Nơi bờ vực ngoái lại

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuối cùng thần Chết đã mang được tôi đi. Không còn cảm thấy đau đớn như cách đây ít phút, lồng ngực như có bánh xe gắn đinh đè lên mỗi lần cố thở, chỉ có thở thôi mà đau đớn thế này thì thà chết cho rồi. Tôi nhắm mắt lại nhưng không thể nào mở ra nổi và sau đó là tôi ở cái chỗ lạ lẫm này.
Nơi bờ vực ngoái lại
Minh họa: Tô Chiêm

Không còn ô cửa sổ nhìn ra cây bàng cuối thu với đám lá vàng đang tàn dần nơi phòng bệnh, xung quanh tôi giống như một thế giới vô cực, không có gì ngoài một màu trắng tinh mênh mang tứ phía, hun hút phía xa xa là một cánh cửa tối màu ghi, chợt nghĩ chẳng biết phía sau nó là thiên đường hay địa ngục?

Có lẽ cái chỗ tôi đang đứng này là thế giới nối sự sống và cái chết, cái thế giới bí ẩn mà mấy lần tôi vô tình đọc được trên cõi mạng.

Cuộc đời đã cho tôi những bài học xương máu về sự nóng vội nên chẳng việc gì phải hoảng loạn, cuộc đời cũng dạy cho tôi tự tìm niềm tin, nhưng chắc chẳng thể dùng trong hoàn cảnh này, chết rồi thì lạc quan nỗi gì. Tôi chầm chậm bước về phía trước, đằng nào cũng đã chết, chẳng bằng cứ bước đi, đến nơi có cánh cửa tối màu bí ẩn kia, chắc phía sau sẽ là nhân quả bấy nhiêu năm cuộc đời mình.

Khi người ta chết, họ thường trăn trối đủ điều thì lúc ra đi mới thanh thản, nhẹ nhàng được, nhưng xung quanh tôi lúc ấy làm gì có ai, bao nhiêu dự định, ước mơ cũng vì thế mà tan thành mây khói. Bây giờ trong suy nghĩ của tôi chỉ có người thân và người đầu tiên tôi nhớ tới là ba mình, người đàn ông trước đây tôi vẫn nghĩ là nghiêm khắc, không biết chia sẻ tình thương và không yêu thương gì tôi cả.

Mẹ mất sớm, mình ba vất vả bươn chải nuôi tôi lớn lên và ăn học tử tế, nhưng hai cha con khắc khẩu nhau, hồi bé cứ sai phạm gì của tôi là ba đánh, đánh xong lại tiếp tục lôi tôi vào giáo dục chính trị tư tưởng bên chiếc bàn uống nước, tôi cứng đầu, chỉ im lặng không nói lại nửa lời, lớn lên một chút ba muốn tôi học y, nhưng tôi lại giấu ba làm hồ sơ thi Đại học Hàng hải để thỏa đam mê lênh đênh trên đại dương và cũng để tôi không phải gần ba mình.

Ngày nhận giấy báo nhập học, ba giận tôi lắm, thậm chí ông cương quyết không cho tiền suốt mấy năm tôi ăn học, may mà nhờ có cô ruột hằng tháng vẫn dấm dúi gửi tiền cho tôi, nên cuộc sống sinh viên của tôi cũng không quá vất vả. Có lẽ vì thế, tôi không cảm nhận được tình yêu của ba cho đến khi tôi có con, lúc ấy ba vẫn sống một mình trong ngôi nhà cũ còn tôi lập gia đình cách đó mấy trăm cây số, hằng năm chỉ đưa vợ con về ngày tết và ngày giỗ mẹ.

Ngày ba mất, chắc ông cũng đi qua nơi vô cực này và tôi đoán cũng không có ai trả lời cho ba câu hỏi vì sao tôi không về gặp ông lần cuối, vì sao khi lo tang ba lại là những người xa lạ chưa từng biết mặt. Họ gửi tro cốt của ba tôi lên chùa đợi ngày tôi hết thời gian cách ly tới nhận. Đưa ba về nhà, tôi đã ngồi trên chiếc bàn ngày xưa ba vẫn hay ngồi mắng tôi, ngày ấy chỉ có ba và tôi, bây giờ cũng chỉ có tôi và ba, chỉ khác người nói là tôi. Khi ba im lặng, tôi biết là ba đã tha thứ cho mình.

“Tiền cô gửi cho con hằng tháng, là tiền của ba con bảo cô đưa đấy, ba dặn cô nhất định không được nói cho con biết, giờ ba mất rồi, cô không giấu con nữa...”.- Cô tôi vừa dứt lời, cảm tưởng như máu trong người tôi ngưng chảy, thay vào đó là dòng chảy của nước mắt, hồi bé ba có mắng rát, có đánh đau đến đâu tôi cũng không bao giờ khóc, nhưng bây giờ tôi khóc tu tu như một đứa trẻ, tôi không tha thứ cho mình.

Cánh cửa mỗi lúc một gần hơn, tôi lại nghĩ đến vợ mình, người phụ nữ tảo tần, đầy đức hy sinh, khi tôi mất tất cả thì cô ấy vẫn luôn bên cạnh, cô ấy đã bỏ công việc nhàn hạ lương cao ở thành phố rồi đi theo đam mê của tôi để nhận lấy sự vất vả, tôi nợ cô ấy cuộc đời của mình. Còn tôi, cái ngày ấy, ngày còn lênh đênh trên biển cả, mỗi lần tàu cập ở những bến bờ lạ, tôi lại cùng bạn bè đi tìm những cảm giác lạ, và đã không ít lần tôi biết rằng mình đã phản bội lại tình yêu trong trắng và đầy hy sinh của vợ mình. Tôi biết mình đã mắc nợ cô ấy ấy thật nhiều, nhưng giờ thì đã hết, thần Chết đã đưa tôi đi, sẽ không còn bất kỳ một cơ hội nào nữa để tôi làm lại từ đầu, làm lại một cuộc yêu đương trọn vẹn.

Tôi nhớ đứa con gái nhỏ đáng yêu và nợ con lời hứa sẽ mua tặng con chiếc đèn lồng trung thu khi trở về. Vợ và con tôi đang ở miền cửa biển, nơi ấy an toàn hơn nơi này, nhưng biển đang là mùa bão, khi biết tin tôi vào vùng dịch, bão trong lòng họ còn dữ dội hơn bão biển. Tôi thèm cảm giác được quây quần bên vợ con, tôi đã ra khơi rất lâu rồi, đến khi chạm vào được đất liền thì nghe tin ba mất, tôi đã về thẳng thành phố mà không ngược về nhà. Cô ấy đã cố gắng khuyên tôi đợi vãn dịch rồi lên chùa nhận lại tro cốt của ba, nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện bổn phận của mình. dịch bệnh trong thành phố ngày càng nghiêm trọng hơn, tôi không thể trở về được bên gia đình, trong khi đó, ở nơi này, người người chống dịch, nhà nhà chống dịch, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể ngày đêm vất vả, tôi cũng tham gia vào một đội thiện nguyện để góp sức nhỏ của mình cho xã hội.

Cái dịch bệnh đáng sợ này đã làm mọi quy tắc truyền thống bị phá vỡ, cản trở tình yêu thương con người, xã hội điêu đứng, lũ trẻ mồ côi, gia đình ly tán, tiếng khóc than ai oán khắp nơi. Len giữa những con đường, góc phố là cảnh hoang vắng đến lạnh người tưởng chừng như chỉ có trong phim viễn tưởng, từng thân cây, ngọn cỏ như tiêu điều, xác xơ, không có thời gian thì chẳng phân biệt được bốn mùa... sau này sẽ chẳng ai muốn nhớ lại những năm tháng này.

 Làm công việc thiện nguyện được một thời gian, tôi cũng bị COVID-19 hỏi thăm, tôi cảm thấy c‌ơ th‌ể mình ốm yếu, chán ăn, tiếp đến là đau ngực nhẹ và khó thở, lúc đầu tôi khá hoang mang vì tôi chỉ có một mình nơi này, gia đình cô ruột gần đây cũng trong khu vực phong tỏa nên không giúp gì được nhiều. Rất may tôi có quen một bác sĩ, hằng ngày hướng dẫn cho tôi cách điều trị tại nhà, nên tôi cũng an tâm.

Còn vợ tôi, cô ấy đã khóc rất nhiều, nhất là những hôm đầu tiên, cứ vài tiếng cô ấy lại điện thoại cho tôi để cho chồng bớt cô đơn, lo lắng, mỗi ngày cô ấy đều đánh thức tôi, nói chuyện rồi bàn đủ thứ chuyện trên đời, rồi hai vợ chồng thống nhất gia đình sẽ về thành phố sống khi tình hình ổn định hơn, chúng tôi đồng tình với chủ trương sống chung với dịch của chính quyền, mỗi ngày vợ chồng lại gom góp, nghĩ ra những ý tưởng mới khi về đây. Chúng tôi sẽ cải tạo, sửa sang lại ngôi nhà tuổi thơ của tôi sau bao nhiêu năm đó vẫn là nơi tôi sinh ra và lớn lên, vừa để hương khói cho ba mẹ mình mỗi ngày.

Tôi sẽ bỏ đi những đam mê ngoài đại dương mênh mông kia để về bên vợ con, không đi xa nữa, những lúc dịch bệnh thế này mới biết được phút giây ở bên người thân của mình quý giá đến nhường nào. Tôi sẽ nhìn con gái mình khôn lớn mỗi ngày, cô ấy bảo rằng: “Anh sẽ dạy con làm quen với công nghệ để học online, em sẽ dạy con học múa. Em sẽ đi làm công việc trang điểm cô dâu mà em yêu thích, những đôi trai gái họ dừng cưới nhau lâu quá rồi, rồi cả nhà ta sẽ vun xới, trồng những luống rau trên sân thượng, ta sẽ cùng nhau góp những sức lực bé nhỏ của mình vào những công việc hàn gắn vết thương xã hội”. Bởi từ thiện từ lâu là việc làm đam mê của hai vợ chồng... Rằng: “Sống chung với dịch mà chẳng may một trong ba thành viên bị COVID-19 thì cũng chẳng sao, chúng ta sẽ tự chăm sóc cho nhau, người khỏe chăm sóc cho người yếu hơn, quan trọng nhất là phải vững niềm tin và kiên cường, chỉ cần chúng ta không buông tay, chỉ cần chúng ta luôn nghĩ về những điều tích cực...".

Cho đến một ngày, sức khỏe của tôi chuyển xấu nhanh chóng do tôi có bệnh nền, họ đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu, nơi có căn phòng và ô cửa sổ nhìn ra cây bàng đang thay lá... cổ họng của tôi khi nhập viện đau rát khủng khiếp, như có dao cứa liên tục, tôi thấy thở khó hơn rất nhiều, ngực ngày càng bị đè nén, cảm giác như có trăm ngàn mũi kim đâm, dường như chưa có căn bệnh nào mà đau đớn đến thế, có những lần đau mà tôi chỉ muốn được giải thoát thật nhanh khỏi cõi đời này. Nhưng rồi lời hứa sẽ trở về với vợ con, đã níu kéo sự sống còn le lói trong tôi, tôi đã chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần, tôi không thể để mình chết dễ dàng như thế, không thể để một thứ đáng nguyền rủa không hình hài cướp mất linh hồn, dù thần Chết như đang trêu đùa với sinh mệnh này.

Cuối cùng, tôi cũng đứng trước cánh cửa, hình ảnh của cha tôi, vợ con tôi ùa về, tôi thấy vợ con mình tươi cười trong ngày tết đoàn viên, con gái reo vui khi nhận được chiếc đèn trung thu, tôi thấy bát hương hóa ngùn ngụt ngày đưa cha về nhà, ngọn lửa như đang cháy lên trong lòng tôi nóng rực. Bỗng tôi thấy mình thở rất đau, y như cảm giác đau đớn trước khi tới nơi này. Đau không thốt được nên lời, tôi khụy xuống và sẵn sàng đón cái chết lần thứ hai chỉ trong ít phút, chợt trong khoảnh khắc cố chịu đựng sự đau đớn tột cùng ấy cũng là lúc tôi thấy cánh cửa bí ẩn mở ra, trong mơ hồ tôi thấy bác sĩ chạy vào.

*

Sau khi can thiệp ECMO, tôi dần tỉnh lại nhưng vẫn rất yếu, nhịp tim của tôi trở lại gần như bình thường, thở tuy vẫn còn khó nhưng không đau như trước, bác sỹ nói rằng tôi đã qua cơn nguy kịch, sau bao nhiêu lần tưởng chừng không cứu được và dường như thần Chết cũng đã quyết định buông tha tôi.

Ngày xuất viện, vợ tôi đến đón, cô ấy nói thành phố đã nới lỏng hơn quy định giãn cách, chúng tôi sẽ về nhà sum họp, nhìn người phụ nữ của đời mình, tôi thấy cuộc đời này thật đáng sống. Trong sâu thẳm, tôi nghĩ đến căn phòng bí ẩn có cánh cửa màu ghi kia, đó không phải lối dẫn đến Thiên đàng hay Địa ngục, cũng chẳng phải nơi con người ta sám hối. Nhưng ở nơi đó tôi đã tìm thấy chính bản ngã của mình, trước đau đớn không bị khuất phục, trong cơn bĩ cực vẫn thấy được niềm tin, khao khát được sống được yêu thương luôn được đánh thức đúng thời điểm trong cuộc đời mỗi con người.

Tôi sẽ tiếp tục viết tiếp ước mơ của mình trong thành phố này, ngoài kia chiếc lá bàng cuối cùng của mùa thu đã rụng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật