Xuân về cười ‘vỡ bụng’ ở làng nói khoác nổi tiếng Việt Nam

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dọc chiều dài đất nước ta có nhiều làng nói khoác, nói tức, nói như cua nổi tiếng. Đó là những nét văn hóa đặc sắc tạo tiếng cười vui vẻ mỗi độ tết đến, xuân về.
Xuân về cười ‘vỡ bụng’ ở làng nói khoác nổi tiếng Việt Nam
Ảnh minh họa

Xem Video: Truyện cười - Thi nói khoác

//

1. Đất Văn Lang, cả làng nói khoác


Làng Văn Lang thuộc xã Văn Lương (huyện Tam Nông, Phú Thọ) nổi tiếng với tục nói khoác. Nơi đây cũng là nơi xuất thân của nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng như nghệ sĩ Hán Văn Tình, Hán Văn Thân, NSND tuồng Hồng Khiêm... Ở nơi đây có câu nói truyền đời “Người làng Văn Lang thì buộc phải biết nói khoác” nhưng cách nói khoác của người Văn Lang là “nói khoác ra tiền”.

Nghệ nhân Hán Xuân Kích từng kể một câu chuyện điển hình của tục nói khoác làng Văn Lang: "Nhà ông Tình Thực có cây bưởi năm nào cũng sai trĩu quả. Nhà ông lại có con trâu cà to đùng. Sáng nào cũng vậy, dắt trâu vào vườn là ông cột cổ nó vào gốc bưởi. Bình thường thì nào có chuyện gì. Nhưng vào một buổi trưa, nó bị ve đốt, đỉa cắn, con trâu cà lồng lên, cọ cổ vào thân bưởi, cả thân bưởi rung lên, một chùm bưởi 3 quả rụng táng vào đầu trâu. Con trâu bất giác lăn đùng ra chết không kịp ngáp".

Cụ Trần Văn Thuộc - người làng nói khoác Văn Lang - thường kể: “Một anh chàng nhác nên giả ốm, kêu mệt rồi nằm nhà. Nhưng chị vợ vừa đi làm, anh ta đã vùng dậy rang ngô chén. Ngô vừa chín đã thấy tiếng vợ nheo nhéo gọi ngoài cổng. Thì ra vì chị vợ bỏ quên cái nón nên quay về lấy. Bí quá, anh chồng đổ tất ngô đang nóng vào túi quần. Bỏng quá, anh chàng vừa chạy ra mở cổng vừa nhảy tâng tâng. Chị vợ thấy lạ bèn hỏi: “Phải gió hay sao mà cứ nhảy cẫng lên thế?”. Anh chàng nhăn nhở cười: “Hay chửa, thấy mẹ mày về, chó còn mừng nữa là tao”.

Hay người Văn Lang khi ra đồng ruộng vẫn có những câu chuyện nói phét như thật để xua đi mệt mỏi: “Ruộng nhà em hôm qua còn xanh mơn mởn thế mà nay đã rũ nát thế này. Nhìn ruộng lúa mà đau đứt ruột. Vớ được con bò ấy thì em cho một dùi. Nhưng tìm mãi chẳng thấy bò mà chỉ thấy một con cua. Con cua giơ cái càng ra cắp, em đành phải lấy cái thừng to buộc vào càng nó. Nó lôi em đi, em lôi lại, cái càng gãy khực. Em quẳng càng xuống ao rửa. Chỉ một cái càng thôi mà nấu được nồi mười canh đặc”.

Ngay cả vị cay của quả ớt, người Văn Lang cũng nghĩ ra được những câu nói khoác khiến thiên hạ cười lăn lê bò toài: "Ớt Văn Lang chúng em cay ơi là cay, ngửi một ít cũng cay lên tận óc, hít một tý là hắt xì hơi suốt ba ngày, ăn một tẹo cũng cay rụt lưỡi". Có người khách đi qua nghe thế nhặt quả ớt lên, đúng lúc tự nhiên hắt xì hơi nên vội vàng xua tay bảo: "Gớm, cay thế thì bố ai dám mua".

Là làng nói khoác truyền thống, Văn Lang có một đặc trưng là ai cũng biết nói khoác, người người nhà nhà đều giỏi nói khoác. Họ nói khoác đến nỗi, người trong gia đình mất, nhờ xã thông báo tin buồn trên đài truyền thanh mà người làng khác không ai tin. Tuy nhiên, nói khoác cũng thành một nghề kiếm tiền của người Văn Lang, dù việc nói khoác với họ chỉ là niềm đam mê để xua tan mỏi mệt sau thời gian làm việc. Xuân về, những câu nói khoác của người Văn Lang luôn tạo tiếng cười vui vẻ.

2. Làng nói ngang như cua Phụng Pháp


Đến làng Phụng Pháp (xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), khi giao tiếp với người dân, nhiều người dù bực mình nhưng vẫn phải cười phá lên vui vẻ bởi đây là làng nói ngang như cua. Đây cũng chính là sự nổi tiếng của ngôi làng này nhiều năm qua. Như câu chuyện, có một ông khách đến thăm nhà của một người ở làng Phụng Pháp, thấy có cụ già từ ngoài vườn bước vào nhà, vị khách liền hỏi người vừa dẫn vào: “Cụ đây là người thân sinh ra bác hả?”. "Không, đây là ông nội của con tôi, là bố chồng của vợ tôi". Cách nói ngang của người Phụng Pháp còn được gọi là nghệ thuật nói nước đôi, đòi hỏi phải tư duy nhạy, có góc cạnh, nhìn vấn đề, sự vật trên phương diện đối lập nhau hoặc lật ngược vấn đề và được xem là văn hóa đặc sắc riêng của vùng Kinh Bắc cổ.

3. Khách đến làng Can Vũ sôi máu vì bị nói tức


Làng Can Vũ (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) từ lâu đã nổi tiếng là “làng nói tức”. Người dân nơi đây có lối đối đáp sắc sảo khiển người nghe tức đến sôi máu mà không thể trách oán. Trong cuộc sống đời thường, những câu đối thoại chào hỏi của người Can Vũ cũng mang đầy sắc thái chế nhạo, châm cười, mục đích của nói tức nhằm xua tan những mệt nhọc sau giờ lao động, những câu chuyện đời thường được đối đáp với nhau bằng giọng hài hước, thâm sâu cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

4. Nói phét Hòa Làng


Thôn Hòa Làng (xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) được mệnh danh là "làng nói khoác". Mọi người trong vùng thường nói: "Dân Hòa Làng có khác", hay "Muốn nói khoác thì về Hòa Làng mà nói"... để khẳng định sự việc của người đang nói là không có thật. Những câu chuyện nói phét của người dân Hòa Làng bắt nguồn từ những sự việc rất đời thường như một người dân quả quyết khi kể chuyện: "Tôi bắt được một con ếch, ăn thịt hai năm mới hết". Chúng tôi đoán già đoán non không biết bác ra chiêu gì đây thì bác mới thủng thẳng kể câu chuyện: Đêm 30 cầm đuốc ra trại, qua bờ ao, bắt được một con ếch to về làm thịt, bắc mâm ra còn là năm cũ, ăn qua giao thừa sang năm mới mới hết. Thế chẳng là con ếch ăn hai năm mới hết là gì?”. Hay, một người dân khác “chém gió” ở làng có con cá quẫy nát ba sào lúa. Khi được hỏi, người này giải thích: "Trẻ trâu thấy con cá quả “nạc” vào ruộng xấp nước, chúng hò nhau vào đuổi bắt, cá quẫy khắp ruộng, trẻ con đuổi theo. Bắt được con cá bằng cổ tay thì nát hết ba sào lúa, thế không phải con cá quẫy nát ba sào lúa ư?".

5. Dương Sơn nói phét bằng ba Hòa Làng


Cách làng Hòa Làng không xa, làng Dương Sơn (xã Liên Sơn, Tân Yên, Bắc Giang) cũng nổi tiếng là làng nói phét, thậm chỉ gấp ba làng Hòa Làng, dù thời gian gân đây nhiều người dân địa phương phải thốt lên bị oan và mang tiếng là làng nói phét. Theo giải thích của người dân địa phương, ngày xưa, các cụ làng nói phét lắm. Không đâu địch được tài "chém gió" của các cụ. Thế nên ở Bắc Giang người ta mới hay đọc câu thơ "Hòa Làng nói phét có ca/Dương Sơn nói phét bằng ba Hòa Làng". Dương Sơn còn có tên khác là Kẻ Nẻo, là đất có truyền thống học hành, khoa bảng, trong làng có "Dương Sơn hội quán" là ngôi nhà để mọi người tập trung bình văn. Dương Sơn tự hào vì dân làng mình không thua kém ai cả, kể cả nói khoác. Ở Dương Sơn có cụ cả Tam nói khoác vừa hay, vừa có duyên, ngoài nội dung gây cười cụ còn dùng điệu bộ, âm thanh để tạo sự sinh động. Dân làng phong cụ là "nghệ nhân" nói khoác hay "trạng bố”. Cụ kể rằng: Nhà cụ có giỗ, thịt con gà, tuốt cái mỏ trên vứt xuống ruộng, khi mượn người cấy, họ tưởng đó là cái lưỡi cày lại nhặt đem về”.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật