Lý do Hải Phòng và 3 tỉnh miền Trung được chọn thí điểm cơ chế đặc thù

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhận định Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế là những địa phương có điều kiện, động lực phát triển, đại biểu Quốc hội kỳ vọng cơ chế đặc thù sẽ giúp tạo ra đột phá.
Lý do Hải Phòng và 3 tỉnh miền Trung được chọn thí điểm cơ chế đặc thù
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ thảo luận số 3. Ảnh: Hồng Phong.

Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế là nội dung được các đại biểu thảo luận tại tổ sáng 22/10. Vì sao cơ chế đặc thù được áp dụng cho các địa phương này là vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích rõ khi cho ý kiến tại tổ thảo luận số 3.

Chọn nơi có động lực tăng trưởng để thí điểm

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh địa phương nào có điều kiện, động lực sẽ có những cơ chế, chính sách đột phá mạnh hơn để phát triển, nhằm tạo sự lan toả cho những địa phương khác, cho cả vùng và cả nước. Những địa bàn khó khăn sẽ có những cơ chế chính sách đặc thù giúp họ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với địa phương khác.

Trong đó Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế đều là những địa phương có nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về phát triển.

Với Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội đánh giá đây là một trong những tam giác phát triển của phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh).

Gần đây, TP có những bứt phát mạnh mẽ cả về GDP, thu ngân sách, kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới.

“9 tháng đầu năm nay, dù cả nước tăng trưởng thấp, Hải Phòng vẫn tăng trưởng hơn 12%. Cả nước phấn đấu đến năm 2030 đạt mức 8.000 USD thu bình quân đầu người nhưng riêng Hải Phòng lại đặt mục tiêu 16.000 USD. Do đó, nhu cầu phát triển của Hải Phòng là rất lớn”, ông Huệ phân tích.

Hải Phòng cũng xác định tầm nhìn không chỉ là một cực tăng trưởng mà còn là động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước.

Với Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Quốc hội cho biết trước đây Bộ Chính trị đã có Nghị quyết phấn đấu đưa địa phương này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Quá trình tổ chức thực hiện, tỉnh đã có tốc độ phát triển tốt.

Thanh Hóa đang phấn đấu trở thành một trong tứ giác phát triển của phía Bắc, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hoá. Do đó, tỉnh chỉ thiếu cơ chế để tổ chức thực hiện và phát triển.

Nghệ An cũng tương tự Thanh Hóa. Đây là tỉnh có diện tích lớn, dân số đứng thứ 4 cả nước.

“Vì vậy việc xây dựng cơ chế đặc thù cho những nơi này là để các địa phương có lực phát triển mới hơn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đột phá mà cái gì cũng chờ Trung ương thì khó

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các nghị quyết về cơ chế đặc thù nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương này. Mục tiêu cuối cùng là tăng đóng góp cho ngân sách, việc làm và đưa các địa phương này trở thành đầu tàu kéo các tỉnh xung quanh.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Hồng Phong.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 4 địa phương trên mong chờ nhất hai vấn đề lớn: Phân cấp đặc quyền cho địa phương và tăng nguồn thu ngân sách để địa phương thực hiện các dự án trên địa bàn. Song, ông lưu ý cơ chế phải phù hợp với điều kiện đặc thù riêng của từng nơi, tạo điều kiện bứt phá và trở thành đầu tàu.

Với vấn đề được tiếp tục nghiên cứu, ông Dũng cho biết có thể bổ sung trong quá trình thực hiện. Ví dụ, đề xuất Hải Phòng có thêm khu thương mại tự do, nếu được cho phép sẽ bổ sung sau.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh trong thực hiện phải phát huy hết cơ chế đã trao, hài hòa giữa các địa phương và không ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước.

“Nếu cho cơ chế rồi mà tăng trưởng vẫn thế, không có đóng góp gì thêm thì ý nghĩa giảm đi rất nhiều. Chúng tôi sẽ bám sát với địa phương xem chính sách có phát huy được hết không để đánh giá lại”, ông Dũng nói và lưu ý địa phương không được lạ‌m dụn‌g cơ chế đặc thù.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng ủng hộ quan điểm ưu tiên phát triển vùng có động lực tăng trưởng cao bên cạnh việc quan tâm các tỉnh nghèo, khó khăn. Theo ông, cần dành nguồn lực, tạo cơ chế thông thoáng để địa phương phát huy sức mạnh của mình, giảm bớt thủ tục cho công việc nhanh gọn để cho các đơn vị phát triển.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cơ chế chính sách đặc thù phải thực sự đổi mới tư duy, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mới gọi là đột phá.

“Đột phá mà cái gì cũng chờ Trung ương, đợi Trung ương thì khó. Đột phá chủ động nhưng phải trong khuôn khổ của Pháp Luật”, ông Mẫn nói và nhắc đến việc vừa qua một số địa phương làm không đúng, có những sai phạm mà điển hình là việc hàng loạt cán bộ thuộc diện Trung ương và tỉnh quản lý bị xử lý kỷ luật.

Từ thực tế đó, ông Mẫn đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tăng cường giám sát của Quốc hội, HĐND, mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật