Phát triển mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân phát triển mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển mô hình này.
Phát triển mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp
Du lịch tham quan các vườn cây ăn trái được du khách yêu thích. (Ảnh: dulichdongque)

Theo đó, tỉnh ưu tiên đầu tư những dự án hạ tầng kỹ thuật xã hội như cầu, đường, giao thông, viễn thông, điện, nước đến các vùng, địa phương. Chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, chất lượng cao phục vụ cho khách du lịch như các sản phẩm làm từ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ, gạo sạch của Thạnh Phú.

Hiện nay, các tour du lịch đặc trưng về loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp ở tỉnh gồm: du lịch tham quan các vườn dừa, vườn cây ăn trái; trải nghiệm sống trong nhà dân; tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc trưng gắn liền với cây dừa… Loại hình du lịch homestay ở tỉnh thời gian qua phát triển, hiện toàn tỉnh có 41 homestay với sức chứa trên 1.000 khách, tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm và TP. Bến Tre.

Du lịch homestay đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Ngoài ra, hoạt động của các hộ sản xuất nông nghiệp huyện Thạnh Phú cũng đang bước đầu gắn kết với phát triển du lịch, khách sẽ được hướng dẫn đến tham quan và mua các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương như xoài tứ quý, nghêu, tôm, cua…Đặc biệt, hiện nay bưởi da xanh, dừa uống nước xiêm xanh, sầu riêng Cái Mơn, tôm càng xanh, cua biển của Bến Tre được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, đã tạo điều kiện thuận lợi đưa các sản phẩm nông sản chất lượng của tỉnh tiếp cận khách du lịch trong và ngoài nước.

Một sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn cũng được xem là thế mạnh của du lịch tỉnh đó là làng nghề nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 57 làng nghề đã được công nhận, trong đó 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề nông nghiệp truyền thống chủ yếu sử dụng phương pháp sản xuất thủ công, tạo sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các công đoạn tạo ra sản phẩm như sản xuất cây giống, hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt chiếu, đan giỏ cọng dừa, chế biến cá khô, rượu Phú Lễ, kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng…

Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn để giúp nông dân nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, kiến thức, kỹ năng về kinh doanh du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, điểm đến, tạo cầu nối liên kết giữa các đơn vị lữ hành với người dân để kết nối tour tuyến thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Song song đó, có nhiều cơ chế chính sách được lồng ghép trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì các sản phẩm du lịch  gắn với nông nghiệp nông thôn hiện nay chưa đạt yêu cầu, nhiều tiềm năng nhưng khai thác chưa thật sự tương xứng do tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đã ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Cơ sở vật chất tại nhiều điểm du lịch chưa đảm bảo chất lượng phục vụ khách do hạn chế về nguồn vốn đầu tư, trình độ quản lý. Nguồn khách không ổn định…

Thời gian tới, để phát triển mô hình du lịch  gắn với sản xuất nông nghiệp nông thôn một cách bền vững, lâu dài, khai thác hết tiềm năng của địa phương, ngoài công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân về những lợi ích thiết thực từ việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, tỉnh  Quy hoạch phát triển nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch du lịch để đảm bảo định hướng phát triển bền vững và hỗ trợ lẫn nhau. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng của mỗi địa phương. Có cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên cho loại hình du lịch nông nghiệp. Thực hiện quy hoạch đào tạo, liên kết đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực cho mô hình du lịch nông nghiệp. Đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp. Đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các làng nghề trong việc duy trì, mở rộng, nâng cấp cơ sở, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch...

Cùng với các sản phẩm du lịch gắn nông nghiệp đang được khai thác, hiện nay tỉnh Bến tre  đang triển khai thực hiện Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách. Đây là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm./.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật