Ước mơ của cô giáo xinh đẹp vừa giành giải 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ chối vị trí giám đốc đại diện của một công ty dược, Phượng chọn quay về chính nơi mình sinh ra để làm cô giáo “trường làng”, giúp các em học sinh miền núi tiếp cận được với ngoại ngữ.
Ước mơ của cô giáo xinh đẹp vừa giành giải 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu
Cô giáo Hà Ánh Phượng là một trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020 do tổ chức giáo dục Varkey Foundation công bố.

Xem Video: CÔ GIÁO VIỆT NAM LỌT TOP 50 GIÁO VIÊN TOÀN CẦU

//

Cô giáo giúp học trò kết nối “5 châu” qua Internet

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã có thư chúc mừng gửi cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên trường THPT Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ), là 1 trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020 do tổ chức giáo dục Varkey Foundation công bố, đây được ví như "giải Nobel" dành cho giáo dục.

Ngôi Trường THPT Hương Cần nơi cô giáo Phượng đang giảng dạy, những năm gần đây được coi là điểm sáng trong phong trào đổi mới sáng tạo dạy và học của tỉnh Phú Thọ. Dù ngôi trường này có tới 85% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhưng nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, cô Phượng đã đưa các em học sinh tiếp cận được với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đưa các em tham gia vào các tiết học xuyên biên giới.

Với mong muốn đưa học sinh miền núi trở thành những “công dân toàn cầu”, cô Phượng đã giúp học sinh của mình vượt qua khó khăn nhờ công nghệ. Cô đã áp dụng mô hình lớp học không biên giới, kết nối học trò với các trường nước ngoài qua Skype, từng bước chứng minh rằng “giáo dục là không giới hạn”.

Không những chỉ dạy cho học trò của mình, cô giáo trẻ này còn dành thời gian dạy học miễn phí cho trẻ em tại khu ổ chuột của Ấn Độ, trẻ em ở Nam Phi cho đến các lớp học trực tuyến tại California, Mỹ.

Xúc động khi cùng lúc vừa được tôn vinh “50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu”, vừa nhận được thư chúc mừng của Bộ trưởng, cô Phượng bộc bạch: “Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, vinh dự và muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Cảm ơn những động viên của Bộ trưởng, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn”.

Cô bảo, việc cô được ghi danh vào top 50 giáo viên toàn cầu không chỉ có ý nghĩa cho cá nhân mà còn góp phần khẳng định vị trí của giáo dục Việt Nam và năng lực của giáo viên, công dân Việt Nam trên trường quốc tế.

Cô Phượng là người con dân tộc Mường, sinh ra trong vùng quê nghèo ở Yên Lập, một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ. Do đó, cô thấu hiểu được những khó khăn mà học sinh gặp khải khi tiếp cận với việc học ngoại ngữ.

Sở dĩ cô đam mê với tiếng Anh bởi vì trước đây khi cô học mọi thứ đều phụ thuộc vào sách giáo khoa và thầy cô. Luôn muốn tìm kiếm cơ hội để bản thân tiếp cận được tiếng Anh nên cô đã dành thời gian viết thư tay cho các bạn nước ngoài, mua báo cũ về dịch, xem bản tin Tiếng Anh trên ti vi.

Ngay từ nhỏ đã mơ ước được làm cô giáo đứng trên bục giảng, nên cô Phượng luôn ý thức được việc học của bản thân. Cấp 2 theo học trường dân tộc nội trú huyện, đến cấp 3 là ngôi trường nội trú tỉnh, những ngôi trường này đã chắp cánh cho ước mơ của cô Phượng. Ngoài những giờ học trên lớp, cô luôn tìm tòi để tiếp cận được với môi trường ngoại ngữ. Những lúc được nghỉ, cô tham gia vào phòng chát trên Yahoo tìm một số người bạn nước ngoài để giúp bản thân nâng cao kỹ năng giao tiếp.

Từ chối vị trí giám đốc về làm cô giáo “trường làng”

 

Cô Phượng và các học sinh Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ với dự án “Nói không với ống hút nhựa”.

Đến năm 2009, Phượng đạt học bổng Hoa Trạng Nguyên - giải thưởng dành cho thủ khoa tốt nghiệp THPT do Bộ GDĐT phối hợp với Tập đoàn Tân Tạo trao tặng. Năm 2011, cô là 1 trong 14 sinh viên châu Á đạt học bổng tiềm năng lãnh đạo do viện Giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng.

Tốt nghiệp Trường Đại học Hà Nội với tấm bằng loại ưu, Phượng được một công ty dược của Pakistan mời về làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với một mức lương hấp dẫn. Nhưng cô đã từ chối để tiếp tục học thạc sĩ ngành Sư phạm tiếng Anh.

Từ chối vị trí giám đốc của một công ty dược, Phượng quyết định trở về quê hương làm cô giáo “trường làng” khiến nhiều người bất ngờ. Cô muốn đem những kiến thức của bản thân truyền đạt lại cho học sinh miền núi, để giúp các em tiếp cận được với ngoại ngữ dễ dàng, tự tin hơn.

Cô bảo, giờ học trò của cô có thể tự tin giới thiệu về những nét văn hoá của người Mường với người nước ngoài bằng cách giao tiếp thông qua buổi học trực tuyến trên mạng. Học trò của cô cũng không ngần ngại đứng lên thuyết trình trong buổi báo cáo dự án “Nói không với ống hút nhựa”. Đó cũng là một giờ học kết nối hơn 7 quốc gia tới từ 4 châu lục. Trong tiết học này, các em đã mang đến những sản phẩm được làm từ chiếc ống hút tre và giới thiệu quy trình làm ra sản phẩm ấy để lan toả tới bạn bè quốc tế.

Cũng vì điều đó, nên khi về công tác tại Trường THPT Hương Cần, cô Phượng đã giúp học sinh của mình vượt qua khó khăn nhờ công nghệ. Các sáng kiến của cô cải thiện đáng kể năng lực ngoại ngữ cho học sinh, thể hiện rõ qua kết quả thi THPT quốc gia.

Ở địa phương, cô Phượng luôn được nhắc đến là giáo viên trẻ nhiều sáng kiến và sáng tạo đột phá trong giáo dục, được báo cáo tại các hội thảo quốc tế Viettesol. Với nỗ lực và sáng tạo không ngừng, năm 2019, cô được sở GD&ĐT Phú Thọ trao tặng Giấy khen trong phong trào thi đua “Đổi mới và sáng tạo trong dạy và học”.

Cho đến nay, nỗ lực và thành quả của cô Phượng cùng học trò của mình đã và đang góp phần truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ Việt Nam trên hành trình khám phá, khẳng định bản thân, cống hiến cho cộng đồng.

Mô hình lớp học xuyên biên giới chỉ cần một chiếc laptop có kết nối mạng, cô giáo người Mường này đã đưa học sinh tới nhiều quốc gia khác mà chi phí không hề tốn kém. Hiện tại, cô Phượng muốn phát triển một kênh Youtube để dạy miễn phí cho học sinh cả nước, đặc biệt là học sinh lớp 12. Đồng thời, cô tiếp tục chia sẻ cho đồng nghiệp về phương pháp dạy học cũng như việc ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin vào dạy học.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật