sẽ được tặng dùi vở và ba tiền. Chẳng ngờ, lời bác thợ rèn vừa dứt thì Lê Văn Hưu đã ứng đối ngay: “Giấy trong túi, bút trong túi, mực trong túi, viết lúi húi mà đậu Khôi nguyên”. Vế đối chuẩn chỉnh từng câu, từng chữ khiến bác thợ tán dương hết mực.

Cũng theo dân gian, không chỉ giỏi chữ, Lê Văn Hưu còn thể hiện chí nam nhi kẻ sĩ từ rất sớm. Ấy là trước khi ra kinh đô dự thi, chàng trai Lê Văn Hưu đã đến chùa Báo Ân dưới chân núi An Hoạch (Đông Sơn) để ôn luyện văn tài. Ở đây, cậu làm bạn tri kỷ với một cụ già tóc bạc phơ đầy uyên bác. Một hôm, nhìn cây thiên tuế trước cửa chùa xanh tươi, cụ già trầm ngâm đọc vế đối: “Cây thiên tuế sống ngàn năm”, ý nói cây sống lặng lẽ nơi cảnh chùa không vướng bụi trần nên thọ đến ngàn năm. Lời cụ già vừa dứt, Lê Văn Hưu đã chỉ dàn thiên lý trước mặt mà đọc: “Hoa thiên lý thơm vạn dặm”. Là hoa thiên lý tỏa mùi thơm cho đời, đem tinh túy của đất trời đến vạn dặm chứ không lặng lẽ riêng mình như thiên tuế ngàn năm. Đó phải chăng cũng là chí trai ở bốn phương của kẻ sĩ.

Chẳng uổng công Lê Văn Hưu đèn sách cùng sự kỳ vọng của người mẹ tảo tần sớm hôm. Năm 1247, dưới thời vua Trần Thái Tông, trong kì thi Thái học sinh được mở vào đầu xuân Đinh Mão, Lê Văn Hưu đã xuất sắc đậu Tam khôi, bậc Bảng nhãn. Ông đỗ chỉ xếp sau Trạng nguyên Nguyễn Hiền và xếp trước thám hoa Đặng Ma La. Năm ấy, Lê Văn Hưu vừa tròn 17 tuổi. Điều đáng nói, trước Lê Văn Hưu, ở vùng đất Đông Sơn và trấn Thanh Hóa lúc bấy giờ, đừng nói đến Tam khôi (ba danh hiệu dẫn đầu bảng vàng), ngay cả đậu Thái học sinh (Tiến sĩ) cũng chưa có ai. Bởi vậy, Lê Văn Hưu không chỉ là Tiến sĩ đầu tiên mà còn là người đầu tiên ghi tên trên con đường khoa cử của xứ Thanh.

Trở lại kinh đô Thăng Long sau khi vinh quy bái tổ, Bảng nhãn Lê Văn Hưu được vua Trần tin tưởng chọn làm thầy học của các hoàng tử lúc bấy giờ. Các hoàng tử dưới sự chỉ dạy của thầy Hưu về sau đều là những bậc hiền tài, trụ cột của triều đình như: Trần Hoảng (tức Trần Thánh Tông); Chiêu Minh vương Trần Quang Khải (quan Thái sư đứng đầu bách quan, văn võ toàn tài); Trần Nhật Duật (nhà ngoại giao kiệt xuất).

Đền thờ Lê Văn Hưu trong khuôn viên chùa Hương Nghiêm khi chưa được trùng tu.

Đến người “Khai dựng quốc sử” Việt

Con đường làm quan của Lê Văn Hưu kinh qua nhiều vị trí chức vụ khác nhau. Năm 1253, ở tuổi 23, ông giữ chức Hàn lâm viện thị độc giữ việc giảng kinh sách cho vua. Năm 1271, khi Chiêu Minh vương Trần Quang Khải làm Tướng quốc Thái úy nắm giữ việc nước thì ông được giao trọng trách Phó quan giúp việc Thái úy. Không lâu sau, ông lại giữ chức Kiểm pháp quan của viện Đăng văn - chức quan tra xét hình ngục. Và khi 44 tuổi (năm 1274), ông đã giữ đến chức Thượng thư bộ Binh (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay).

Tuy nhiên, dấu ấn trong sự nghiệp làm quan của Lê Văn Hưu được hậu thế nhắc đến nhiều nhất có lẽ là khi ông giữ chức Hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc Sử giám tu - chức quan đứng đầu viện Quốc Sử. Ở vị trí này, ông được giao nhiệm vụ soạn Quốc sử. Và theo lệnh của vua Trần Thái Tông, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu Lê Văn Hưu đã hoàn thành việc biên soạn “Đại Việt sử ký” - Bộ quốc sử đầu tiên của triều đại lịch sử phong kiến Việt Nam. Theo đó, bộ quốc sử Đại Việt sử ký gồm 30 quyển đã ghi lại các sự kiện quan trọng của đất nước trong thời gian khoảng 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế (Triệu Đà) tới Lý Chiêu Hoàng. Đánh giá về tài năng viết sử của Lê Văn Hưu, các sử gia nổi tiếng đời sau như Ngô Sỹ Liên cũng không tiếc lời ca tụng, gọi ông là “Đại thủ bút đời Trần”. Thậm chí, hậu thế còn ví ông như Hêrôđốt (nhà sử học Hy Lạp) Việt Nam; hay “Lê Văn Hưu là Tư Mã Thiên của Việt Nam”... Đại Việt sử ký sau khi hoàn thành (năm 1272) đã được vua Trần Thái Tông hết mực ngợi khen, thưởng cho ông tước Nhân Uyên Hầu.

Đáng tiếc, nhà Minh mang dã tâm đồng hóa, biến Đại Việt trở thành một phần lãnh thổ, khi xâ‌m lượ‌c nước ta cùng với việc ra sức vơ vét tài nguyên sản vật, các tài liệu sử cũng được triều đình phương Bắc thủ tiêu, thu gom mang về nước. Vì vậy, Đại Việt sử ký do sử gia Lê Văn Hưu biên soạn cũng không tránh khỏi tham vọng hủy diệt của kẻ xâ‌m lượ‌c. Theo sử gia Trần Trọng Kim trong tác phẩm Việt Nam sử lược: “Đại Việt sử ký là bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Sau khi xâ‌m lượ‌c Đại Ngu (niên hiệu nước ta dưới thời Hồ), nhà Minh đã đưa sách của nước Nam về Trung Quốc, trong đó có 30 quyển Đại Việt sử ký”.

Tuy nhiên, từ những tài liệu mà sử gia Lê Văn Hưu đã dốc lòng biên soạn trước đó, các nhà sử học của triều đại về sau như Phan Phu Tiên, Ngô Sỹ Liên... đã tiếp tục biên soạn quốc sử. Trong đó, không thể không nhắc đến Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sỹ Liên soạn dưới triều vua Lê Thánh Tông. Những lời nhận xét của sử gia Lê Văn Hưu vẫn được vị sử gia thời Hậu Lê là Ngô Sỹ Liên trân trọng ghi lại trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư với sự đề cao: “Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi”.

Và nếu đọc Đại Việt sử ký toàn thư, hậu thế hẳn sẽ nhận ra, ở nhiều vụ việc, những lời bàn của sử gia Lê Văn Hưu vẫn được ghi lại khá chi tiết. Như khi nhắc đến Hai Bà Trưng, ông viết: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu - chân, Nhật - nam, Hợp - phố và 65 thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, đủ biết là hình thế đất Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương”. Hay khi nói về vị vua sáng lập ra nhà Tiền Lê, ông không ngần ngại: “Lê Đại Hành giết chết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc... dễ như lùa trẻ con, như sai n‌ô l‌ệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi yên tĩnh, cái công đánh ấy tuy nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được...”.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông xưa đã trải qua bao biến động, thăng trầm. Nếu không có những người chép sử, viết sử tài năng, tâm huyết như sử thần Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên... liệu hậu thế ngày hôm nay còn có thể biết đến quá khứ oai hùng của cha ông đi trước? Nhắc lại như vậy để hiểu rằng, việc tri ân, biết ơn công lao của đấng tiền nhân đi trước thực sự là điều phải lẽ.

Là người lỗi lạc, làm quan trải nhiều chức vụ khiến người đời nể trọng, như “hoa thiên lý thơm ngàn dặm” song khi mất, ông lại chọn cho mình nơi an nghỉ ở chốn quê nhà Kẻ Rỵ, nay là làng Phủ Lý Nam, xã Thiệu Trung. Năm 1990, Bộ Văn hóa đã kí quyết định công nhận quần thể Di tích chùa Hương Nghiêm, đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Song người dân và khách tham quan khi đến thăm di tích không khỏi ngậm ngùi vì đền thờ nhà sử học nhiều năm qua chưa được trùng tu, tôn tạo xứng tầm bậc danh sĩ.

Tuy nhiên, một thông tin vui được Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung Đỗ Đức Thanh chia sẻ: Ngày 15/1/2020 đã khởi động dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu hạng mục đền thờ chính (tiền bái, hậu cung) với kinh phí giai đoạn dự toán hơn 10 tỷ đồng. Trước đó, năm 2018, di tích đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Sau khi hoàn thành việc trùng tu tôn tạo đúng quy định, cùng với di sản nghề đúc đồng làng Chè, quần thể di tích chùa Hương Nghiêm, đền thờ Lê Văn Hưu với tổng diện tích quy hoạch gần 10.000m2 chắc chắn sẽ là điểm đến tham quan, du lịch tâm linh hấp dẫn người dân và du khách khi về với xứ Thanh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật