“Người Việt ở Saint Petersburg dù gặp khó khăn vẫn sống lạc quan”

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc và học tập ở thành phố Saint Petersburg hiện có khoảng trên 1.000 người.
“Người Việt ở Saint Petersburg dù gặp khó khăn vẫn sống lạc quan”
Ông Lê Đình Vũ, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Saint Petersburg, Liên bang Nga trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV

Ông Lê Đình Vũ, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Saint Petersburg, Liên bang Nga trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV về hoạt động của cộng đồng người Việt ở thành phố này.

PV: Thưa ông, cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Saint Petersburg hiện nay khoảng trên 1.000 người. Xin ông cho biết cụ thể về tình hình của bà con ở đây?

Ông Lê Đình Vũ: Cộng đồng người Việt tại Saint Petersburg có khoảng trên 1.000 người, rất nhỏ so với thành phố lớn thứ hai của Liên bang Nga, với số dân khoảng 7 triệu người. Người Việt ở đây như thế là rất ít, gặp nhau ngoài đường rất khó.

Tuy nhiên, cộng đồng hay tổ chức các buổi giao lưu. Mỗi năm, Ban chấp hành và cả cộng đồng thống nhất gặp gỡ 4 lần trong 4 ngày lễ lớn như Quốc khánh, Ngày Quốc tế Phụ nữ, Tết Nguyên đán và Tết Thiếu nhi. Ngoài ra còn nhiều ngày khác nữa, mọi người cũng tổ chức gặp gỡ khá đông vui.

Những lần gặp mặt quy mô lớn có khoảng 300-400 người, ít hơn thì cũng có khoảng 100 người. Cộng đồng người Việt chúng tôi ở đây rất vui vẻ, trong đó, có những thành phần là sinh viên, học viên quân đội khoảng 600-700 người. Còn lại là những người kinh doanh, làm ăn, khoảng 300-400 người.

Cuộc sống của chúng tôi ở đây diễn ra bình thường theo tình hình chung ở nước Nga thì đang khó khăn. Song đây là khó khăn chung nên chúng tôi vẫn sống vui vẻ, lạc quan...

PV: Saint Petersburg là một thành phố du lịch nổi tiếng thì có ảnh hưởng gì đối với sinh kế của bà con ở đây không, thưa ông?

Ông Lê Đình Vũ: Saint Petersburg là thành phố lớn thứ hai nước Nga và mấy năm liền đều được các tổ chức quốc tế bình chọn là thành phố du lịch đẹp nhất châu Âu. Tất nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến những người sinh sống và cả những người học tập ở đây.

Ví dụ như những người học tập ở đây rất hay gặp gỡ người thân, người nhà sang du lịch hay đi công tác. Còn với bà con kinh doanh thì mở ra một hướng làm ăn rất tốt. Rất nhiều bà con trong cộng đồng đã mua nhà để cho thuê, mua ô tô để chở khách du lịch, rồi mở nhà hàng. Mấy năm nay, nhà hàng Việt Nam được mở cũng khá nhiều, mấy chục cái rồi. Theo tôi, hướng như vậy là rất tốt đối với cộng đồng.

PV: Như ông vừa nói, số lượng người Việt Nam ở thành phố này rất ít. Vậy làm thế nào để cộng đồng có thể quy tụ lại với nhau, hỗ trợ nhau ở nơi xa xứ?

Ông Lê Đình Vũ: Cộng đồng chúng tôi đã hoạt động từ lâu rồi. Khoảng 20 năm trước đã thành lập cộng đồng và chúng tôi có Ban chấp hành cộng đồng, có những người phụ trách đối ngoại, đối nội, phụ trách thể thao, thanh thiếu nhi, phụ nữ... Cộng đồng cũng có trang web riêng của mình. Tất cả những vấn đề thời sự trong cộng đồng, những khó khăn của bà con sinh sống ở đây, thậm chí cả người Việt đến đây du lịch và làm những công việc khác nữa, chúng tôi có thông tin ngay và hỗ trợ kịp thời nếu có thể.

Ví dụ về đối nội, tất cả những vấn đề khó khăn của bà con đều được giải quyết kịp thời như Hội phụ nữ thì hòa giải về hôn nhân - gia đình, các cháu thiếu nhi học giỏi thì hàng năm đều được nhận quà khen thưởng. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao trong cộng đồng như cờ tướng, bóng đá...

Về đối ngoại, thường xuyên mỗi năm tổ chức có từ 1-2 lần gặp gỡ các cựu chiến binh Nga từng đã chiến đấu ở Việt Nam. Chúng tôi còn tổ chức đưa các cựu chiến binh thăm lại Việt Nam, các cụ rất thích và cảm kích với tình nghĩa của người Việt Nam.

Còn những bà con đến đây đi du lịch hay đi công tác mà có việc xảy ra như khó khăn, bị bệnh thì cộng đồng luôn sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ.

PV: Như vậy có thể thấy cộng đồng người Việt ở Saint Petersburg hoạt động rất quy củ. Vậy sự hưởng ứng của bà con như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Đình Vũ: Bà con rất là vui. Hồi trước nhiều người không quan tâm, để ý lắm nhưng càng ngày càng thấy đây là một nhu cầu, một sân chơi chung. Cộng đồng hoạt động phi lợi nhuận và không thu phí nên chỉ có giúp đỡ, hỗ trợ nhau thôi, tham gia chỉ có tốt hơn thôi.

PV: Những người đứng đầu của hội người Việt nói chung và các hội đoàn nhỏ nói riêng đều hoạt động vì cộng đồng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Điều gì khiến ông và những người khác lại mong muốn được làm những điều đó cho cộng đồng?

Ông Lê Đình Vũ: Tôi làm công tác cộng đồng từ lâu rồi. Ngay từ đầu tới khi làm được 2 nhiệm kỳ tôi định thôi, nhưng sau đó lại tiếp tục nhiệm kỳ này. Trên thực tế, làm như này là mình mang những kiến thức, những gì mình biết truyền lại cho những người chưa biết. Đó là một điều rất tốt. Mình giúp họ và ngược lại mình nhận được niềm vui cho mình. Mọi người đều làm như thế hết, tôi không thấy ai vụ lợi trong những chuyện này.

Nhà hàng Nem Nem của một kiều bào ở thành phố Saint Petersburg, Nga

Anh em lãnh đạo trong cộng đồng và những người tâm huyết rất muốn chỉ ra cho bà con trong cộng đồng một hướng đi mới trong hoạt động kinh doanh để có thể sống lâu dài và ổn định ở nước Nga. Rất nhiều người có ý tưởng khác nhau như mở nhà hàng, quán ăn nhanh ở các điểm du lịch. Bà con “bắt chước” nhau làm, ai biết thì chỉ bảo cho người chưa biết, chưa có kinh nghiệm...

Tôi rất tự hào khi là người Việt đã sinh sống nhiều năm ở Saint Petersburg. Tôi từng đi rất nhiều nước và gặp gỡ rất nhiều bà con cộng đồng mình ở các nơi. Tôi cũng thường xuyên về Việt Nam và mỗi lần về thấy đất nước phát triển chúng tôi rất mừng. Tôi luôn mong muốn cộng đồng người Việt chúng tôi ở Saint Petersburg nói riêng và ở nước Nga nói chung sẽ luôn có một cuộc sống ổn định, bền vững, vui vẻ, lạc quan ở xứ người và luôn hòa hợp, đoàn kết…hướng về Tổ quốc vì chúng ta đều là “con Rồng, cháu Tiên”.

PV: Xin cảm ơn ông

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật